Giới thiệu Hội Nữ trí thức Việt Nam

Hội Nữ trí thức Việt Nam (NTTVN) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có mục đích tập hợp đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ của nữ trí thức.

Hội Nữ trí thức Việt Nam (NTTVN) được thành lập theo Quyết định số 176/QĐ-BNV ngày 25/2/2011 của Bộ Nội vụ. Ngày 8/3/2011, Hội chính thức ra mắt và tiến hành Đại hội lần thứ nhất tại Hà Nội. Ban chấp hành Hội (BCH) nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ I (2011-2016) có 45 ủy viên, GS. TSKH. Phạm Thị Trân Châu là Chủ tịch Hội, Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan là Chủ tịch danh dự. Ba Phó chủ tịch là GS.TS Phan Thị Kim, GS.TS. Phan Thị Tươi và PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe. Nhiệm kỳ II (2016-2021), BCH gồm 55 ủy viên, chủ tịch và chủ tịch danh dự tái cử, với 6 Phó chủ tịch: PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe, Nguyên đại sứ Nguyễn Thị Hồi, TS Phạm Thị Mỵ, PGS.TS Trần Thị Oanh, GS.TS. Phan Thị Tươi.

Hội Nữ trí thức Việt Nam giao lưu với các nữ đại sứ tại Hà Nội
Hội Nữ trí thức Việt Nam giao lưu với các nữ đại sứ tại Hà Nội

Theo Điều lệ đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, Hội NTTVN là tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, Ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội. Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội NTTVN có mục đích tập hợp đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ của nữ trí thức (NTT) vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Hội tự lo kinh phí hoạt động.

Hội viên Hội NTTVN là những phụ nữ có trình độ từ đại học trở lên, đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục - đào tạo; các cơ sở nghiên cứu; các cơ quan trung ương và địa phương; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện gia nhập Hội.

Hội NTTVN được thành lập đã tạo ra môi trường cho NTT phát huy sức sáng tạo và trí tuệ của mình nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của xã hội, góp phần nâng cao vị thế của nữ trí thức Việt Nam lên tầm cao mới, trong xu thế đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

Theo Điều lệ, Hội có 7 nhiệm vụ sau:

Thực hiện công tác vận động NTT:

Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần hợp tác, tính cộng đồng, tính trung thực và phẩm chất đạo đức của NTT;

Tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới đội ngũ NTT Việt Nam trong và ngoài nước; vận động NTT tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc;

Nâng cao trình độ nghề nghiệp, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của NTT.

Phát hiện, bồi dưỡng, hỗ trợ phát triển các NTT trẻ có triển vọng; tôn vinh các NTT tài năng.

Bảo vệ các quyền hợp pháp về nghề nghiệp và hoạt động sáng tạo của hội viên khi tham gia hoạt động Hội.

Tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học trong các lĩnh vực liên quan đến NTT theo quy định của pháp luật.

Thực hiện vai trò là thành viên của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPNVN):

Thực hiện Điều lệ của Hội LHPNVN;

Phối hợp với các tổ chức thành viên khác của Hội LHPNVN triển khai các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và xây dựng khối đại đoàn kết các tầng lớp phụ nữ;

Phát huy vai trò, năng lực của NTT trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hỗ trợ các đối tượng phụ nữ khác trong Hội LHPNVN nâng cao nhận thức mọi mặt nhằm góp phần phát triển phong trào phụ nữ và hoạt động Hội LHPNVN;

Phản ảnh nguyện vọng và ý kiến đóng góp của đội ngũ NTT với Đảng, Nhà nước và Hội LHPNVN.

Tăng cường hợp tác với các Hội tương ứng của các quốc gia, tổ chức trong khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài BCH, còn có Ban Kiểm tra Hội cũng do Đại hội bầu; Hội đã thành lập 6 Ban chuyên môn là: Ban Khoa học Công nghệ và Kinh tế tài chính; Ban Đào tạo và Nâng cao năng lực; Ban Quan hệ quốc tế; Ban Thông tin Truyền thông; Ban Các vấn đề xã hội; Ban Văn hóa Nghệ thuật.

