Hàng quán ở TP.HCM bối rối với với các yêu cầu để mở cửa trở lại

Các quận, huyện đều yêu cầu thẩm định, kiểm tra trước khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động lại.

Từ 8/9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán mang đi sau hơn 2 tháng tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều chủ quán vẫn e dè chưa muốn đăng ký hoạt động trở lại. Trong đó, các tiêu chí như phải hoạt động "3 tại chỗ", tự xét nghiệm Covid-19... khiến họ bối rối.

Trao đổi với Zing, ông Đỗ Đăng Ái - Phó chủ tịch quận Phú Nhuận - cho biết từ ngày 9/9, quận đã triển khai đến các phường và hộ kinh doanh nhưn vẫn chưa có hộ kinh doanh nào đăng ký vì họ cho rằng khó đáp ứng được các yêu cầu. 

Hàng quán ở TP.HCM bối rối với với các yêu cầu để mở cửa trở lại

Phó chủ tịch quận Phú Nhuận cho biết các điều kiện vaccine về cơ bản các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều đáp ứng đủ bởi quận đã phủ hết 100% mũi 1 cho toàn dân trên địa bàn.

Tuy nhiên theo ông Ái, các hộ kinh doanh đều đang cân nhắc. Chưa kể việc chỉ được giao hàng trong nội quận cũng khiến cơ sở kinh doanh bị hạn chế đơn hàng, còn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ bán trực tiếp lại khó khăn khi chưa đăng ký giao hàng qua app. 

Tương tự, ông Hoàng Minh - đại diện phường Tân Định (quận 1) - cũng cho biết đến hôm nay phường cũng vẫn chưa nhận được thông tin đăng ký của hộ kinh doanh trên địa bàn.

Theo đại diện phường Tân Định căn cứ theo Công văn 2994 của UBND thành phố, các cơ sở kinh doanh tại phường muốn hoạt động trở lại phải có giấy phép kinh doanh, tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine, thực hiện "3 tại chỗ" và tiến hành test nhanh Covid-19 2 ngày/lần.

Trong thời gian hoạt động, lực lượng Công an phường sẽ thường xuyên kiểm tra việc thực hiện theo yêu cầu của các hộ kinh doanh.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng phòng kinh tế quận 5 - cho biết tại quận sẽ có đường link cho hộ kinh doanh đăng ký.

"Quận sẽ khảo sát các điều kiện của cơ sở đảm bảo theo đúng các yêu cầu của thành phố mới đồng ý cho phép hoạt động bán mang đi hay không", ông nói.

Về việc xét nghiệm, quận 5 đã định hướng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể linh động theo 2 cách. Cách thứ nhất là xét nghiệm tại điểm xét nghiệm của quận. Cách thứ 2 quận sẽ chỉ đạo các trạm y tế lưu động hướng dẫn ban đầu cho hộ kinh doanh phương pháp tự test nhanh Covid-19 tại nhà, khi có kết quả sẽ báo kết quả về các phường.

Theo ông Dũng, phía quận, phường sẽ tạo điều kiện tối đa về các thủ tục cho các hộ kinh doanh hoạt động trở lại nếu đảm bảo các quy định của thành phố. 

Về việc xét nghiệm 2 ngày/lần cho cơ sở kinh doanh ăn uống, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đây là quy định chung đối với doanh nghiệp, khối quân đội, công an, lực lượng tham gia chống dịch… được nêu tại văn bản 2716 của UBND TP.HCM. Các đơn vị phải chủ động giám sát xét nghiệm trên nguyên tắc 4T: Tự tổ chức, tự lên kế hoạch, tự thực hiện, tự triển khai. Tần suất xét nghiệm 3 ngày/lần.

Ngày 9/9, bà Phạm Thị Thúy Hằng - Phó chủ tịch UBND quận 3 - cũng cho biết quận đã có hướng dẫn về các phường để thông tin đến các hộ kinh doanh được phép hoạt động theo quy định của thành phố.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - thừa nhận hiện nay tình hình mở lại quán ăn có thấp so với số lượng 7.500 doanh nghiệp kinh doanh ăn uống và hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể, do một số nguyên nhân.

"Theo Văn bản 2994, các loại hình kinh doanh phải thực hiện 3 tại chỗ, thực hiện bán mang đi theo shipper. Tuy nhiên, shipper hiện nay chỉ hoạt động trong phạm vi một quận huyện, 3 tại chỗ có một số khó khăn và cách thức tiếp cận nguyên liệu khác so với trước như phải đặt hàng qua các đơn vị khác, một số nhà cung cấp chưa có giấy đi đường", ông nói.

"Ngoài ra, quán ăn chỉ được phục vụ trong phạm vi quận huyện qua shipper cũng khiến hộ kinh doanh gặp khó về lượng khách. Do đó, hộ kinh doanh phải cân nhắc có mở cửa thời điểm này hay không", ông nói.

Thanh Mai

Đồ khô, đồ hộp cháy hàng, sức mua tăng đột biến

Đồ khô, đồ hộp cháy hàng, sức mua tăng đột biến

Thị trường thực phẩm hôm nay ghi nhận sự biến động ở các mặt hàng thực phẩm khô như mì gói, đồ hộp và các loại bột mì…Trước sức mua quá lớn, có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19