PV: Ngay khi còn giữ cương vị Phó Chủ tịch nước, bà đã là Chủ tịch danh dự Hội NTTVN nhiệm kỳ đầu tiên và nay vẫn tiếp tục ở vị trí này. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của nữ trí thức (NTT) Việt Nam trong lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế tri thức và xã hội học tập với khoa học và công nghệ phát triển nhanh và mạnh như hiện nay?
- GS.TS Nguyễn Thị Doan: Tôi rất hoan nghênh sự ra đời của Hội NTTVN, cho dù hơi muộn, và đặc biệt mừng là Hội đã có được tạp chí Phụ nữ Mới đại diện cho tiếng nói của NTT. Qua sự kiện ra đời của Hội và Tạp chí, NTT Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước tới NTT. NTT đã có tổ chức riêng của mình.
Các NTT với tỉ lệ khiêm tốn trong phụ nữ VN đã góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cả về vật chất và văn hóa, tinh thần. Về vai trò của NTT trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thì không phải chỉ bây giờ mà ngay dưới thời Phong kiến trước kia, đã có không ít phụ nữ thể hiện vai trò của mình trong xã hội. TS.Nguyễn Thị Duệ là một điển hình. Bà là nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đỗ tiến sĩ trong thời Phong kiến. Bà có nhiều đóng góp cho nền giáo dục đương thời. Rồi những nữ sĩ như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… mà danh còn ghi mãi với non sông qua những tác phẩm bất hủ. Hay như nhà báo Đạm Phương Nữ sử ở Huế, ngoài viết báo đã có công tổ chức dạy cho phụ nữ những kỹ năng sống, những nghề nghiệp thiết yếu như dệt vải, nữ công gia chánh, nuôi dạy con… Hoặc nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam: bà Sương Nguyệt Anh... Thời kỳ nào cũng có những NTT đóng góp vào kho tàng khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, doanh nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ở mọi cấp, mọi ngành. Càng ngày càng nhiều những “nữ lưu” như vậy.
Vâng, nhưng lực lượng tinh hoa đó đã phải có nỗ lực rất lớn mới có thể có được thành tựu như vậy, phải không, thưa bà?
- Nước ta đi lên từ chế độ phong kiến, tư tưởng cũ vẫn còn ảnh hưởng, đặc biệt là việc trọng nam khinh nữ. Cho đến cả thời hiện đại, đâu đó quan điểm này vẫn còn nặng nề. Kể cả bây giờ, khi có chế độ vợ đẻ chồng được nghỉ thì sự chia sẻ của người chồng trong việc gia đình vẫn chỉ là hình thức nếu cả hai người không tự ý thức điều này.
Theo Công ước CEDAW mà nước ta cam kết, Việt Nam đã được đánh giá trong tốp đầu về bình đẳng giới. Nhưng bất bình đẳng với phụ nữ vẫn còn là câu chuyện dài, trong cư xử với phụ nữ, trong cạnh tranh công việc chuyên môn và quản lý, điều đó làm chị em suy nghĩ. Rồi chế độ tiền lương còn nhiều bất cập, tiền lương tuy đã được cải thiện song vẫn không đủ sống, sản phẩm nghiên cứu khoa học thì chậm được thương mại hóa, NTT vẫn rất chật vật trong nỗi lo cơm áo gạo tiền ràng buộc.
Nhiều khi, rào cản cũng do chính chị em đặt ra cho mình. Bản tính phụ nữ vốn đắm đuối vì gia đình, ôm đồm việc bao cấp nên luôn tất bật. Rồi tự ti hoặc tự mãn, an phận thủ thường. Lấy chồng, có con, có công việc ổn định, vào biên chế là coi như xong, không vươn lên nữa. Thế là tự mình chặn mình. Cho nên, trước hết phải vượt qua chính mình, tự dỡ bỏ rào cản do chính mình đặt ra. Tất nhiên, vất vả lắm, phải có quyết tâm cao độ.
Phụ nữ muốn tự khẳng định mình phải có quyết tâm cao độ |
Vậy là, sẽ phải dỡ bỏ rào cản cả trong lẫn ngoài. Bà có gợi ý nào cho câu chuyện dài này không, thưa Giáo sư?
- Quả là còn rất ngổn ngang, nhiều việc phải làm lắm. Ở nước ta bình đẳng giới đã có bước tiến dài, song hệ thống chính sách dành cho phụ nữ cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn, phải có quy định cụ thể. Tại sao một số vị trí công tác lại chỉ tuyển dụng nam mà không tuyển dụng nữ, cho dù công việc đó không phải chỉ dành riêng cho nam? Tại sao tuổi làm việc của phụ nữ (và kèm theo đó là tuổi đề bạt lãnh đạo nữ) vẫn chưa quyết định được, kể cả với lao động chất xám của các NTT? Và tại sao NTT vẫn chưa có được một giải thưởng cấp Quốc gia dành riêng cho họ, vinh danh họ, dù chỉ để động viên tinh thần là chính? Có bình đẳng ngoài xã hội mới có thể có được bình đẳng trong gia đình.
Trong thời đại kinh tế tri thức và xây dựng xã hội học tập như hiện nay, NTT phải đi đầu trong 3 lĩnh vực cần “xóa mù” là kiến thức phổ thông, là tin học và ngoại ngữ. Muốn vậy, trước hết phụ nữ nói chung và NTT nói riêng phải học, học suốt đời dể phát triển bền vững bản thân mình, gia đình mình và góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, văn minh.
Xin được hỏi bà một câu cuối cho cuộc trò chuyện này: Từ trải nghiệm bản thân, bà có tâm sự gì với chị em phụ nữ nói chung và NTT nói riêng?
- Tôi muốn nhắc lại: Phụ nữ muốn tự khẳng định mình, vất vả lắm, và phải quyết tâm cao độ. Nếu không, tặc lưỡi là xong. Tôi có thể tự hào là với tôi, không có một rào cản nào trên con đường tiến bộ của mình. Tôi con liệt sĩ, lại là con một, chồng là con trưởng, nhưng tôi may mắn có một người mẹ tuyệt vời và người chồng cũng thật hiếm quý. Khi tôi lo lắng cho việc đi làm nghiên cứu sinh, và định bỏ cuộc, mẹ tôi nói: Cô cứ đi học, tôi trông con cho, khi nào không học được nữa thì thôi. Còn chồng tôi bảo: Nhà có hai “thằng” (ý là hai vợ chồng), thằng giỏi hơn thì phải đi học tiếp, còn thằng kém hơn thì ở nhà mà trông con và lo việc nhà. Em cứ học đi, ai bắt em phải đỗ mà lo. Cũng là do chồng tôi đã lăn lộn cùng tôi trong công việc khi tôi làm Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại, chúng tôi đã toàn tâm toàn ý lo cho công việc nhà trường. Tôi rất may mắn. Nhưng nếu không vượt qua chính mình thì cũng không thể thành công được.
Trân trọng cảm ơn bà.
'Tôi thậm chí từng bị gọi là bà mẹ xấu xa, nhưng tôi biết rốt cuộc con sẽ hưởng lợi từ đó'
'Tôi muốn đáp ứng nhu cầu của con trai tôi nhưng tôi cũng muốn quan tâm tới chính những nhu cầu của tôi nữa' - Tác giả Amanda Elder chia sẻ.