Đây là triển lãm cá nhân thứ ba của Hoàng Đỗ Cường tại Hà Nội, do các người bạn của ông và gia đình phối hợp tổ chức, nhằm tưởng nhớ một họa sĩ tài hoa, thích sống trong lặng lẽ của sự cô độc, để suy ngẫm sự đời và để sáng tác. Cũng qua triển lãm “Họa sĩ & những người bạn”, nhiều tác phẩm của ông mới được mọi người biết tới với sự ngỡ ngàng và thán phục không lời.
Họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (1959 - 2023) |
Hoàng Đỗ Cường sinh năm 1959 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc (khóa 1977 - 1983) và tới năm 1990, ông bén duyên với hội họa, mê mải với những hình/sắc, sau khi theo học lớp vẽ nghệ thuật quần chúng của họa sĩ cao niên Phạm Viết Song.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VIệt Nam - cùng đông đảo văn nghệ sĩ và người thân trong gia đình tới dự khai mạc triển lãm. Ảnh: L.Q.V |
Ông có một thời gian sống cùng gia đình ở TP. Hồ Chí Minh, khi cả nhà chuyển vào đó sinh sống và làm việc. Nhưng chỉ được vài năm, chả rõ bởi nguyên do nào, Hoàng Đỗ Cường lại khăn gói trở lại Hà Nội, thuê nhà ở một mình, vẽ và vui vầy cùng bạn bè, chủ yếu trong giới mỹ thuật - với những Trần Hùng, Phan Thiết, Sơn “Sách”, Hoàng Hồng Cẩm, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Mạnh Đức…
Một tác phẩm của Hoàng Đỗ Cường vẽ chân dung những người bạn văn nghệ sĩ. |
Hoàng Đỗ Cường ưa thích lối sống lặng thầm, nên ngay cả trong những cuộc vui trà dư tửu hậu có đông đảo người dự, ồn ã, ông cũng vẫn giữ nguyên một bộ mặt thâm trầm, chả tha thiết “chém gió” ầm ào, nên mọi người đặt cho ông cái biệt danh đầy yêu thương, trìu mến “Kường Kâm”, dù ông có một vóc dáng khỏe mạnh và không câm.
Họa sĩ Hoàng Đỗ Cường tự họa. |
Cuộc sống của “Kường Kâm” với ngọn lửa của niềm say mê hội họa cứ dần trôi đi nhẩn nha như thế. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về các trường phái hội họa trên thế giới và các xu hướng sáng tác ở trong nước, nên ban đầu, trong các tranh của ông cũng có sự ảnh hưởng ít nhiều bởi những hướng đi đó. Nhưng dần dà, Hoàng Đỗ Cường đã biết hóa giải sự ảnh hưởng, tìm cho mình con đường biểu đạt phù hợp hơn.
Tác phẩm “HDC 58” của họa sĩ Hoàng Đỗ Cường. |
Trong tranh của Đỗ Hoàng Cường, hai chủ thể chính dễ bắt gặp là phụ nữ và tự họa, được thể hiện với đủ các góc, dáng, trạng thái. “Phụ nữ là một ưu tiên trong tranh Hoàng Đỗ Cường, có khi còn ưu tiên hơn cả chủ thể tự họa. Chủ thể phụ nữ thật ra cũng là một chủ thể tự họa, một “tâm trạng khi yêu” của chính Hoàng Đỗ Cường” - một nhà phê bình mỹ thuật đã nhận xét như vậy về tranh của ông. Còn mảng tự họa, với hình hài đầu trọc, kính tròn màu đen cùng các vật dụng quen thuộc thường ngày ông vận dụng, dễ thấy một Hoàng Đỗ Cường đầy hài hước, như tự giễu cợt mình.
Góc trưng bày các đồ dùng sinh hoạt của họa sĩ Hoàng Đỗ Cường và một số tranh chân dung vẽ trên vỏ bao thuốc lá. Ảnh: L.Q.V |
Vẽ, với Đỗ Hoàng Cường, như một cuộc rong chơi thong dong bất tận, nhưng cũng tựa những trang nhật ký với đời, với người, sau những điều bắt gặp, chia sẻ, sau những cuộc giao lưu cùng bạn bè và suy ngẫm tự thân. Ông có thể vẽ ở bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, khi vui lóe, lúc buồn sâu. Ông cũng có thể vẽ trên mọi vật liệu - ngoài những tấm toan khổ lớn là những mảnh bìa, thậm chí trên những vỏ bao thuốc lá nhỏ nhoi.
Tác phẩm “HDC 05” của họa sĩ Hoàng Đỗ Cường. |
Có một điểm đặc biệt tại triển lãm “Họa sĩ & những người bạn”: Ngoài những tác phẩm treo tường (đều mang số hiệu, không có chú thích riêng), các người bạn và gia đình đã tạo dựng một số góc nhỏ trưng bày những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của ông, đầy dung dị - với chiếc bàn trà nhỏ, vài chiếc ghế mây của đồng bào miền núi, cột mắc áo treo mũ, khăn quàng, cùng nhiều cuốn sách về nghệ thuật…
Phần trưng bày một số tranh vẽ chân dung của họa sĩ Hoàng Đỗ Cường. Ảnh: L.Q.V |
Phần trưng bày đó cho thấy, tựa như họa sĩ Đỗ Hoàng Cường (dù đã rời cõi trần ở ngày 15/2/2023 sau cơn đột quỵ trên hành trình công việc tại Thái Bình), vẫn như hiện diện quanh những người bạn và người thân trong gia đình, khi họ vẫn còn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ…
Triển lãm “Họa sĩ & những người bạn” của Đỗ Hoàng Cường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ có mở cửa tới ngày 22/9/2024. Đây là cơ hội để những người yêu mỹ thuật đến thưởng thức những tác phẩm của một họa sĩ ham rong chơi và bấy lâu lặng thầm sáng tác, nay đã đi xa…
Triển lãm tranh "Bắc Giang – Xưa ấy và Nay"
Triển lãm diễn ra từ 16h ngày 26/4 đến ngày 5/5, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.