Khi Gen Y đời đầu bước vào tuổi trung niên
Caitlin Dunham sẽ bước sang tuổi 40 vào năm nay. Cô là một trong những người đầu tiên thuộc thế hệ Gen Y hay Millennials (sinh năm 1981 đến năm 1996) và cả quãng đời trưởng thành của mình, Dunham đã vật lộn để tìm kiếm 2 chữ “ổn định”.
Khi Caitlin Dunham tốt nghiệp đại học năm 2001, mẹ cô mất công việc 20 năm vì khủng hoảng kinh tế lúc đó. Cả gia đình đối mặt khó khăn tài chính, phải lo lắng từng khoản từ tiền học đến tiền thuê nhà, tiền nghỉ hưu. Rút kinh nghiệm từ bố mẹ, cuộc khủng hoảng đó thôi thúc Dunham tìm kiếm một công việc ổn định (làm trong ngành dược), kết hôn sớm (trong độ tuổi 20) và nghĩ rằng như vậy sẽ giúp cô bình ổn trước mọi biến động cuộc đời.
Nhưng mọi chuyện không xảy ra như vậy.
Thay vào đó, những biến động xã hội và kinh tế “quay” cô và gia đình như chong chóng. Năm 2006, chồng Dunham, một kỹ sư phần mềm mua một căn nhà ở Tampa Bay và giá trị của nó giảm 1 nửa vào năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra. Tài sản họ nghĩ là “bảo hiểm tài chính” của mình trở thành một túp lều không ai thèm mua. Dunham cũng mất việc trong giai đoạn này.
Caitlin Dunham bắt đầu sự nghiệp dược sĩ với khoản nợ đại học 250.000 USD, ngay cả khi cô đã học trường công. Sau nhiều năm, 2 vợ chồng cô và 2 con nhỏ di cư đến bang Delaware vào năm 2019. Cô cho rằng cuộc sống ở Minnesota quá bận rộn nên muốn chuyển nơi ở, chuyển chỗ làm để tập trung hơn cho gia đình.
Nhưng Dunham cũng không có thêm thời gian nào cho hai con. Khi đại dịch Covid-19 đến, cô dốc toàn bộ năng lượng của mình vào công việc với tư cách một nhân viên ngành y. Nữ dược sĩ làm việc ngày đêm trong phòng cấp cứu, gần như không thấy 2 con bao giờ. Khi Covid hạ nhiệt, cô mất việc lần nữa vào năm 2021. Một cơn khủng hoảng lớn khác xảy đến với gia đình cô. Caitlin Dunham chưa thể “ổn định”, dù cố gắng sống an toàn thế nào.
Ảnh minh họa |
Khi nhận được câu hỏi “Bạn có thấy mình giống người trung niên không?”, Joseph Walzer, 41 tuổi,một Gen Y thế hệ đời đầu khác trả lời như sau: “Về mặt sức khỏe thì có. Về mặt tài chính thì tôi vẫn trong độ tuổi 20”. Hay Gina Mancuso, 40 tuổi thì trả lời: “Thế giới này khiến tôi sợ hãi và tôi chỉ muốn chạy trốn hoặc tiêm thêm Botox”.
Gina Mancuso không lo lắng về khủng hoảng trung niên, vì “cả cuộc đời trưởng thành của tôi đã là một cuộc khủng hoảng dài rồi”. Cô đã phải đối mặt liên tục với khủng hoảng nghề nghiệp, nợ học phí đại học, tài sản đầu tư mất trắng, tiền nuôi con đắt đỏ, áp lực công việc và tổng kết tất cả lại là sự bất an thường trực. Vợ chồng Mancuso đều là những trí thức có năng lực chuyên môn, nhưng họ luôn cảm thấy mình có thể mất việc bất kỳ lúc nào.
Đó không phải là cuộc sống mà những Gen Y từng hình dung khi họ còn trẻ.
Mọi giá trị đều bị định nghĩa lại
“Tôi vẫn cảm thấy mình giống một đứa trẻ trong quá trình trưởng thành, mặc dù tôi đã làm cha và trở thành một luật sư”, Ron Kanicci, 39 tuổi cho biết.
Ngày nay, độ tuổi 40 có ý nghĩa gì? Không ai thực sự biết nữa. Hãy nhìn vào những người Gen Y đời đầu thành công và nổi tiếng như Beyoncé, Britney Spears, Natalie Portman, Serena Williams và Meghan Markle. Những người đều đã bước sang tuổi 40 trong năm qua và chúng ta có ai gọi họ là “người trung niên” không?
Thế hệ bùng nổ dân số (Gen X) trước đó khiến chúng ta từng tin rằng có một con đường duy nhất trong cuộc đời: kết hôn, mua nhà, có 2,3 đứa con, lặng lẽ rơi vào trạng thái tự mãn, rồi nghỉ hưu. Nhưng rõ ràng là thế hệ Millennials không đi theo kịch bản đó. Được sinh ra trong thời đại phát triển và nhiều hứa hẹn, Gen Y từng được nói rằng họ có thể có tất cả. Nhưng không ai đề cập rằng họ sẽ phải xác định lại hoàn toàn “tất cả” trông như thế nào.
Những người thuộc thế hệ 8X, 9X đời đầu bước vào xã hội giữa một nền kinh tế đầy vấn đề đã sụp đổ vào năm 2008. Nhiều người phải trì hoãn hoặc từ bỏ những cạm bẫy điển hình của tuổi trưởng thành: mua nhà, kết hôn, sinh con, thậm chí mua ô tô. Sự tàn phá của đại dịch tiếp tục thách thức họ một lần nữa. Như Michael Hobbs đã viết cho Huffington Post trong một cuộc điều tra chuyên sâu, “thế hệ Millennials đang phải đối mặt với tương lai tài chính đáng sợ nhất so với bất kỳ thế hệ nào kể từ cuộc Đại suy thoái”.
Tại Mỹ, một báo cáo năm 2019 của tổ chức tư vấn phi đảng phái New America cho thấy những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996 kiếm được ít hơn 20% so với những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số ở độ tuổi của họ. Và dữ liệu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis cho biết tài sản của Gen Y trung bình là 162.000 USD, so với 198.000 USD của Gen X ở cùng độ tuổi.
Nhà tâm lý học Ellen Vora cho biết: “Chúng ta đang khắt khe với bản thân vì chúng ta đang đo lường các mục tiêu cuộc sống của mình so với những gì cha mẹ chúng ta đã làm”. Nhưng rõ ràng, cha mẹ Gen Y đã sinh trưởng trong một thời đại hoàn toàn khác biệt nên những mục tiêu đó không còn phù hợp.
Ảnh minh họa |
Có một điều đáng chú ý là thế hệ Millennials hiện là thế hệ có số dân đông nhất toàn cầu và với tỷ lệ sinh ngày càng giảm, “quyền lực” của họ khó có thể bị soán ngôi bởi Gen Z trong thời gian gần sắp tới. Dù thế nào, mỗi thế hệ sẽ có câu chuyện và thử thách của riêng mình. Gen Z hay sau đó là Gen Alpha cũng sẽ lại tiếp tục tái định nghĩa mọi thứ theo sự biến chuyển thời đại của họ.
Nguồn: NY Times, Harper’s Bazaar
Khi Gen Z đi dạy tiếng Anh, đến lời phê cũng độc lạ khiến học trò: "Ủa, alo cô ơi?!"
Năng lượng "hài hước" và trẻ trung của thế hệ thầy cô Gen Z đúng là cực kì thu hút.