Tôi lấy chồng năm 20 tuổi, một năm sau tôi sinh bé lớn. Ở cái giai đoạn ấy, mọi thứ đều thật khó khăn, thế nhưng tôi lại có thể kiên cường vượt qua được không hề than thân trách phận một chút nào.
Chồng tôi hơn tôi 15 tuổi, đấy là lý do mà chúng tôi cưới sớm. Ở tuổi 35, nếu như chúng tôi không lấy nhau thì khả năng lớn chỉ một thời gian ngắn sau sẽ phải chia tay, anh khó lòng mà đợi được cho đến khi tôi ra trường đi làm.
Tôi mang thai đến tháng thứ 7 thì anh phải chuyển công tác sang nước ngoài. Chuyện này cả hai vợ chồng biết trước nên luôn cố gắng an ủi lẫn nhau, động viên nhau cố gắng vượt qua.
Tôi không được lòng bố mẹ chồng nên hai vợ chồng hoàn toàn tự lực cánh sinh, không có bất kỳ ai giúp đỡ. Trước khi anh đi nước ngoài, anh có gửi gắm nhờ mẹ tôi chăm sóc tôi và cháu.
Ngày tôi sinh bé, anh không ở nhà, mẹ tôi đưa tôi đi sinh, cuộc sinh nở diễn ra nguy hiểm đến mức có lúc mẹ tôi nhận được câu hỏi cứu mẹ hay cứu con từ ê-kíp bác sĩ. Cũng may số tôi chưa tận, sau nhiều gian nan thì mẹ con tôi cũng an toàn ôm nhau trở về nhà.
Kể từ lúc sinh bé cho đến lúc chồng tôi về là gần 2 năm trời. Lúc anh về con trai đã được 18 tháng tuổi.
Khoảng thời gian đó tôi luôn tự nhắc mình rằng chồng đi làm xa vì tương lai của vợ con nên mình ở nhà phải thật cố gắng, dù nhiều lúc vừa tủi hờn vừa áp lực nhưng tôi vẫn có thể vượt qua được. Rất hiếm khi tôi rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực.
Tuy nhiên, vì lần sinh đó quá nguy hiểm nên tôi và chồng đều không muốn sinh thêm nữa. Vậy nhưng đời mà, làm sao có thể nắm chắc được việc gì, sau 10 năm chúng tôi quyết định sinh thêm bé thứ hai.
Lần này với tôi mọi thứ đều tuyệt vời. Kinh tế gia đình đã khá vững vàng, con trai lớn đã tự lo được sinh hoạt của bản thân mà còn có thể giúp đỡ được mẹ việc nhà, chồng thì ở bên cạnh, dường như mọi thứ đều thật thuận lợi.
Thế nhưng khi sinh bé thứ hai xong, mọi thứ trong tôi như vận đổi sao rời.
Nếu như lần trước, tôi có sẵn tâm lý không có chồng ở cạnh nên luôn tự dặn mình phải một mình đứng vững thì lần này tôi lại có xu hướng cho rằng có chồng ở bên, mình có thể dựa dẫm vào chồng một chút. Có lẽ vì có hy vọng nên mới có thất vọng.
Tôi nuôi con sữa mẹ hoàn toàn, bởi vậy mà bất kỳ lúc nào con khóc, chồng tôi đều cho rằng vì con đòi bú. Anh không bao giờ thật sự cố gắng hỗ trợ tôi khi con khóc, cứ con khóc thì sẽ trả lại cho tôi.
Việc nhà không phải anh không giúp tôi nhưng anh luôn làm rất hời hợt, thậm chí con trai 10 tuổi của tôi cũng có thể rửa bát sạch hơn anh rất nhiều. Nhà cửa bừa bộn thì anh không bắt tôi phải dọn nhưng không bao giờ dọn hộ tôi, nếu tôi không tự dọn thì cả nhà cũng sống trong bãi rác, mà kể cả sống trong bãi rác anh vẫn thấy không sao, không có vấn đề gì hết.
Thôi thì việc nhà đã đành nhưng những thứ liên quan đến sửa chữa như vòi nước bị rỉ, điện bị chập, cửa hỏng khóa… khi tôi thông báo tình hình để anh xử lý thì anh phản ứng gay gắt, anh cho rằng nó bị như vậy rồi thì anh cũng chẳng làm được gì chứ không bao giờ nghĩ đó là việc của đàn ông mà cố gắng tìm cách khắc phục.
Tôi vừa chăm con nhỏ vừa phải đi làm, áp lực nặng nề đến mức một ngày của tôi sẽ kết thúc vào 2h sáng và bắt đầu vào 6h sáng hôm sau. Nếu không làm như vậy, tôi không thể giải quyết được hết công việc.
Càng ngày tôi càng thấy chồng mình như người xa lạ, bởi vì quá nhiều việc và cũng có thể do hormon thay đổi trong thời kỳ cho con bú nên tôi sợ hãi việc gần gũi chồng. Nói thật lòng, hiện giờ tôi còn nghĩ rằng anh cứ đi tòm tem bên ngoài đi và để cho tôi yên…
Những năm tháng sinh bé lớn vất vả là thế mà tôi có thể vui vẻ vượt qua được, tôi không biết hiện tại bản thân làm sao mà luôn cảm thấy tiêu cực, mọi thứ xung quanh chỉ cần liên quan đến chồng thì đều khiến tôi rất mệt mỏi…
'Khủng hoảng nhân khẩu học' đánh mạnh vào kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ suy giảm do tốc độ dân số già hóa nhanh chóng, tỉ lệ sinh ở mức thấp báo động. Lợi thế nhân khẩu học của Trung Quốc hiện đã dần chuyển từ vai trò là động lực tăng trưởng thành một lực cản của nền kinh tế, có tầm ảnh hưởng lớn đến triển vọng phát triển của cường quốc châu Á.