Phụ huynh Việt nói thẳng: Tôn thờ tuổi thơ "NGHÈO MÀ VUI", cái giá phải trả đôi khi không chỉ là một kỳ thi trượt!

Cô gái trong sách "Em phải đến Harvard học kinh tế" lại một lần nữa khiến hội phụ huynh Việt "dậy sóng".

Bạn còn nhớ Lưu Diệc Đình – cô gái từng khiến cả châu Á ngưỡng mộ với câu chuyện "Em phải đến Harvard học kinh tế"? Trong những năm đầu 2000, cuốn sách cùng tên do mẹ cô chắp bút đã trở thành biểu tượng cho mô hình giáo dục kiểu "cha mẹ hổ" ở Trung Quốc. Cô bé 14 tuổi năm ấy, nhờ sự rèn luyện khắc nghiệt từ cha mẹ, đã giành được học bổng toàn phần vào Harvard, một thành tích phi thường khiến hàng triệu phụ huynh mơ ước.

Thế nhưng, hai thập kỷ sau, khi mọi người tìm lại cái tên Lưu Diệc Đình, họ lại thấy một hình ảnh rất khác: Không phải một CEO đình đám, không là người truyền cảm hứng toàn cầu, càng không phải biểu tượng cho thành công bền vững. 

Cô chọn cuộc sống bình lặng tại Mỹ, từng làm việc ở PepsiCo, sau đó khởi nghiệp, rồi rời bỏ vị trí điều hành để làm trong ngành đầu tư, một công việc ổn định, nhưng không nổi bật. Cô kết hôn với một luật sư, sống tại New York với cuộc sống trung lưu yên ả, không ồn ào.

Với một số người, đây là một thất bại. Bởi người ta đã kỳ vọng ở cô nhiều hơn thế. 

Lưu Diệc Đình
Lưu Diệc Đình

Trên các diễn đàn dành cho phụ huynh Việt, câu chuyện của Lưu Diệc Đình bỗng trở lại và làm dấy lên tranh cãi: Liệu có cần ép con học hà khắc để đổi lấy tương lai? Hay trẻ con nên được sống đúng tuổi thơ? Liệu việc đầu tư học hành từ bé có thực sự đảm bảo thành công? Có cần nuôi dạy con khắc nghiệt như cha mẹ Lưu Diệc Đình, để rồi con cuối cùng có một cuộc sống "chẳng có gì toả sáng"?

"Nghèo mà vui" hay muốn tạo kim cương phải qua áp lực?

Không ai phủ nhận rằng một tuổi thơ tràn ngập tiếng cười là điều tuyệt vời. Trẻ con cần được chạy nhảy, nghịch ngợm, khám phá thiên nhiên. Nhưng nếu chỉ mải tôn thờ tuổi thơ "nghèo mà vui", bỏ mặc con giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt của xã hội, thì cái giá phải trả đôi khi không chỉ là một kỳ thi rớt, mà là cả cuộc đời bị đóng chặt trong những giới hạn khó vượt.

Một bạn từng chia sẻ: "Tôi lớn lên trong gia đình nghèo, cha mẹ thường xuyên đánh nhau. Tuổi thơ tôi chan cơm bằng nước mắt. Dù được đi học, nhưng phải sống nhờ nhà người khác, làm việc nhà đến khuya mới được học. Tôi đã nỗ lực học ngày đêm để đổi đời, nhưng cuối cùng không thể vào đại học vì không có tiền. Nếu có một điều ước, tôi ước cha mẹ tôi đủ khả năng và ý chí để đầu tư cho việc học của con".

Đó là một lát cắt rất thật. Không phải đứa trẻ nào cũng cần một tuổi thơ "hái hoa bắt bướm". Với rất nhiều em, học hành là con đường duy nhất để thoát khỏi định mệnh nghèo đói. Và khi cha mẹ đủ dũng cảm, đủ hy sinh để đầu tư cho con – đó không phải sự khắc nghiệt, mà là một cơ hội.

Vấn đề không nằm ở việc đầu tư hay không, mà ở cách đầu tư. 

Không ai phủ nhận rằng cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp cho con. Khi dốc lòng dạy dỗ, đầu tư tiền bạc và công sức cho việc học của con, nhiều bậc phụ huynh thực lòng chỉ mong con có một tương lai rộng mở, không phải vật lộn với cuộc sống như họ từng trải qua. Nhưng ranh giới giữa "đầu tư vì yêu thương" và "đặt cược để gặt hái thành tích" đôi khi rất mong manh.

Nếu coi con như một dự án đầu tư, người ta sẽ mong muốn phải có lãi: Thành tích phải cao, vào trường tốt, có công việc đáng mơ ước, phải khiến bố mẹ "nở mày nở mặt". Nếu con không đạt được những điều đó, thì cha mẹ, thay vì đồng hành lại thất vọng, trách móc hoặc thậm chí buông bỏ.

Cái sai ở đây không nằm ở sự kỳ vọng, mà nằm ở cách kỳ vọng đánh đồng giá trị con người với giá trị thành công. Một đứa trẻ có thể thi rớt đại học, chọn nghề bình thường, nhưng vẫn có nhân cách đẹp, sống tử tế, và biết yêu thương. 

Điều đáng sợ nhất vì thế là sự đầu tư mù quáng, khi cha mẹ không quan sát, không lắng nghe, không điều chỉnh. Một đứa trẻ không cần trở thành "dự án đầu tư". Nhưng cũng không nên bị bỏ mặc rồi gán ghép mọi thất bại cho số phận.

Trẻ cần được rèn luyện, nhưng cũng cần được yêu thương. Cần có định hướng, nhưng phải được trao quyền lựa chọn. Cần được cha mẹ dẫn dắt, nhưng không phải để sống thay ước mơ của người khác.

Hãy học cách yêu thương tỉnh thức, biết cân bằng giữa kỳ vọng và thấu hiểu, giữa rèn luyện và nâng đỡ. Bởi mục tiêu cuối cùng không phải là nuôi một "sản phẩm thành công", mà là nuôi một con người có nội lực và biết hạnh phúc với chính mình.

Ảnh minh hoạ 
Ảnh minh hoạ 

Một cuộc đời bình thường tại sao không phải là cuộc đời đáng sống?

Trên một diễn đàn, có phụ huynh nói một câu thấm thía: Thành công không phải ở thương hiệu cho cả làng tung hô. Cách mà cô ấy đã chọn là được "sống một cuộc đời đáng sống". 

Nhiều người nói rằng Lưu Diệc Đình "không tỏa sáng thêm được nữa" là một thất bại. Nhưng có thật vậy không?

Cô không thất bại. Chỉ là cô đã đi hết tầm vóc mà năng lực và tố chất cho phép. Không phải ai học Harvard cũng trở thành Elon Musk. Và cũng không phải ai có bố mẹ rèn giũa từ nhỏ cũng sẽ trở thành vĩ nhân. Nhưng nếu không có sự kiên trì và chiến lược của cha mẹ, một cô bé với năng lực trung bình như Diệc Đình có lẽ đã không thể vươn tới bất kỳ cánh cửa nào trong thế giới cạnh tranh đó. Thậm chí, nếu được "nuôi thả" thì có khi, giờ này, Diệc Đình còn đang chật vật kiếm sống ở 1 thành phố đông đúc nào đó ở Trung Quốc.

Đừng quên, chính cha mẹ cô đã giúp một đứa trẻ bình thường vào được Harvard. Và điều đó, dù sau này cô có sống đời bình lặng, vẫn là một thành tựu rất lớn.

Tại sao một cuộc đời bình thường, tử tế, lại không phải là một cuộc đời đáng sống?

Có thể Lưu Diệc Đình không chọn về nước truyền cảm hứng, không lập công ty tỷ đô, không lên truyền hình chia sẻ hành trình thành công. Nhưng cô chọn sống một đời riêng: Làm việc, kết hôn, ổn định và hạnh phúc theo cách của mình. Cô có học vấn tốt, có khả năng ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa và sự chủ động, những điều sẽ theo cô suốt đời. Và chính điều đó mới là phần thưởng thật sự của việc được giáo dục tốt, chứ không phải một vị trí giám đốc hay chiếc ghế doanh nhân thành đạt.

Lưu Diệc Đình không thất bại. Cô chỉ sống đúng với những gì bản thân mong muốn, sau khi rũ bỏ mọi kỳ vọng và nhãn mác.

Cuối cùng nên nhớ, kỳ vọng không sai, tạo áp lực cho con không sai, nhưng điều quan trọng nhất, là cha mẹ có thể nhìn con bằng đôi mắt thấu cảm, không đặt cược thành bại cuộc đời con vào bảng điểm, vào mức lương, hay vào danh hiệu.

Nếu chúng ta hiểu rằng thành công không chỉ có một hình dạng, thì một đứa trẻ tốt nghiệp đại học bình thường nhưng sống an yên cũng xứng đáng được gọi là thành công.

Bảo Tín

Tết Thanh Minh: Bài học dạy con về lòng hiếu thảo và truyền thống gia đình

Tết Thanh Minh: Bài học dạy con về lòng hiếu thảo và truyền thống gia đình

Tết Thanh Minh không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên mà còn là thời điểm dạy dỗ con trẻ về lòng hiếu thảo và giá trị truyền thống gia đình.