Bloomberg đưa tin rằng một tòa án ở Seoul đã đưa ra trát đối với Do Kwon. Tuy nhiên, trát còn có tên của 5 người khác. Báo cáo cho thấy, Do Kwon đã bị triệu tập vì vi phạm các quy tắc thị trường.
Trước đó, Coingape đưa tin rằng người sáng lập Terra đã thuê luật sư từ một công ty địa phương. Điều này được thực hiện để chuẩn bị cho những rắc rối pháp lý sắp tới nảy sinh trong cuộc điều tra gần đây của chính phủ.
Theo các báo cáo, các công tố viên Hàn Quốc đã tiến hành khám xét hơn 15 công ty tiền điện tử. Trong khi các cuộc đột kích và bắt giữ cũng đang được thực hiện tại các văn phòng điều hành Terra và các chi nhánh.
Tuy nhiên, lệnh bắt giữ cho thấy cả sáu cá nhân đều ở Singapore. Trong khi đó, Do Kwon đã không trả lời về vấn đề này.
Sự sụp đổ của ngành công nghiệp tiền điện tử toàn cầu do Terra Luna dẫn đầu đã gây chấn động thị trường. Hơn 40 tỷ USD biến mất khỏi thị trường trong vòng chỉ vài ngày. Trong khi đó, người sáng lập Terra ngay sau đợt lao dốc lịch sử đã tung ra một token Terra LUNA mới.
Trước đó, CEO TerraForm Labs phủ nhận cáo buộc lừa đảo liên quan đến cú sập tiền số Luna và Terra nhưng bị cộng đồng phản ứng dữ dội.
Trong phỏng vấn được Coinage đăng hôm 15/8, Do Kwon, CEO Terra, giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến cú sập lịch sử của thị trường tiền số. Đây là lần đầu CEO 9x này công khai xuất hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng kể từ sau thảm họa Luna hồi cuối tháng 5.
Kwon khẳng định dự án Terra không phải kế hoạch lừa đảo theo mô hình đa cấp (ponzi) khổng lồ. Ông nói bản thân cũng bị thiệt hại nặng nề và cũng không biết rõ mình bị mất bao nhiêu từ cú sập.
"Nếu đặt mình vào vị trí nhà sáng lập với dự án gần 100 tỷ USD, sau khi gặt hái nhiều thành quả, bạn sẽ không nghĩ đến việc thất bại. Tôi chưa bao giờ nghĩ Luna sẽ sụp đổ. Chuyện này với tôi vẫn quá phi lý", Kwon nói.
Ông cũng không phủ nhận công ty có nội gián và cho rằng người này có thể đã tận dụng thời cơ để kiếm tiền. Nhưng nếu có lỗ hổng, lỗi nằm ở người tạo ra nó ngay từ đầu. "Nếu có lỗ hổng trong thiết kế khiến kẻ gian bán khống và trục lợi, đó là lỗi của tôi. Tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm ở đây", Kwon nói với Coinage.
"Khi dự án sụp đổ, có một số mối đe dọa với gia đình tôi. Đối mặt nguy hiểm, tôi phải rời Hàn Quốc. Tôi vẫn chưa có ý định trở về và không có cuộc gọi triệu tập nào từ chính quyền Hàn Quốc gửi đến tôi", CEO Terra nói thêm.
Ngay sau khi thông tin Hàn Quốc phát lệnh bắt giữ Do Kwon, giá đồng LUNA ngay lập tức sụt giảm hơn 40%, hiện giao dịch ở mức 2,57 USD.
Tuy nhiên những phát ngôn của ông vấp phải sự phản đối mạnh từ cộng đồng. Nhiều người cho rằng ông vẫn tiếp tục gian dối. Môt số so sánh CEO Terra với nhà phát triển Tornado Cash vừa bị bắt.
Trước đó thông tin được trang DigitalToday của Hàn Quốc thu thập từ văn phòng Tòa án Tối cao nước này, cho thấy Terraform Labs Korea đã quyết định giải thể chi nhánh sau cuộc họp hội đồng từ ngày 30/4. Trong kế hoạch, hai văn phòng của công ty này tại Busan và Seoul được thanh lý ngày 4/5 và 6/5. Đây được xem là hành động bất thường trước khi sự cố Luna diễn ra.
Cuối tháng 6, đài truyền hình YTN của Hàn Quốc cho biết các công tố viên đang tìm cách vô hiệu hóa hộ chiếu của Kwon. Các nhà chức trách Hàn Quốc cũng đã ra lệnh triệu tập Kwon và khám xét, thu giữ tài liệu liên quan tại văn phòng của công ty. Nhân viên và cựu nhân viên của công ty cũng bị cấm xuất cảnh khỏi Hàn Quốc.
Đầu tháng 5, cộng đồng tiền mã hóa chứng kiến một trong những vụ sụp đổ lớn nhất lịch sử khi Luna và đồng stablecoin (tiền số ổn định giá) USTC của Terra bất ngờ lao dốc.
Economic Times gọi đây là "vụ thảm sát" đối với nhà đầu tư khi giá Luna giảm 99,6%, từ đỉnh 86 USD ngày 4/5 xuống còn 0,005 USD vào 13/5. USTC từ mức neo giá 1 USD cũng sụt mạnh xuống 0,008 USD.
Cả hai đồng tiền số gần như vô giá trị sau nhiều nỗ lực giải cứu bất thành của nhà sáng lập. Giới phân tích gọi sự cố lần này là vết nhơ của thị trường tiền mã hóa và cách ứng xử của CEO Do Kwon khi bê bối xảy ra là vô trách nhiệm.