Hà Nội: Một số F0 phải tự điều trị tại nhà vì gọi y tế phường không ai đến

Thực tế cho thấy Hà Nội vẫn đang gặp phải những vấn đề tương tự TPHCM như năng lực các cơ sở y tế, thiếu nguồn lực tham gia điều trị F0...

Hơn 1 tuần qua, Hà Nội liên tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trên 1.300 người. Hà Nội đã vượt kỷ lục của chính mình về số ca mắc mới trong vòng 24 giờ từ khi dịch bùng phát đến nay với 1.704 trường hợp hôm 21/12 vừa qua. Dù đã có kế hoạch về số giường điều trị cũng như quy định trong việc theo dõi F0 tại nhà, sự tiếp cận của ngành y tế đối với người nhiễm virus tại Hà Nội vẫn mang đến nhiều lo ngại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị N.T.H. (ngụ phường Đông Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói gia đình có 4 thành viên thì 3 người nhiễm COVID-19. Khi có biểu hiện ho, sốt, gia đình chị tự test nhanh, cho kết quả dương tính và đã thông báo với trạm y tế phường. Phường cho nhân viên y tế xuống lấy mẫu, sau đó xác nhận là dương tính.

"Mẹ tôi đã hơn 60 tuổi, chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, khi đó chỉ số SPO2 xuống thấp hơn 90, bà có biểu hiện khó thở. Tôi đã trình báo, chụp ảnh, gửi cho nhân viên y tế để đưa mẹ tôi đi điều trị. Thế nhưng tôi không nhận được phản hồi của phường. Lo lắng, bắt buộc tôi phải gọi cấp cứu để đưa mẹ đến Bệnh viện Thanh Nhàn. May mắn mẹ tôi giờ đã được điều trị, nếu đưa đi muộn hơn, không biết tình trạng của bà sẽ như thế nào", chị H. kể lại, còn bức xúc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện tại 2 người vẫn tự điều trị tại nhà. "Tôi chủ yếu tìm hiểu thông tin trên mạng để tự điều trị chứ không nhận được hướng dẫn hay chăm sóc gì của y tế địa phương", chị H. nói.

Chia sẻ với Zing, anh Nguyễn Văn Khải (25 tuổi, trú tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết mình có biểu hiện mệt mỏi, ho, đau người và sốt từ ngày 15/12. 

“Ngay sau khi nhận thấy các triệu chứng, tôi đã uống thuốc hạ sốt và tới bệnh viện gần nhà để làm xét nghiệm. Một ngày sau, tôi nhận kết quả từ bệnh viện cho thấy mình dương tính với SARS-CoV-2”, anh Khải nói. Anh đã gọi điện cho chủ nhà trọ và trung tâm y tế phường để khai báo cũng như thông tin về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Sau đó, anh Khải cho biết bản thân chỉ nhận được một cuộc gọi để ghi nhận các triệu chứng đang gặp. Ngoài ra, trong một tuần sau đó, không có nhân viên y tế nào tới cũng như cấp phát thuốc cho anh. “Không chờ đợi được nên tôi đã tự nhờ người thân mua thuốc và đặt trước cửa nhà. Đến nay, sức khỏe của tôi đã ổn định, chỉ còn triệu chứng mất khứu giác”, anh Khải nói.

 

Trả lời báo chí về việc đưa F0 đi điều trị trên địa bàn thành phố mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết theo quy định của thành phố, việc vận chuyển F0 từ nhà đến các cơ sở điều trị tầng 1 (đối với bệnh nhân nhẹ) và từ tầng 1 lên tầng 2, 3 là do chính quyền địa phương phụ trách.

Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 và các đơn vị khác trong ngành y tế của thành phố sẽ đáp ứng vận chuyển những bệnh nhân nặng trong trường hợp quận, huyện, thị xã quá tải.

Về vấn đề cấp phát thuốc, ông Cương cho hay: “Việc cấp thuốc cho các trường hợp mắc và được theo dõi, quản lý tại nhà sẽ là trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc tổ hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà thực hiện. Hiện nay, các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định”.

Đối với thuốc kháng virus Molnupiravir, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành quy định triển khai Chương trình sử dụng có kiểm soát trên cộng đồng cho F0 thể nhẹ.

Ông Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), cho biết bệnh viện đang là đơn vị được Sở Y tế Hà Nội giao quản lý số lượng thuốc kháng virus của thành phố.

“Sở y tế đã có kế hoạch cấp phát thuốc kháng virus Molnupiravir cho các đơn vị trực thuộc. Sau khi nhận chỉ đạo, chúng tôi cũng đã ngay lập tức gửi thuốc tới các cơ sở y tế trên địa bàn được phân”, ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, thời gian qua, cơ sở y tế này cũng đã tư vấn cho một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có chỉ định và đồng ý cam kết sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir do thành phố cấp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh loại thuốc này không dùng cho tất cả F0.

“Thứ nhất, số lượng thuốc hiện tại không đủ cho tất cả bệnh nhân. Thứ hai, việc mọi F0 sử dụng thuốc kháng virus cũng là không cần thiết khi đa số người trẻ, đã tiêm đủ liều vaccine, chỉ diễn biến nhẹ hoặc không triệu chứng. Một số thuốc hiện nay đang trong quá trình thử nghiệm và chỉ được sử dụng cho nhóm có nguy cơ cao, người lớn tuổi, mắc bệnh nền hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa giải thích.

Từ bài học của TPHCM, các chuyên gia cho rằng Hà Nội cũng cần chú ý việc nâng cao năng lực y tế ở các cấp.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, chia sẻ: “Hiện nay có tình trạng người dân nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV nhưng không biết ở nhà hay đi cách ly tập trung, khi nào được đưa đi cách ly. Thậm chí, có người chờ 2, 3 ngày để được cách ly, người thì sau khi điều trị âm tính lại bất ngờ được gọi đi cách ly”.

Theo PGS Hùng, Hà Nội đã triển khai cách ly tại nhà với F0 nhưng phân loại người bệnh Covid-19 chưa nhất quán. Các quy định chưa nhất quán này khiến cả nhân viên y tế tại địa phương và người dân lúng túng.

Chuyên gia này cho rằng ngành y tế Hà Nội cần ban hành quy định nhất quán, rõ ràng về điều kiện cách ly tại nhà, khi nào đi cách ly tập trung, khi nào được cấp túi thuốc, ai được cấp thuốc kháng virus... để giúp người dân và F0 có sự chủ động khi bị nhiễm.

Thứ 2, y tế địa phương, từ trạm y tế đến trạm y tế lưu động, chỉ nên tập trung hướng dẫn, theo dõi, quản lý F0 diễn biến nhẹ, cung cấp thuốc. Khi có trường hợp F0 diễn biến nặng phải cấp cứu, trạm y tế hỗ trợ thở oxy và cấp cứu ban đầu, sau đó đưa F0 đến bệnh viện tuyến trên điều trị.

Còn các vấn đề về tư vấn, hỗ trợ F0, thành phố nên xây dựng hệ thống chăm sóc, điều trị từ xa với mạng lưới bác sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn sẵn sàng tình nguyện.

Thanh Mai

Tử vi hàng ngày 24/12 của 12 con giáp đầy đủ, chi tiết

Tử vi hàng ngày 24/12 của 12 con giáp đầy đủ, chi tiết

Tử vi hàng ngày 24/12 của 12 con giáp rơi vào thứ 6, ngày Ất Tỵ, tháng Canh Tý, năm Tân Sửu: Tý tình cảm tươi đẹp viên mãn, Sửu công việc thuận buồm xuôi gió.