Tại thời điểm thành lập, Hội chỉ có 350 hội viên, chưa có hội thành viên. Sau 5 năm, đến năm 2016, bắt đầu nhiệm kỳ II, Hội đã có 4 hội thành viên là Hội NTT Thừa Thiên - Huế, Hội NTT Thành phố Đà Nẵng, Hội NTT Thành phố Hồ Chí Minh và Hội NTT Hà Nội. Hiện nay Hội có 20 chi hội trực thuộc, hoạt động rộng khắp trên cả nước. Đến nay, tổng số hội viên là 2.706 hội viên (tăng khoảng 7 lần so với năm 2011), các hội viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ngày càng đa dạng về ngành nghề, phát triển rất mạnh ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các thành phố lớn. Trong số hội viên, có 7,39% là GS.TS/TSKH; 5,80 % là PGS.TS; 15,11% TS.; 51,44% Thạc sĩ; 26,90% có trình độ đại học.

Hội NTTVN cũng đã tập hợp được nhiều hội viên là những NTT ưu tú đã được xã hội ghi nhận: Một số hội viên  là anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; chiến sĩ thi đua;  hoặc đạt các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú; Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú; Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú; Huân chương lao động hạng I, II, III;  20 hội viên/44 cá nhân và 11 tập thể hội viên/30 tập thể nữ cán bộ khoa học đã được nhận Giải thưởng Kovalevskaia dành riêng cho các nhà nữ khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Toán học (từ 1985-2015); 08 tập thể hội viên được trao tưởng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam;  Ngoài ra, nhiều hội viên của Hội đã được nhận Giải thưởng khoa học công nghệ VIFOTECH; học bổng của Quỹ L’OREAL - UNESCO dành  cho nữ khoa học trẻ xuất sắc; giải thưởng Quỹ tài năng nữ Việt Nam (FAWIC) và các khen thưởng trong nước và quốc tế khác.

Đặc biệt còn có các hội viên là Nữ trí thức Việt Nam đang định cư, làm việc ở nước ngoài tại Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Áo.

Kể từ khi thành lập, Hội đã phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, sát cánh cùng đội ngũ trí thức trong công cuộc đổi mới của đất nước, khẳng định vai trò, vị thế của nữ trí thức, phấn đấu hoàn thành tốt các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ của Hội đã đề ra trong nhiệm kỳ I (2011 – 2016).

Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội không có bộ máy biên chế chuyên trách, mọi kinh phí hoạt động dựa vào sự tự nguyện đóng góp của các cá nhân hội viên, đặc biệt của các hội viên là doanh nhân, hội thành viên... kinh phí quản lý thực hiện các Dự án, Đề tài do Bộ KH-CN cấp, sự hỗ trợ cơ sở vật chất của cơ quan Trung ương Hội LHPNVN...

Tuy nhiên, nhờ có sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các ủy viên BCH, các hội viên và đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hội là GS, TSKH Phạm Thị Trân Châu, Hội đã nắm bắt các thời cơ, khắc phục khó khăn, thử thách, đẩy mạnh hoạt động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực theo đúng Điều lệ Hội, phát triển Hội vững mạnh và tạo được uy tín của Hội ở trong nước và quốc tế.

Với nhiều hình thức hoạt động đa dạng:  Trên phương tiện truyền thông; các ấn phẩm; thông qua các hội thành viên, các chi hội; tại các hội nghị trong nước và quốc tế; cập nhật thông tin của Hội trên website. Những hoạt động này đã tạo được sự lan tỏa tới nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về các hoạt động của Hội. Hội đã phát hành 300 cuốn “Sự hình thành và phát triển của Hội Nữ trí thức Việt Nam từ tháng 3/2011 đến tháng 6/2013”. Nhân dịp Đại hội Nhiệm kỳ II, đã phát hành cuốn Kỷ yếu “Hội Nữ trí thức Việt Nam 5 năm xây dựng và phát triển (3/2011 - 3/2016)”.

Trong 5 năm qua, Hội đã tổ chức, đồng tổ chức hoặc cử đại biểu tham dự các hội thảo, hội nghị đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật, tham mưu cho Hội LHPNVN, cho Đảng và Nhà nước, cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể TW về cơ chế, chính sách cho lao động nữ, trong đó có nữ trí thức.

