Hàng ngày mở trang báo mạng hay báo giấy độc giả thường bắt gặp các tít (title) giật gân kiểu như “rúng động” “đắng lòng”, “bỏng mắt” “kinh hãi” v.v.. Đó chính là chiêu trò “Giật title -câu view” kích thích tính tò mò của độc giả và đang được coi là vấn nạn của làng báo hiện nay. Nhưng có mấy ai tự hỏi chuyện “giật tít câu view” có từ bao giờ và “ông tổ” của chiêu trò này là ai?
Ngược dòng báo chí hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết “Giật title - câu view” đã có …lịch sử hình thành và phát triển ngót 100 năm và đã từng được đánh giá là sự đột phá của làng báo chí nước nhà. Mở đường cho phong cách làm báo kiểu này chính là nhà báo Hoàng Tích Chu (1897-1933) - người góp công lớn trong việc canh tân làng báo chí Việt Nam.
Nói đến nhà báo họ Hoàng, có rất nhiều chuyện hay để kể. Ông không chỉ là nhà báo tài năng mà còn là người cực kỳ đào hoa. Nói đến ông, nhiều người còn nhớ mối tình đầy sóng gió với cô Phượng Hàng Ngang, một trong “Hà Thành tứ mỹ” (bốn người đẹp nổi tiếng) của Hà Nội xưa. Hai người yêu nhau đến độ cô Phượng bỏ cả chồng mới cưới để theo ông vào Sài Gòn sinh sống.
Nhà báo Hoàng Tích Chu và cô Phượng Hàng Ngang |
Dù rất yêu cô Phượng nhưng niềm đam mê với nghề quá lớn khiến Hoàng Tích Chu quyết tâm dứt áo sang Pháp học nghề báo. Tình yêu tan vỡ kéo theo số phận cực kỳ bi thảm của người đẹp Vương Thị Phượng. Chuyện tình của ông với cô Phượng nổi tiếng đến nỗi được một tác giả viết thành tiểu thuyết “Mồ Cô Phượng” bán rất chạy vào thời đó.
Quay trở lại chuyện làm báo của Hoàng Tích Chu. Ông bước chân vào làng báo khá sớm. Năm 17 tuổi đã phụ việc cho tòa soạn Nam Phong tạp chí của cụ Phạm Quỳnh. Vài năm sau ông đã là Chủ bút của tờ Khai Hóa nhật báo của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi với bút danh Kế Thương. Tại đây, tên tuổi ông dần được làng báo và độc giả biết tới với những bài viết sắc sảo.
Sau khi học nghề báo bên Pháp về ông làm cho tờ Hà Thành Ngọ báo của nhà tư sản Nguyễn Xuân Học và đã tiến hành hàng loạt các cải cách theo cách làm báo phương Tây mà ông đã học được bên Pháp. Dưới tay Hoàng Tích Chu, Hà Thành Ngọ báo đã biến đổi về nội dung và hình thức với lối trình bày mới và văn phong ngắn gọn, súc tích thay cho lối kể lể dài dòng.
Kết quả của sự cải cách này là tờ báo bị mất một lượng lớn độc giả truyền thống quen với lối văn biền ngẫu cổ điển, lượng bán báo sụt giảm ghê gớm. Văn phong viết báo của ông bị chỉ trích nặng nề và gọi là “văn cộc”, “nhát gừng” “cứt dê”. Trước thực trạng này, chủ báo đã thẳng tay sa thải nhà canh tân để quay trở về lối báo truyền thống.
Từ khi ra mắt, tờ Đông Tây đã trở thành một tờ báo “lạ” trong làng báo Việt Nam từ hình thức cho đến nội dung. |
Không nản chí, ông vẫn quyết tâm theo đuổi con đường canh tân báo bằng việc cho ra mắt tờ Đông Tây (1929-1932). Tờ Đông Tây đã trở thành một tờ báo “lạ” trong làng báo Việt Nam từ hình thức cho đến nội dung. Về hình thức, Đông Tây khai thác tối đa hiệu ứng hình ảnh minh họa cho bài viết để bắt mắt độc giả hơn. Báo Đông Tây đã thoát khỏi lối mòn trong trình bày với trang bìa truyền thống mà hiển thị trên trang nhất của tờ báo là các tin thời sự nóng hổi.
