Đón con lớn từ Việt Nam qua học tiếp phổ thông cơ sở, đưa con nhỡ trường từ tuổi mẫu giáo lên đại học bên này, bây giờ lại tiếp tục hành trình đưa con út qua bậc mẫu giáo và nửa chừng bậc tiểu học, tôi có dịp quan sát, ngẫm nghĩ từng ngày về cách thức giáo dục ở nước Đức.
Ngành giáo dục ở đây cải cách liên miên, ác liệt còn hơn giáo dục Việt. Chỉ nội trong 12 năm qua, riêng hệ thống các cấp học đã đảo đồng đảo địa. Con lớn của tôi qua Đức theo học hệ cơ sở và trung học 13 năm. Con nhỡ vào tiểu học khi ngành giáo dục nhiều bang có xu hướng rút ngắn thời gian học hết trung học xuống 12 năm. Con út sắp xong lớp 4, nhiều phần nếu không phá ngang bỏ học thì sẽ tốt nghiệp trung học sau lớp 12.
Hệ 9 năm bị triệt bỏ. Hệ trung học tồn tại song song chương trình 12 và 13 năm, thực tế là nhiều bang chủ trương quay lại hệ 13 năm cho vừa sức trẻ. Cũng để vừa sức trẻ, các trường từ mẫu giáo trở đi có quyền tự chủ ở những mức độ khác nhau, trong việc chọn lựa chương trình, dung lượng kiến thức, sách giáo khoa và cách thức đầu tư tài lực, đặc biệt ở hệ trung học.
Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam nhầm lẫn vào trung học (Gymnasium) là vào trường chuyên. Không phải.
Mỗi trường có hướng đầu tư khác nhau cho học sinh tùy theo năng lực, ý muốn. |
Các trường thường có một hướng đầu tư thêm và học sinh có thể chọn trường theo năng lực, ý muốn. Trường mạnh về âm nhạc, nghệ thuật, trường mạnh về rèn luyện thể chất, trường mạnh về khoa học tự nhiên hay xã hội. Thực tế, ở Berlin chỉ có một hai trường đặc biệt dành riêng cho học sinh có năng khiếu đặc biệt và quá trình tuyển lựa cực kỳ gắt gao (như trường nhạc nghệ sĩ Phó An My từng theo học).
Ngoài việc chứng minh được năng khiếu qua nhiều yêu cầu, học sinh còn cần phải được một giáo sư âm nhạc nhận đỡ đầu. Hay trường toán, mà ở đó tuyển đầu vào có năm ngặt nghèo hệt tuyển đại học ở Việt Nam, lấy đúng 30 học sinh toàn Berlin và bang Brandenburg trong tổng số gần 400 thí sinh vào lớp 5. Điều này hoàn toàn hợp lý nếu chúng ta thừa nhận rằng năng khiếu đặc biệt vốn hiếm có và các thành phần rất không đông đảo này rất cần được hỗ trợ đặc biệt trong hy vọng năng khiếu đặc biệt có thể thành tài năng thật sự.
Việc tìm kiếm năng khiếu không đặt bất kỳ áp lực nào lên học sinh. |
Vấn đề khác biệt giữa giáo dục Đức và giáo dục Việt ở riêng mảng thi thố này là không có bất kỳ áp lực nào lên học sinh, không có trường lớp luyện vỗ, thi là tự chọn và nếu không đỗ học sinh sẽ học bình thường ở một trường không hướng tới mục tiêu tìm kiếm năng khiếu. Không có gì là hơn hay kém ở đây, chỉ là các khác biệt cần sự hỗ trợ đặc biệt. Nếu một đứa trẻ thiệt thòi về trí tuệ và thể chất, sự hỗ trợ của nhà nước còn mạnh mẽ hơn thế, suốt đời, không phải cốt để duy trì sự sống, mà là tạo điều kiện cho họ sống như một con người. Tính dung lượng kiến thức thì thấy rất khác.
Khi bàn về giáo dục Việt, chúng ta có xu hướng kêu ca hộ trẻ con là các cháu phải học quá nhiều kiến thức. Nhưng theo dõi quá trình con học phổ thông ở đây, tôi nghĩ khác. Học sinh Đức cực nhọc hơn học sinh Việt rất nhiều. Cuối cùng, chỉ nên xem lại khái niệm kiến thức của hai ngành giáo dục.
Học sinh tự tin trình bày ý tưởng bảo vệ môi trường trước bạn bè. |
Không có môn triết như ở Pháp, nhưng con tôi 12 tuổi phải đọc phân tâm học của Freud để học… piano, theo yêu cầu của giáo viên ở trường nhạc cháu theo học ngoại khóa. Bài kiểm tra sử lớp 5 đầu tiên của cháu, thấy so sánh cấu trúc chế độ dân chủ sơ khai ở Athen với cấu trúc quốc hội Đức hiện thời. Sách tham khảo cho một chủ đề môn tiếng Đức năm lớp 8 thấy tiểu thuyết Đỏ và Đen, Bà Bovary, cả Tình yêu không phải là tội lỗi rất hiện đại. Sách tham khảo môn này của lớp 11 thấy cả Tuyên ngôn nhân quyền lẫn Tuyên ngôn cộng sản.
Trò chơi game do Bộ Giáo dục cộng tác cùng Bộ Nội vụ viết cho học sinh một dạo cháu say mê, xem qua thì chính mình cũng dễ say. Ở đó, trẻ con được làm chính trị gia đi tranh cử để thay thế ông Thủ tướng đương chức (trước bà Merkel), và người chơi buộc phải đưa ra các chủ trương, quyết sách, từ bảo vệ môi trường tới phát triển giáo dục, y tế, giúp đỡ các nước đang phát triển, tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm... Tôi hiểu khái niệm dạy và học tích hợp chính là qua cách học và chơi của con mình qua các lứa tuổi.
Học sinh ở Đức được học để hình thành sự tự tin. |
Ngay từ khi đến trường, học sinh ở Đức đã được học một nguyên tắc ứng xử hết sức cơ bản, từ đó hình thành sự tự tin, ý thức về tự do cá nhân: Trẻ con được quyền nói KHÔNG. Thay vì phải vâng lời hay làm ra vẻ vâng lời, trẻ em được nói không trước tất cả những gì không phải là quy định bắt buộc ai cũng phải tuân thủ.
Trung thực dạy cho trẻ nghĩa vụ trung thực và quyền lợi khi trung thực, rèn luyện ý thức tự do cá nhân đi kèm trách nhiệm đạo đức và xã hội, hướng dẫn, cho phép và bắt buộc trẻ độc lập đúng lứa tuổi, thừa nhận quyền tự do chọn lựa kèm với chịu trách nhiệm cá nhân là những điều tôi nhìn thấy con tôi được dạy từng ngày ở trường.
Và sản phẩm của nền giáo dục ấy là gì?
Không phải là thiên tài hay thần đồng, mà là những con người bình thường. Tôi cho rằng sức mạnh của một nền giáo dục là ở đây. Về mục đích, quá trình thực hiện và thành phẩm “người bình thường” của nền giáo dục.
Một xã hội phát triển bình thường cho phép dạy dỗ trẻ một cách bình thường mới tạo ra được những con người bình thường, trở thành nguồn lực để xây dựng và đảm bảo sự phát triển bình thường cho xã hội.
Sản phẩm của giáo dục không phải là tạo ra thần đồng mà là những con người bình thường. |
Cái bình thường này không phải là kết quả của sự bình quân chủ nghĩa. Tôi đã thấy trẻ bị khiếm khuyết thể chất và trí tuệ được hỗ trợ thế nào, và thấy những đứa trẻ bình thường hoặc có chút năng khiếu được giúp đỡ như thế nào để theo đuổi điều chúng muốn, không kèm theo áp đặt gì.
Nhưng trong thực tế nhìn con cái như những đứa trẻ bình thường, mong cho con, buộc con thành một người bình thường theo nghĩa trung thực, có ý thức về tự do cùng toàn bộ trách nhiệm mà tự do mang lại, độc lập, biết chịu trách nhiệm cá nhân hóa ra khó khăn hơn rất nhiều. Tạo ra được con người theo nghĩa này là thành công của giáo dục xã hội, giáo dục gia đình.
Giáo dục ở Đức (Kỳ 3): Khi nào một đứa trẻ sẽ được vào trường phổ thông?
Ở Đức, một trong hai phần cơ bản xét định một học trò là ứng xử trong các quan hệ xã hội, và đây sẽ là một mặt xếp loại học sinh.