Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 , Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa cho người dân Hà Nội.
Theo đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội phải tăng cường nguồn hàng, nhất là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp chiều 7/3. |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cần tăng cường triển khai các hoạt động nhằm bình ổn thị trường hàng hoá. Thậm chí, phải đề phòng trường hợp “dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn nữa”.
Ngay sau khi Hà Nội công bố có 1 ca nhiễm COVID-19 đã xảy ra tình trạng một số người dân đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu và một số mặt hàng khác như khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh, nước đóng chai, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội xác nhận.
Sáng 7/3, hàng loạt các siêu thị, chợ truyền thống tại Hà Nội “cháy” hàng do tâm lý tích trữ nhu yếu phẩm . Người dân lo ngại dịch COVID-19 có thể bùng phát nên chuẩn bị thực phẩm. Tuy nhiên, đến chiều 7/3, tình trạng này đã hạ nhiệt.
Bộ Công thương, các siêu thị khẳng định có hàng hoá dồi dào |
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, sở hữu chuỗi siêu thị Big C cho hay, do tâm lý hoang mang của 1 số khách hàng nên lượng khách tới siêu thị cùng 1 thời điểm tăng đột biến. Do vậy dẫn đến thiếu hàng cục bộ trên quầy. Một số mặt hàng bán chạy là gạo, giấy vệ sinh, mỳ...
Tuy nhiên, doanh nghiệp đã chủ động trữ lượng hàng hóa tăng lên 3 - 4 lần, do đó hoàn toàn đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Riêng mặt hàng tươi sống, trong ngày 7/3, Big C đã tăng lượt giao hàng lên 4 lần, thay vì 1 lần vào buổi sáng như thường ngày.
"Ngay trong đêm qua, Công ty cũng chỉ đạo cung ứng nguồn hàng từ kho tại Bắc Ninh chuyển về Hà Nội. Về công tác kiểm soát dịch bệnh, tất cả các kệ, quầy, gian hàng... tại siêu thị đều được khử trùng, nhân viên được kiểm tra nhiệt độ thường xuyên. Doanh nghiệp này cũng ghi nhận số lượng đặt hàng qua điện thoại tăng cao. Từ đêm qua đến giờ số cuộc điện thoại đặt hàng tăng gấp 10 lần" , bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Giám đốc Saigon Co.op Hà Nội cũng khẳng định không tăng giá trên toàn hệ thống.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giám đốc Vincommecre chia sẻ với Bộ Công Thương, bà cùng ý kiến với Đại diện Saigon Co.op, Big C, BRG..., ngay từ khi xuất hiện dịch COVID-19, doanh nghiệp đã có kế hoạch, đảm bảo lượng hàng hóa cho 6 tháng, đảm bảo hàng hóa trong trường hợp nhu cầu tăng đột biến.
Bên cạnh đó, ngay từ ngày mai, hệ thống Vinmart sẽ triển khai hoạt động khuyến mại từ 20 - 50% để người tiêu dùng yên tâm và cảm nhận giá cả hàng hóa còn tốt hơn ngày thường.
Cũng theo bà Tâm, việc người dân ồ ạt đi mua đồ dự trữ, hay di chuyển khỏi nơi cư trú hoàn toàn không cần thiết, chỉ khiến công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn. Bà Tâm cho biết thêm, VinMart là đơn vị được chỉ đạo sẽ cung cấp hàng hóa thiết yếu cho vùng dịch bị cách ly.
Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng nhiều kịch bản cung ứng hàng hóa cho Hà Nội. Qua đó, đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của Thành phố.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, hiện tại, sau thông tin trường hợp nhiễm COVID-19 tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân.
“Vụ Thị trường trong nước đã ngay lập tức yêu cầu các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa. Bên cạnh đó, chỉ đạo, phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội đi kiểm tra và nắm tình hình thực tế tại các siêu thị vào sáng 7/3”, ông Trần Duy Đông nói.