Các thăm dò cho thấy TT Macron chiếm khoảng 57-58% số phiếu bầu và những thăm dò như vậy thường chính xác.
Bà Le Pen, ứng cử viên của đảng Tổ chức dân tộc cực hữu (Rassemblement National hay RN), nhận được 41,8% số phiếu bầu, cao nhất trong ba lần tranh cử tổng thống không thành công gần đây nhất của bà.
Trong một bài phát biểu chiến thắng vào tối Chủ nhật, TT Macron đã nói một câu đơn giản "cảm ơn!" và ca ngợi những người đã cho ông thêm 5 năm cầm quyền ở Pháp.
Sau khi có kết quả sơ bộ, ông Macron và vợ là bà Brigitte, đã đến quảng trường, nơi những người ủng hộ ông tụ tập bên dưới Tháp Eiffel, để nghe tiếng hát Ode to Joy, bài quốc ca của Liên minh Châu Âu.
TT Macron cũng cảm ơn những người đã bỏ phiếu cho ông không phải vì họ tán thành ý tưởng của ông mà vì họ muốn từ chối Le Pen.
“Tôi không còn là ứng cử viên nữa, mà là tổng thống của tất cả chúng ta”, ông Macron nói.
Bà Le Pen thừa nhận thất bại trong một bài phát biểu ngay sau khi kết quả cuộc thăm dò được công bố, nhưng vẫn ca ngợi kết quả của bà là một "chiến thắng rực rỡ".
Bà cho biết sẽ "tiếp tục" sự nghiệp chính trị của mình và nói rằng mình sẽ "không bao giờ bỏ rơi" người dân Pháp.
Như vậy, với kết quả này, ông Macron sẽ là người đầu tiên kể từ năm 2002 làm 2 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp. Trước ông Marcon, người làm được điều này là ông Jacques Chirac.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ông Marcon sẽ phải đối mặt với một nhiệm kỳ thứ hai đầy khó khăn trong bối cảnh quốc gia bị chia rẽ và ông phải chiến đấu để giữ đa số tại nghị viện trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Sáu.
Pierre Haski, một nhà bình luận chính trị kỳ cựu, cho biết các cuộc bầu cử lập pháp - thường được gọi là vòng thứ ba - sẽ là thử nghiệm mới cho bối cảnh chính trị ở Pháp, đặc biệt là khi sự ủng hộ dành cho các đảng truyền thống đã giảm đi đáng kể.
"Bạn có ba lực lượng chính trị. Trong đó, trung tâm là ông Macron; bà Marine Le Pen, người đã có số phiếu bầu tăng so với các cuộc bầu cử trướ và Jean-Luc Melenchon, người đã làm tốt ở vòng đầu tiên và đứng thứ ba sau cuộc bầu cử vòng 1”, ông nói.
Cũng theo nhà phân tích này, thách thức đối với Macron là phải có đa số vì nếu không, ông Marcon sẽ bị buộc vào một định hướng chính trị khác giữa tổng thống và thủ tướng, và đó là nguồn gốc của căng thẳng và khó khăn.
Dự kiến sẽ có kết quả chính thức vào tối Chủ nhật theo giờ châu Âu và việc công bố sẽ được tiến hành vào ngày 27/4.
Trong một bài phát biểu vào tối Chủ nhật, ông Melenchon cho biết chiến dịch vận động bầu cử lập pháp vào tháng 6 bắt đầu từ bây giờ.
Ông Melenchon đã nói về mình với tư cách là một thủ tướng Pháp trong tương lai.
“Các cử tri đã lên tiếng, Le Pen đã bị đánh bại, nước Pháp rõ ràng không chịu giao phó tương lai của mình cho bà ấy. Cuộc bầu cử của Macron là kết quả tồi tệ nhất của nền cộng hòa thứ năm. Ông ấy bơi trong đại dương của những phiếu trắng”, ông Melenchon nói.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo cực hữu Eric Zemmour kêu gọi các đảng dân tộc chủ nghĩa của Pháp đoàn kết trước cuộc bầu cử lập pháp sắp tới.
“Tình hình chính trị trước cuộc bầu cử quốc hội buộc chúng ta phải hành động… khối dân tộc chủ nghĩa cần đoàn kết, các phong trào dân tộc chủ nghĩa phải tham gia”, ông Zemmour, người cũng là ứng cử viên ở vòng đầu tiên của cuộc bỏ phiếu nhưng không lọt vào vòng thứ hai, cho biết.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã chúc mừng Macron trong một dòng tweet với nội dung : “Tôi rất vui khi có thể tiếp tục hợp tác tốt đẹp”.
Trong khi đó Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel bày tỏ sự “nhẹ nhõm” khi Macron tái đắc cử.
Thủ tướng Ý Mario Draghi ca ngợi chiến thắng của Macron là "tin tức tuyệt vời cho toàn châu Âu".
Thủ tướng Anh Boris Johnson chúc mừng Macron tái đắc cử.
“Pháp là một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của chúng tôi”, ông Johnson viết trên Twitter. “Tôi mong muốn được tiếp tục làm việc cùng nhau về những vấn đề quan trọng nhất đối với hai quốc gia của chúng ta và đối với thế giới”, ông nói thêm.