Từ đây, lần đầu tiên khái niệm “trên trang nhất” của tờ báo xuất hiện. Về nội dung, tờ Đông Tây không đi vào lối mòn các bài giáo lý, khảo cứu với những câu văn dài lê thê nặng điển cố mà đề cập thẳng tới những vấn đề thiết thực thời sự nóng hổi được dân chúng quan tâm với lối viết giản tiện đến mức tối đa.
Để tăng sự thu hút của độc giả, Hoàng Tích Chu còn nghĩ ra “độc chiêu” đặt các tít giật gân cỡ lớn để đánh vào trí tò mò của độc giả như “Cốt nhục chẳng bằng tiền, chú thua bạc chiếm phăng gia sản cháu” hoặc “Đương đêm vào nhà gái góa để làm gì?” “Gớm cho thủ đoạn tên cường hào Bùi-văn-Tuất vì thù riêng mất-miếng mà hãm hại dân lành”.vv.. Để biết lối giật tít và phong cách “văn cộc” của Hoàng Tích Chu thế nào, chúng ta đọc một tin về một vụ mất trộm trên tờ Đông Tây như sau:
“Cái hòm cúng tiền ở Phủ-Giầy bò ra nằm chổng-kềnh ở dưới ruộng
NAM-ĐỊNH- Khuya lắm rồi! Thôi ta về nghỉ, mai xem kéo chữ.
Mẹ đồng-quan cụp cái múa-máy! Chú công-văn sếp cái i-a!
3 giờ sáng hôm mùng 5 rạng 6 Avril.
Ối! cái hòm đựng bạc thập-phương đâu rồi? Sư nữ sực tỉnh quờ-quạng không thấy cái hòm đựng bạc để ở đầu dường, vội tung chăn trở dậy tìm.
Ngọn đèn rọi khắp các só. Thấy đâu!
Hai câu hỏi khẽ:
Ỉm đi? Ai đền vào đấy!
Trình ra? Mang tiếng ngủ say!
Rút lại, cái thế chẳng-được-đừng nhà sư phải trình viên-chức biết.
Năm phút sau!
Nào đuốc, nào đèn, nào gậy, nào gộc, các cậu tuần-tráng đi lùng khắp ngả.
Tưởng nguội! chợt một tia sáng yếu thoảng soi vào một vật nằm chổng kềnh dưới ruộng sau đền.
Cái gì?
A! Hòm đây rồi. Trước mặt mọi người hòm ấy mở ra còn chứa 90$85.
Trần Văn-Giâm 18 tuổi quán ngay làng Mẫu tình-nghi đứng đầu mẻ trộm này đã bị trói giật cánh-khuỷu và quỳ trước cửa công. Cho hay của thập-phương độc”
(Đông Tây số 10 năm thứ 2)
Đặt tít giật gân đã mang đến hiệu ứng bất ngờ, đẩy nhanh lượng báo phát hành. |
Cách đặt tít giật gân như vậy đã mang đến hiệu ứng bất ngờ, số lượng báo phát hành tăng rất nhanh, chỉ sau vài tháng đã lên đến con số 5.000 bản. Uy tín Hoàng Tích Chu nổi như cồn. Báo Đông Tây được đánh giá là báo bán chạy nhất Bắc Kỳ lúc đó.
Phong cách làm báo của Hoàng Tích Chu đã trở thành một hiện tượng và có ảnh hưởng rất lớn đến các tờ báo thời bấy giờ. Hầu hết chủ các báo đều lần lượt từ bỏ phong cách làm báo truyền thống để chuyển sang cách làm báo “kiểu Hoàng Tích Chu”. Một số tờ báo khác trung thành với phong cách làm báo truyền thống như An Nam Tạp chí của thi sĩ Tản Đà thì lại cực kỳ khó khăn và buộc phải đóng cửa do không bán được báo.
“Giật tít- câu view” xuất hiện trong làng báo Việt Nam non thế kỷ, cách làm báo này ban đầu vốn dĩ chỉ “Vẽ rồng điểm mắt” những bài báo sắc sảo, thông tin thời sự nóng hổi, trung thực. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nó đã bị biến thể trở thành chiêu trò câu kéo lừa dối bạn đọc một cách thô thiển. Điều đó phần nào thể hiện sự xuống cấp về đạo đức và tài năng của một bộ phận không nhỏ những người theo nghiệp báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam
Cách đây 95 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên.