Tại Anh, nơi thị trường du lịch cao cấp hiện được định giá 35 tỷ bảng Anh, các thương hiệu đang tập trung vào mối quan hệ với Trung Quốc. Theo một báo cáo mới của The Business of Fashion Insights, đến năm 2027, người tiêu dùng đại lục sẽ trên đà chi đến 131 tỷ USD cho các mặt hàng xa xỉ.
Covid-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng, do đó các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để đáp ứng. Sự thay đổi lớn nhất với những người mua sắm cao cấp là cách họ đến mua sắm và trải nghiệm hoàn toàn tại các cửa hàng flagship.
Hành vi mua sắm xa xỉ mới này cùng với sự thôi thúc rộng rãi, đã thu hút lại khách du lịch Trung Quốc. Đây đã trở thành thời điểm then chốt đối với các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của London.
Đưa London đến Trung Quốc
Trung Quốc mạnh tay chi tiền cho những món hàng hiệu đắt đỏ đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các trung tâm thương mại xa xỉ tại Anh. Khách hàng chủ yếu của những khu mua sắm sang trọng như Harvey Nichols và Harrods, hay trung tâm thương mại Selfridges ở London thường là những người nghỉ hưu thuộc tầng lớp giàu có, khách du lịch châu Âu và những người yêu thích thời trang trong nước.
Tuy nhiên, những cửa hàng xa xỉ tại đây ngày càng quen thuộc với một tầng lớp khách hàng mới, đó là người Trung Quốc với những khoản chi tiêu khổng lồ. Năm 2020, Harrods đã mở một cửa hàng ở quận Phố Đông với tên gọi là "The Residence", và đạt được thành công lớn bất chấp đại dịch.
Chỉ sau một năm, Harrods đã tiếp tục khai trương thêm cửa hàng mới. Giờ đây, nó đã mở câu lạc bộ thành viên đầu tiên ở Thượng Hải với các đầu bếp đạt sao Michelin và các sản phẩm độc quyền.
Vào năm 2017, có thông tin cho rằng người mua sắm Trung Quốc đã vượt qua người Anh để trở thành người tiêu dùng chi tiêu nhiều nhất tại Harrods và đến năm 2022, khách hàng Trung Quốc đã đóng góp 16% vào tổng doanh thu của cửa hàng bách hóa xa xỉ.
Việc tập trung vào phục vụ khách nước ngoài ở London là chìa khóa để thiết lập mối quan hệ lâu dài với những người tiêu dùng có mức chi tiêu cao này.
Đầu bếp nổi tiếng người Anh Gordon Ramsay được giới thiệu như một phần của dịch vụ khách sạn. "Chúng tôi đang chuyển động theo thời đại và chiến lược nhà hàng là một phần cơ bản của dịch vụ này. Harrods hướng đến những bữa ăn ngon, sang trọng và khiến mọi người phải biết đến ngoài việc bán lẻ truyền thống", Giám đốc điều hành tại Harrods Michael Ward nói.
Trên phố Clifford, trong khu mua sắm Mayfair nhộn nhịp của London, nhà may cao cấp Cifonelli London cũng đang mở rộng ra ngoài lĩnh vực bán lẻ cổ điển để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Cifonelli Lionel Peralta nói rằng các buổi triển lãm và sự kiện đã trở thành phương tiện quan trọng để kết nối với người tiêu dùng Trung Quốc.
"Kể từ khi xảy ra đại dịch, lượng khách từ Trung Quốc đến cửa hàng đã chậm lại. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ kết nối lại thông qua các chương trình được tung ra trong vài tháng tới. Chúng tôi phục vụ họ thông qua các sự kiện hiếm hoi hay kết nối qua WhatsApp, nhờ cậy mối quan hệ từ các nhà tạo mẫu cho giới thượng lưu", Peralta nói.
Vòng tròn liên lạc
Peralta cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc rất tò mò khi mua sắm hàng xa xỉ và thể hiện nhận thức cao về chất lượng cũng như quy trình sản xuất. Trong trường hợp của Cifonelli, điều đó đặc biệt đúng với lụa và hàng dệt kim. Điều này kết hợp với sự hiểu biết về công nghệ của nhóm khách hàng này khiến việc trao đổi trở nên cực kỳ quan trọng.
Dịch vụ khách hàng ở Trung Quốc luôn sẵn sàng 24/7 nên người tiêu dùng mong đợi mức độ phục vụ tương tự từ các nhân viên bán hàng ở London.
Peralta cho biết: "Khách hàng Trung Quốc thường đưa ra yêu cầu về sản phẩm thông qua WhatsApp, và ngay khi nhận được phản hồi đầy đủ về sản phẩm, họ sẽ mua nó ngay lập tức. Trong khi đó các khách hàng từ châu Âu lại tỏ ra miễn cưỡng hơn với cách tiếp cận đó".
Tập trung vào giới trẻ Trung Quốc
So với các thị trường khác, người tiêu dùng hàng xa xỉ của Trung Quốc có độ tuổi trẻ đáng chú ý. Theo báo cáo Hàng hóa xa xỉ toàn cầu, điều này một phần là do chính sách một con của quốc gia (được nới lỏng từ năm 2015), dẫn đến việc người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennial và Gen Z được thừa hưởng nhiều tài sản hơn.
Câu lạc bộ thành viên mới của Harrods The Residence ở Shanghai được coi là một hoạt động kinh doanh riêng biệt với hoạt động kinh doanh ở London.
Cửa hàng Cifonelli ở London không chỉ thuê một người quản lý truyền thông xã hội trẻ để phục vụ nhóm khách hàng Gen Z, mà còn đưa thêm nhiều danh mục sản phẩm và mức giá để phù hợp với nhóm khách hàng trẻ tuổi này.
Trái ngược với sản phẩm được thiết kế riêng thông thường, Cifonelli tung ra bộ sưu tập áo khoác Varsity mới với kiểu dáng phá cách, nhưng trong vòng 3 ngày, các mẫu áo khoác đã bán hết hơn 50%.
"Bạn phải tạo ra sự khác biệt ở cấp độ thiết kế cho những khách hàng trẻ tuổi, những người mong muốn có nhiều sản phẩm và tò mò hơn về thời trang nói chung. Tại Cifonelli, chúng tôi cần phải có một thương hiệu hiện đại và phù hợp mặc dù lịch sử thương hiệu chúng tôi đã tồn tại hơn 140 năm", Peralta tiếp tục chia sẻ.
(Nguồn: StandardUK)