Hội đã xây dựng và thực hiện 3 đề tài, dự án, đề án. Trong đó có 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về “Vai trò và vị thế của Nữ trí thức trong phát triển xã hội bền vững” được thực hiện trong 3 năm (2014 - 2016), hiện nay đã có ấn phẩm; 01 Đề án “Hỗ trợ nâng cao hiểu biết pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng cho đối tượng thuộc Nghị quyết 30a/2008/NQ/CP của Chính phủ” đã được trao Giải thưởng VACI 2014 do Thanh tra Chính phủ và Worldbank đồng tổ chức và tài trợ; 01 dự án truyền hình “Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo” gồm 2 giai đoạn (2013, 2015). Dự án đã triển khai tổ chức sản xuất và phát sóng 24 chương trình “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ và nghiên cứu khoa học” nhằm tôn vinh, quảng bá các kết quả nghiên cứu của các hội viên và nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ, 24 hội viên có các kết quả nghiên cứu có thể thương mại hóa thuộc các thế hệ, các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, dã được giới thiệu trên kênh truyền hình VTC1 (2013) và VTV2 (2015).

 Hội cũng đã tổ chức 18 buổi hội thảo, giao lưu, trao đổi hợp tác giữa NTT tại các Viện, các trường đại học với các doanh nghiệp, để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thực hiện luận án sau đại học và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ khác giữa các thế hệ...; hỗ trợ các hội viên trong sản xuất triển khai kết quả nghiên cứu, xây dựng thương hiệu sản phẩm.....

 Năm 2013, Hội NTTVN ra quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ NTT Bách khoa với nhân lực là các hội viên thuộc chi hội NTT của trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Hiện nay, Trung tâm này đang triển khai các lớp huấn luyện nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đã có một số hợp đồng được ký, phát huy được hoạt động nghề nghiệp cho các NTT ở nhiều lứa tuổi.

Năm 2016, Hội đã thành lập Trung tâm ứng dụng khoa học Công nghệ và khởi nghiệp, tên tiếng Anh là Center of Science and Technology Application and Start-up (COSTAS).  Trung tâm đã hoàn thành các thủ tục thành lập và đang bắt đầu triển khai các hoạt động.

Từ 2013, Hội NTTVN đã là thành viên chính thức của tổ chức APNN (Asia & Pacific Nation Network); hàng năm Hội đã cử đại biểu tham gia Hội nghị thường niên của tổ chức này. Tính đến năm 2016, Hội đã cử 03 NTT đi dự và đọc báo cáo tại các Hội nghị thường niên của các thành viên APNN và cử 6 NTT trẻ tham dự trại hè các nhà nữ khoa học trẻ ở Seoul do tổ chức Phụ nữ khoa học công nghệ Hàn quốc (KWSE) tài trợ.  

Định hướng hoạt động trong nhiệm kỳ II (2016 - 2021) của Hội NTTVN:

1/ Tích cực phát triển Hội ở các tỉnh thành, các địa phương và các chi hội trực thuộc ở các đơn vị, cơ quan KH-CN;

2/ Tăng cường các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội;

3/Thành lập Trung tâm Đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trực thuộc Hội NTTVN;

4/Tăng cường hoạt động đối ngoại;

5/Thực hiện ít nhất 2 đề tài, dự án liên quan đến vai trò NTT, liên kết các nhà khoa học nữ với doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp của các nhà khoa học nữ trẻ trên cơ sở các kết quả nghiên cứu; đào tạo và phổ biến kiến thức KH-CN cho doanh nghiệp và nông dân;

6/ Phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh các nữ trí thức tài năng, sáng tạo;

7/ Tích cực thực hiện vai trò là hội thành viên của Hội LHPNVN.

Hội Nữ trí thức

GS.TS Nguyễn Thị Doan: 'Nữ trí thức trước hết, phải vượt qua chính mình'

GS.TS Nguyễn Thị Doan: 'Nữ trí thức trước hết, phải vượt qua chính mình'

GS.TS Nguyễn Thị Doan chia sẻ những vấn đề của phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng.