Theo EVN, từ ngày 4/5, mỗi kWh điện sẽ tăng 3% lên mức 1.920,37 đồng (chưa gồm thuế VAT). Mức giá bán lẻ điện cho sinh hoạt sẽ tăng theo các bậc thang và mức cao nhất là 3.015 đồng/kWh.
EVN cho hay, trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng khách hàng sẽ phải trả thêm 141.000 đồng.
Với 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi hộ sản xuất phải trả 10,6 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi hộ sản xuất sẽ trả thêm 307.000 đồng/tháng.
EVN có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp. Mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi khách hàng này sẽ trả thêm là 40.000 đồng/tháng.
Theo ông Võ Quang Lâm, với mức tăng 3% thì tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Với những hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh, tiền điện tăng thêm từ 2.500 đồng - 5.100 đồng/hộ. Năm 2022, EVN có 4,7 triệu hộ trong hạn mức này, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN là 10,04 triệu hộ trong năm 2022, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tiền điện tăng thêm của những hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ, số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Còn đối với hộ sử dụng điện 400 kWh, tiền điện tăng thêm mỗi tháng là 27.200 đồng/hộ, số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Theo tính toán, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Trong năm 2021, giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.855,57 đồng/kWh, tăng 1,94% so với năm 2020. Năm 2022, mức giá này tiếp tục tăng lên 1.882,73 đồng/kWh. Dù mức giá này đã tăng 1,46% so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức giá thành sản xuất kinh doanh điện đã vượt lên trên 2.000 đồng/kWh.
Với mức giá như trên, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỉ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỉ đồng (gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng), giúp EVN giảm lỗ còn 26.235,78 tỉ đồng trong năm 2022.
Đáng chú ý, EVN vẫn còn khoản tiền chênh lệch tỉ giá, hơn 14.700 tỉ đồng, hiện vẫn chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Việc chưa hạch toán khoản lỗ này, theo EVN, là để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không làm cho giá biến động quá lớn.
Theo EVN, với mức tăng 3% thì ước tính doanh thu năm 2023 trong 8 tháng tới của EVN sẽ tăng thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.
Về tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 10% sẽ tác động vào CPI là 0,33%, 5% sẽ tác động vào CPI là 0,17% thì việc tăng 3% sẽ thấp hơn.