Quang cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, PCT LHHVN Phạm Quang Thao nhấn mạnh, hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thực hiện thành công khâu đột phá để đưa KH&CN thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác truyền thông phổ biến kiến thức của các tổ chức KHCN nhìn chung vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn như: Các chương trình, hoạt động phổ biến kiến thức chưa có sự liên kết giữa các hội thành viên, chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể, mục tiêu dài hạn cũng như mục tiêu cụ thể của toàn hệ thống.
Ông Phạm Quang Thao PCT LHHVN phát biểu khai mạc |
Nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả, lan toả công tác phổ biến kiến thức KHCN cho toàn dân trong thời gian tới. Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo với mục đích các tổ chức KHCN sẽ có kế hoạch, chương trình cụ thể triển khai hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức góp phần vào sự phát triển của LHHVN cũng như của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức KH&CN, TS. Lê Công Lương chia sẻ một số giải pháp sau:
Đầu tiên là xây dựng chiến lược truyền thông toàn diện. Định hình mục tiêu rõ ràng: Xác định mục tiêu truyền thông (nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm của công chúng, tạo uy tín cho tổ chức...). Phân tích đối tượng mục tiêu: Hiểu rõ nhu cầu, sở thích, và đặc điểm của các nhóm đối tượng khác nhau (giới nghiên cứu, doanh nghiệp, công chúng, học sinh/sinh viên...). Kế hoạch nội dung: Phát triển nội dung phù hợp, dễ hiểu và hấp dẫn cho từng nhóm đối tượng. Kết hợp sử dụng đa dạng định dạng như video, infographic, bài viết chuyên sâu, hoặc hội thảo trực tuyến.
TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký VUSTA phát biểu tại hội thảo |
Tiếp theo, TS. Lương cho biết, cần đẩy mạnh sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Tận dụng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok...), website, và các ứng dụng di động để tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi. AI và phân tích dữ liệu: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa nội dung, dự đoán xu hướng quan tâm và tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch. Tổ chức sự kiện trực tuyến: Thực hiện các hội thảo, tọa đàm trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí và tiếp cận đông đảo khán giả.
Cùng với đó, phát triển đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp. Đào tạo kỹ năng truyền thông: Tổ chức các khóa học để nâng cao năng lực về viết, quay dựng video, thiết kế đồ họa và sử dụng công nghệ số cho nhân viên. Kết hợp chuyên gia đa lĩnh vực: Hợp tác với các nhà báo, chuyên gia truyền thông để làm cho nội dung KH&CN dễ hiểu và hấp dẫn hơn. TS. Lê Công Lương nhận định.
Hợp tác với các cơ quan báo chí: Xây dựng mối quan hệ tốt với các cơ quan truyền thông để đảm bảo tin tức về tổ chức được phủ sóng rộng rãi. Kết nối với doanh nghiệp và trường học: Phổ biến kiến thức qua các chương trình hợp tác đào tạo, các hội thảo hoặc dự án thực tế.
Nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó TBT Tạp Chí Việt Nam Hội Nhập |
Lấy ví dụ từ Tạp chí Việt Nam Hội Nhập, Nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó TBT Tạp Chí Việt Nam Hội Nhập cho biết, ngay từ những năm đầu thành lập mà đặc biệt từ khi Viện được cấp giấy phép hoạt động báo chí cho tạp chí khoa học là Tạp chí Việt Nam Hội nhập - công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học của Viện được nâng lên một tầm cao mới cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần gắn nghiên cứu với thực tiễn trong lĩnh vực chính sách, pháp luật và quản lý.
Ông Chấn cho hay, hoạt động khoa học công nghệ chỉ có thể có hiệu quả nếu như làm tốt công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, lan tỏa trong cộng đồng xã hội và là nhịp cầu giao lưu trong giới nghiên cứu cùng lĩnh vực hoạt động để góp phần cho các nghiên cứu ngày một gần hơn với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của khoa học và công nghệ thời kỳ hội nhập.
Hội thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức KH&CN: Nhiều nội dung khoa học vẫn còn khô khan, thiếu sự sáng tạo và không phù hợp với trình độ tiếp nhận của công chúng. Thông tin chưa đa dạng, phạm vi thông tin còn tập trung vào một số lĩnh vực hẹp, chưa khai thác toàn diện các lĩnh vực khoa học khác nhau. Chất lượng thông tin không đồng đều, một số nội dung chưa được kiểm chứng kỹ lưỡng, thiếu tính chính xác, hoặc sử dụng thuật ngữ phức tạp. Phương thức truyền thông còn chưa tận dụng tốt công nghệ hiện đại, việc ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội, và các công cụ truyền thông số còn hạn chế. Các phương pháp truyền thống như hội thảo, phát hành tài liệu vẫn chiếm ưu thế, thiếu sự đổi mới trong cách tiếp cận như làm video, đồ họa thông tin (infographic), hay trò chơi hóa (gamification).
Bên cạnh đó là vấn đề thiếu nhân lực chuyên nghiệp, đội ngũ làm công tác truyền thông KH&CN thưởng không được đào tạo bài bản về truyền thông hoặc kỹ năng tương tác với công chúng. Nhiều tổ chức KH&CN không có nguồn tài chính đủ để thực hiện các hoạt động truyền thông bài bản, liên tục và quy mô lớn. Chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các tổ chức KH&CN, cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan. Chưa có chiến lược truyền thông bài bản, nhiều tổ chức thực hiện truyền thông một cách tự phát, thiếu kế hoạch dài hạn và định hướng rõ ràng. Khoa học vẫn còn được coi là xa lạ, khó hiểu đối với nhiều người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Các chương trình giáo dục và phổ biến kiến thức KH&CN còn chưa được triển khai rộng rãi và đồng bộ,…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức KH&CN, các ý kiến thảo luận tập trung và các giải pháp: Xây dựng chiến lược truyền thông toàn diện; Ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cả nhân hóa nội dung, dự đoán xu hướng quan tâm và tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch; Phát triển đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, đào tạo kỹ năng truyền thông, kết hợp chuyên gia đa lĩnh vực; Tăng cường hợp tác với các đối tác, các cơ quan báo chí; Tập trung vào truyền thông sáng tạo. Đồng thời thực hiện đánh giá hiệu quả và cải tiến nội dung, phương thức truyền thông và thu thập phản hồi từ công chúng.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp không chỉ giúp tổ chức KH&CN cải thiện hiệu quả truyền thông mà còn nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với khoa học và công nghệ.
“Phụ nữ trí thức hội nhập và sáng tạo - Cầu nối tương lai Việt - Nhật”: Kết nối tri thức, vun đắp hữu nghị Việt Nhật
Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tạo cơ hội cho các nữ trí thức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tri ân những đóng góp của họ.