Khi đàn ông nấu nướng

Bếp trong nhà xưa nay vẫn được coi là chỗ của đàn bà, nhưng ngay cả ngày xưa, nhiều khi không phải thế.

Mẹ tôi nấu ăn ngon, và bà thường xuyên nấu bếp. Những bữa cơm bà nấu trong những ngày bao cấp nghèo khổ trước đây là niềm tự hào của tôi với bọn trẻ cùng số nhà. Bởi cũng ngần ấy thực phẩm mua bằng tem phiếu ở các quầy mậu dịch, cũng ngần ấy gạo mỳ mua ở cửa hàng lương thực, nhưng trên cái bếp của mẹ, có dạo nằm trên cùng hành lang với các bếp của nhà khác khi mỗi nhà chưa cơi nới được một chỗ nấu nướng riêng, bao giờ cũng tỏa một mùi thơm khác hẳn, hấp dẫn hơn hẳn.

Mẹ khéo, hàng xóm đều nói thế, và mẹ chăm, mẹ chịu khó, mẹ làm nhiều món hơn từ những nguyên liệu na ná nhau. Thật ra đơn giản hồi ấy, mấy củ hành phi thơm trước khi cho cà chua vào nồi trong một món canh chỉ có cà chua, hay một chút tỏi đập dập cho vào rau xào, cũng đình đám hẳn lên bữa ăn do mẹ nấu, chẳng cần gì nhiều.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn nhường cho bố, mỗi khi bố tôi nổi hứng vào bếp, có những món chỉ bố làm. Rang cơm chẳng hạn, mẹ rang vẫn ngon, nhưng bố ra tay - từ thường gọi của cả nhà mỗi lần bố nấu nướng - dường như vẫn khác. Hạt cơm săn hơn, đậm hơn... là tôi nhớ thế.

Thực ra, bố tôi độc quyền mấy món rất đàn ông: rựa mận (và giả cầy), lòng lợn, tiết canh vịt, và phở. Phở là món bố tôi nấu với cả niềm nâng niu. Bao giờ cũng nướng gừng nướng hành, nướng mấy con tôm he, sá sùng hoặc cái đầu mực, thịt thăn nướng cho trong chứ xương dùng vừa thôi, đục nước..., rồi nhiều chi tiết cầu kỳ nữa lắm. Mỗi lần có chút thịt bò để làm mấy bát phở, nhà như có đại hội.

Trong thời thơ ấu liên miên đi sơ tán và đói ăn của chúng tôi, một bữa ăn ngon do mẹ hay bố nấu hóa ra trở thành kỷ niệm khó phôi pha nhất. Đến nỗi, khi bếp đã riêng, thực phẩm đã nhiều, mua được nhiều đồ ăn ngon nhập ngoại, thì niềm vui không thay đổi của cả nhà vẫn là một ngày nào đó, con cháu về đông đủ, ông vào bếp, làm phở. Cả nhà công nhận ông là tài năng lớn trong lĩnh vực nấu phở, dù có khi mấy đứa cháu lén lút đưa ra nhận xét phở của ông không giống... phở lắm.

Trong cái công cuộc giữ lửa ấm cho gia đình, thật ra, trách nhiệm không riêng của đàn bà. Bố tôi hoàn toàn chỉ vào bếp, ra tay, khi nấu những món ông thích cho cả nhà ăn. Đàn ông đã không vào bếp thì thôi, chứ một khi vào, là chứng tỏ năng lực phi thường, ít ra họ nghĩ vậy. Việc bếp núc hàng ngày vẫn của mẹ, rồi của con gái, khi đã lớn. Nhưng dù chỉ một năm đôi ba lần thôi, việc bố vào bếp cũng khiến cả nhà vui. Mỗi người đàn ông trong gia đình đều có thể như vậy, biến bếp thành một nơi chốn ấm cúng, đầy yêu thương mà không cần nhiều.

Hôm trước, tôi gặp một người bạn hồi phổ thông ở chợ, xe máy treo ngổn ngang túi rau hành, túi trứng, túi thịt. “Vợ tôi có biết nấu nướng gì đâu! Bạn tôi bảo, mà đã không nấu thì cô ấy cũng không đi chợ..., bạn cười hề hề, may mà mình thích vào bếp, chứ không con mình chỉ có ăn hàng...”. Ừ thì đi chợ, nấu ăn, san sẻ gánh nặng bếp núc, có gì lạ đâu. Càng ngày, người ta càng muốn giải phóng phụ nữ khỏi căn bếp nhỏ, chia việc nhà cho đàn ông cùng làm. Tôi dìm trong đầu cái ý định ngậm ngùi cho cậu bạn xưa vốn nổi tiếng đẹp trai học giỏi. Với túi rau, túi hàng, túi trứng ấy, bạn càng đáng quý trong mắt tôi.

Mà tại sao chứ, tại sao cứ phải chia ra trong bếp mấy chữ đàn ông với đàn bà. Chia thế, đã là bất bình đẳng giới rồi. Ai cũng có quyền vào bếp, nếu muốn. Ai cũng có quyền khước từ chuyện vào bếp, nếu muốn. Có thể mua đồ ăn online mà.

Tất nhiên, mua đồ ăn online thì bếp không ấm, đành thôi!

Hà Phạm

Đàn ông tử tế: có nhất thiết phải thạo việc nhà?

Đàn ông tử tế: có nhất thiết phải thạo việc nhà?

Lan man chẳng đâu vào đâu tôi chỉ muốn nói điều này, đàn ông tôi biết để làm được người tử tế dĩ nhiên phải thạo việc nhà.