Giáo sư Lê Thi - người kéo cờ Ngày độc lập 2/9/1945 đã qua đời

Bà Lê Thi - một trong hai phụ nữ được chọn kéo cờ Ngày độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình đã qua đời.

Giáo sư Lê Thi, người kéo cờ trong ngày Độc lập cách đây 75 năm, đã qua đời ở tuổi 95 vào ngày 28/8. Bà Lê Thị Thanh Bình - con gái của bà Lê Thi - cho biết mẹ mình ra đi nhẹ nhàng vì tuổi cao sức yếu. 

Trước đó, bà Lê Thi còn tiếp đoàn cán bộ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tới thăm hỏi, chúc mừng nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9.

Giáo sư Lê Thi.
Giáo sư Lê Thi.

Bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa) sinh năm 1926, trong gia đình nho học, quê xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bố của bà là cố giáo sư Dương Quảng Hàm, một trí thức nổi tiếng dạy văn và sử ở trường Bưởi (trường Chu Văn An ngày nay).

Chị gái của bà là Dương Thị Ngân, phát thanh viên Ngân Thanh - phát thanh viên nữ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong hai người đọc bản tin phát đi Bản tuyên ngôn độc lập vào trưa 7/9/1945.

Năm 17 tuổi vừa rời Trường nữ sinh Đồng Khánh, bà tham gia vào Đội phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền và vận động nhân dân ủng hộ cách mạng.

Vào ngày 2/9/1945, bà Lê Thi cùng với bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ đại tướng Hoàng Văn Thái, được lựa chọn làm người kéo cờ Tổ quốc tại quảng trường Ba Đình, trong lúc quốc dân đồng bào hát Tiến quân ca. Bà Thi đã trở thành nhân vật lịch sử tham gia một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Hai người phụ nữ kéo cờ năm 1945: Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan năm 1987
Hai người phụ nữ kéo cờ năm 1945: Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan năm 1987

Bà từng chia sẻ về khoảnh khắc đó với niềm tự hào và xúc động: "Khi thấy lá cờ Tổ quốc đã được kéo lên trên đỉnh cột cờ, bay phất phới trong gió, lúc đó nước mắt tôi bỗng ứa ra vì xúc động, xen lẫn niềm tự hào. Trên lễ đài, tôi được nhìn thấy Bác Hồ rõ hơn trong bộ kaki giản dị, đi dép cao su, khác hẳn với những vị lãnh tụ mà tôi đã được học trong sách vở". 

Sau Ngày độc lập, bà tham gia cách mạng trong Hội Phụ nữ cứu quốc của quận Hoàn Kiếm và tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1956, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Bà tốt nghiệp loại ưu và được giữ lại làm giảng viên. 

Bà được phong hàm giáo sư triết học và được cử về Viện Triết học Việt Nam, đảm nhận chức viện trưởng.

Sau khi về hưu, bà cùng một số người sáng lập trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình, sau này chuyển thành Viện Gia đình và Giới.

Bà có nhiều công trình khoa học của cá nhân như: 3 cuộc cách mạng và vấn đề giải phóng phụ nữ, NXB Phụ nữ 1976; Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam, NXB Phụ nữ 1982; Tìm hiểu việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN ở Việt Nam, NXB KHXH 1983; Vai trò gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, NXB Phụ nữ 1998; Việc làm đời sống phụ nữ trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam, NXB KHXH 1999; Cuộc sống của phụ nữ đơn thân ở Việt Nam, NXB KHXH 2002; Cuộc sống và biến động của hôn nhân gia đình Việt Nam hiện nay, NXB KHXH 2006; Hỏi đáp về hôn nhân gia đình ở Việt Nam hiện nay, NXB Thế giới 2006; Sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hôn nhân gia đình giữa các thế hệ người Việt Nam hiện nay, NXB KHXH 2009.

Thanh Mai

Du xuân nơi cực nam Tổ quốc

Du xuân nơi cực nam Tổ quốc

Cảm giác bềnh bồng sông nước luôn làm nao lòng du khách khi đến với Bạc Liêu và Cà Mau trên những chiếc “taxi trên sông” lướt sóng và gió bạc ngàn.