Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 2/2024, nhiều ngân hàng đã có động thái hạ lãi suất huy động tại hầu hết các kỳ hạn.
Với 4 "ông lớn" thì Vietcombank trả lãi huy động thấp nhất ở mọi kỳ hạn tiền gửi, chỉ 1,7%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1 -2 tháng; 2%/năm kỳ hạn 2-5 tháng. Vietcombank hiện niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng là 3%/năm và cao nhất ở kỳ hạn 12-24 tháng là 4,7%/năm.
So với Vietcombank, lãi suất tại 3 ngân hàng còn lại có chút sự khác biệt như: tại VietinBank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng là 1,9%/năm, 3-5 tháng là 2,2%/năm, 6-9 tháng là 3,2%/năm, 12-18 tháng là 4,8%/năm và từ 24-36 tháng là 5%/năm.
Còn tại Agribank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng đang là 1,7%/năm, 3-5 tháng là 2%/năm, 6-9 tháng là 3,2%/năm, 13-18 tháng là 4,8%/năm, 24 tháng là 4,9%/năm.
Trong khi đó, BIDV niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng là 1,9%/năm, 3-5 tháng là 2,2%/năm, 6-11 tháng là 3,2%/năm, 12-18 tháng 4,8%/năm và trên 24 tháng là 5%.
Như vậy, nhóm ngân hàng Big4 đang duy trì mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường hiện nay và cuộc đua giảm lãi suất vẫn đang chưa thấy hồi kết.
Không riêng tại 4 ngân hàng lớn, xu hướng giảm lãi suất huy động cũng được ghi nhận tại các ngân hàng thương mại khác trong tháng vừa qua.
Sacombank đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng lần lượt còn 2,6% - 2,7% - 2,8%/năm, giảm 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước.
Lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm 0,45 điểm phần trăm còn 4,5%/năm, trong khi kỳ hạn 10 tháng giảm 0,35% xuống 4,6%/năm và kỳ hạn 11 tháng giảm 0,25% xuống 4,7%/năm. Sacombank cũng giảm 0,2% lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng, lần lượt còn 5%-5,2%/năm.
Các kỳ hạn khác vẫn giữ nguyên với 15 tháng là 5,5%/năm, 18 tháng 5,6%/năm, 24 tháng 5,7%/năm và 36 tháng là 6,2%/năm - cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại Sacombank.
Ngân hàng NCB cũng vừa giảm lãi suất từ 0,2-0,3% các kỳ hạn từ 6-36 tháng, từ hôm nay (2/2). Tại kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,2% xuống còn 4,85%/năm, 9-11 tháng giảm 0,3% còn 4,95%/năm.
Kỳ hạn từ 12-36 tháng đồng loạt giảm 0,2%, 12-13-15 tháng lần lượt 5,3-5,4-5,6%/năm. NCB không còn duy trì mốc 6% sau khi đưa lãi suất các kỳ hạn từ 18-36 tháng về 5,8%/năm.
Hay tại LPBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2%, lần lượt còn 2,6% và 2,7%/năm.
Ngân hàng này cũng giảm mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3-5 tháng với mức giảm 0,4 điểm phần trăm. Hiện lãi suất kỳ hạn 3 tháng còn 2,7%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 2,8%/năm, và kỳ hạn 5 tháng là 2,9%/năm.
Tại kỳ hạn 6-11 tháng, LPBank niêm yết mức lãi suất lần lượt là 4%/năm đối với mức gửi tiết kiệm 6-8 tháng, 4,1%/năm với 9 tháng, 4,2%.năm với 10 tháng và 4,3%/năm với 11 tháng.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ còn 5%/năm, các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lần lượt còn 5,1% và 5,3%/năm sau khi giảm 0,3%
LPBank điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn 16 -18 tháng với mức giảm 0,1%. Hiện lãi suất kỳ hạn 16 tháng còn 5,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng còn 5,6%/năm, theo mekongasean.vn.
Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng vừa qua, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu và còn ít dư địa để giảm thêm. Các chuyên gia tại đây nhấn mạnh trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, mức lãi suất tiền gửi thấp như hiện nay cần được giữ vững để kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm.
Theo VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1-1,5 điểm phần trăm trong năm 2024. "Các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ thêm lãi suất cho vay đối với một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn", đơn vị phân tích nhấn mạnh.
Tương tự, chuyên gia Công ty Chứng khoán KBSV cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp 4,85-5,35%/năm trong hầu hết năm 2024.
Yếu tố quan trọng tác động tới mặt bằng lãi suất huy động sẽ là nhu cầu tín dụng phục hồi, tuy nhiên khó có đột biến từ chỉ số này do những khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể khắc phục triệt để trong năm nay.
Mặc dù lãi suất tiền gửi liên tục hạ dần, nhưng số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đã đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi đã cao hơn gần gấp đôi, cho thấy dù lãi suất huy động đang ở mức thấp nhưng dòng tiền không có sự dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng.