Giới trẻ tiết kiệm quá nhiều khiến nền kinh tế thế giới lao đao

Tiết kiệm là một hành động được khuyến khích, tuy nhiên hiện nay nó đang gây ra sự mất cân bằng kinh tế khi nguồn cung vượt quá mức cầu.

Thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) có thể chính là tác giả gây ra sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế , theo dữ liệu nghiên cứu vào tuần trước từ Raymond James. Thế hệ này bị ám ảnh bởi những cuộc khủng hoảng tài chính, vì thế họ đang tiết kiệm nhiều hơn so với các thế hệ khác trước đây, và từ đó gây ra sự mất cân bằng kinh tế.

Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang St. Louis, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân hiện tại của Mỹ là 8,1% kể từ tháng 8. Để so sánh, năm 1996 tỷ lệ là 5,7%.

"Tỷ lệ tiết kiệm cao hơn, chúng tôi tin rằng đã có tác động xấu, khiến tăng trưởng kinh tế tương đối chậm. Gây ra hiện tượng nguồn cung dư thừa và xu hướng giảm phát trong nền kinh tế toàn cầu", theo nhà phân tích Tavis McCourt thuộc công ty Raymond James cho biết.

Tỷ lệ tiết kiệm tại mỹ trong 60 năm qua.
Tỷ lệ tiết kiệm tại mỹ trong 60 năm qua.

Một trong những bài học tài chính phổ biến nhất mà mọi người được học chính là tiết kiệm sớm và thường xuyên.

Tuy nhiên, trong khi tiết kiệm có lợi cho các cá nhân, nhưng sự chậm lại trong chi tiêu gây ra tổn thương cho các doanh nghiệp và qua đó khiến cho nền kinh tế chậm lại. Kể từ khi suy thoái kinh tế tiếp tục gia tăng, cộng với tỷ lệ tiết kiệm cao hơn đã dẫn đến nguồn cung dư thừa ở khắp mọi nơ trong nền kinh tế, theo ông Mc Court.

"Điều này dẫn đến sự tăng trưởng thấp đến báo động, gây ra xu hướng giảm phát trong giá cả, nguồn cung dư thừa và nợ gia tăng từ phía cung vì tỷ lệ tiết kiệm đang tăng cao hơn", ông nói thêm.

Sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính, các Millennials bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn và thói quen này ngày càng trở nên phổ biến.

"Người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy không cần mua thêm gì, vì vậy họ đang tiết kiệm nhiều hơn thay vì mua sắm nhiều như trước, khiến hạn chế tăng trưởng nhu cầu", ông nói.

Bài toán tiết kiệm ở Trung Quốc

Đây không chỉ là vấn đề ở Mỹ. Tại Trung Quốc cũng có tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tương đối cao, làm tổn hại đến triển vọng toàn cầu do quy mô của nền kinh tế đất nước và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.

Đối với giới trẻ Trung Quốc, những người chưa bao giờ trải qua một cuộc khủng hoảng kéo dài, sự thay đổi này đặc biệt sâu sắc.

Giới trẻ Trung Quốc giờ đây có nhiều lý do để lo lắng hơn. Theo khảo sát của trang web hướng nghiệp Zhaopin.com, thị trường lao động Trung Quốc đang chuyển biến xấu. Số lượng sinh viên mới tốt nghiệp đi tìm việc làm cao hơn số công việc có sẵn. 

Giới trẻ Trung Quốc đang tiết kiệm hơn do nền kinh tế suy thoái.
Giới trẻ Trung Quốc đang tiết kiệm hơn do nền kinh tế suy thoái.

Rất nhiều công việc chờ người lao động chỉ là việc thuộc ngành dịch vụ có mức thu nhập thấp. “Đối với người trẻ ngoài 20 tuổi ở Trung Quốc, đây là lần đầu tiên họ trải qua một cuộc suy thoái kinh tế”, New York Times dẫn lời chuyên gia Andrew Polk, người sáng lập hãng tư vấn Trivium, nhận định.

"Họ bắt đầu ý thức được rằng tăng trưởng kinh tế không còn là điều chắc chắn", ông Polk nhấn mạnh. 

Sự bất an đang lan rộng khắp Trung Quốc, từ các trung tâm tài chính như Thượng Hải và Thâm Quyến cho đến vùng lao động như Trịnh Châu, khu đô thị công nghiệp có 10 triệu cư dân. 

Tại một trung tâm thương mại ở Trịnh Châu, Wang Li - một chủ cửa hàng bán khăn, nước và đồ lưu niệm - mòn mỏi ngắm nhìn dòng người qua lại. Cùng với hơn 10 chủ cửa hàng khác, cô chán nản ngồi trên ghế và lướt điện thoại trong khi chờ khách hàng. 

“Cửa hàng nào cũng ế ấm chứ không riêng gì cửa hàng của tôi”, cô Wang than vãn. Theo thống kê của Capital Economics, doanh số của 100 công ty bán lẻ lớn nhất Trung Quốc giảm mạnh trong vài tháng gần đây.

Doanh thu của mì ăn liền tăng trở lại sau vài năm giảm liên tiếp. Đây là một chỉ số cho thấy tình trạng sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Bởi trong những năm qua, các gia đình khá giả ở nước này thường đi ăn tiệm chứ ít khi ăn tại nhà.

Nền kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt đi kèm với chi phí sinh hoạt gia tăng. Giới trẻ Trung Quốc giờ không đủ khả năng mua nhà ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Nhiều người vay ngân hàng để mua nhà, và dùng thẻ tín dụng để chi tiêu khiến gánh nợ ngày càng nặng thêm.

Trong vài năm qua, người tiêu dùng là một động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Ước tính chi tiêu hộ gia đình hiện chiếm 40% tổng hoạt động kinh tế trị giá 13.000 tỷ USD của quốc gia này.

Người dùng Trung Quốc cũng trở thành một phần thiết yếu của nền kinh tế toàn cầu. Chỉ riêng tiêu dùng đất nước tỷ dân đã chiếm 1/7 tăng trưởng thế giới trong 10 năm qua, theo Boston Consulting. Ví dụ, General Motor bán được nhiều xe tại Trung Quốc hơn là Mỹ.

Tuy nhiên ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thắt lưng buộc bụng để chờ qua dông bão. Một khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy nhiều người gửi tiền vào ngân hàng thay vì chi tiêu hay đầu tư.

Các hộ gia đình giảm chi và tăng cường tiết kiệm. Những ngành như điện thoại hay ôtô bị thu hẹp. Theo Boston Consulting, chi tiêu trực tuyến tại Trung Quốc giảm 50% dù thương mại điện tử vẫn bùng nổ.

MINH TUẤN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương