Khi hẻm nhỏ thôi buồn…

Hẻm không phải đặc trưng của thành phố Cà Mau, nhưng nếu Cà Mau không có hẻm cũng không ra được câu chuyện của thành phố.

Trong cập rập của Chạp, lạc vô một con hẻm nhỏ, chiều đã muộn, lỡ bữa, thấy xe bắp nghi ngút khói, sà vào quán cóc nem nép bên hẻm mua vài trái bắp, gọi thêm ly trà đường lót cho chiếc bụng đang réo lên cơn đói. Ăn rất vội, cơn mưa đổ đen lấn hết ráng chiều nãy còn rực rỡ.

Tôi muốn đi lạc thêm chút nữa, để có cớ nghe hẻm thở, ngắm những chuyển động của hẻm trong buổi chiều đợi cơn mưa đến/ Tranh: Minh Tấn
Tôi muốn đi lạc thêm chút nữa, để có cớ nghe hẻm thở, ngắm những chuyển động của hẻm trong buổi chiều đợi cơn mưa đến/ Tranh: Minh Tấn

 Đứng lên trả tiền, bước ra xe, thấy trước mắt là bức tường đen kịt, bên dưới dẫy ông Táo đặt lên trên đó là chừng chục chiếc xoong lớn. Lửa củi cháy ngún, hắt lên ngọn xanh chờm lên thân xoong, khói ngoằn ngoèo bay lên như cố tình vẽ những hình thù ngộ nghĩnh trên bức tường… Ngồi xuống, mua thêm ít trái bắp mang về, bỗng dưng trong không gian ấy tôi muốn đi lạc thêm chút nữa, nghe hẻm Bắp (hẻm Chùa Tịnh Độ, khóm 2, phường 5) để có cớ nghe hẻm thở, ngắm những chuyển động của hẻm trong buổi chiều đợi cơn mưa đến.

Gọi tên của hẻm

Hẻm không phải đặc trưng của thành phố Cà Mau, nhưng nếu Cà Mau không có hẻm cũng không ra được câu chuyện của thành phố. Những tên dân gian đặt cho hẻm thậm chí còn phổ biến hơn tên hành chính. Người phương xa đến hỏi đường về hẻm A, hẻm B lôi tên hành chính ra hỏi có khi hỏi ngay dân ngụ cư hẻm đó không chắc đã nhớ, rồi nếu biết cái tên dân gian của hẻm lôi ra minh họa thì người được hỏi kia mới à ừ, ủa có tên đó nữa hả, hoặc ừ, có biết tên này mà quen tên kia nên không nhớ luôn. Phần lớn người trong hẻm là dân tứ xứ tập trung về rồi tạo thành cộng đồng gắn bó với nhau, với đủ các thành phần lao động. Hẻm có cuộc sống riêng, là cả một sự khác biệt so với ngoài mặt phố. Đang vội vã ngoài kia, vào hẻm cảm nhận ngay vẻ thong dong, bình thản. Kể cả khi hẻm ồn ào nhất thì cũng khác cái ồn ào ngoài phố. Tới cách người ta mắng mỏ nhau cũng khác. Khác ở chỗ không độc địa cay nghiệt mà mắng để nhau tốt hơn. Hẻm tôi sống không phân biệt người miền trong, người miền ngoài, người làm cán bộ, người là dân thường… Cứ thế, quanh năm suốt tháng các gia đình sống nơi đây luôn gắn bó như một gia đình lớn, sống cùng cái tốt lẫn cái xấu của nhau.

Nghề bán bắp thành “thương hiệu” của hẻm.
Nghề bán bắp thành “thương hiệu” của hẻm.

Không hiếm khi người ta đặt tên cho hẻm bằng tên của hàng quán hoặc tên của người để đặt cho hẻm. Như hẻm Chiều Cuối Tuần (phường 2). Đó là một con hẻm thông giữa đường Phan Đình Phùng và Lý Thái Tôn. Anh Nguyễn Hoài Hãn (Đài PTTH Cà Mau) kể: “Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, giữa hẻm có một quán cà phê tên “Chiều Cuối Tuần”. Quán là điểm đến để các cặp đôi yêu nhau tâm sự. Quán là một cái sân rộng với vài bộ bàn ghế được che chắn bằng những chậu kiểng chuyên phục vụ các cặp tình nhân”. Tương tự, hẻm Mây Hồng (còn gọi là hẻm Vựa Cá, phường 5) tên được sinh ra cũng bởi có quán cà phê Mây Hồng ở đầu hẻm. Quán chuộng nhạc Pop, Rock, Rock and Roll pha trộn vớí nhạc Blues của các Ban nhạc nổi tiếng như: ABBA, Rolling Stones, Bee Gees… Quán pha café theo phong cách những năm 70, 80 bằng phin hoặc vợt.

Tên hẻm còn gắn liền với tên cơ sở thờ tự, tên một ngôi chùa, đình hoặc cơ quan nào đó. Như: hẻm bưu điện (hoặc hẻm công đoàn) trên đường Lưu Tấn Tài (phường 5); hẻm xóm miễu, hẻm Tịnh xá Ngọc Minh (đường vào Tịnh xá nằm trên đường Phan Ngọc Hiển cặp với chùa Cao Đài, phường 5). Đặt chân vào hẻm là đặt chân vào không gian khác, bình yên với hình ảnh các cụ già đang hàn huyên bên ấm trà chuyện thời sự, chuyện nhà cửa, con cái; những bà mẹ vừa cho con ăn, vừa tranh thủ chuyện trò với xóm giềng. Thông với hẻm Mây Hồng là hẻm Lâm Hồng (bên hông cầu Cà Mau) vì hẻm có miễu Bà Chúa Xứ nên còn có tên gọi là hẻm xóm miễu. Dân trong hẻm sống đa nghề: thợ may, vẽ tranh, vá dép, bán cà phê, hàn thùng, bán rắn rùa…

Hẻm chùa Miên ở phường 1 khi xưa ai nhắc đến đều lắc đầu lè lưỡi
Hẻm chùa Miên ở phường 1 khi xưa ai nhắc đến đều lắc đầu lè lưỡi

 Tên hẻm “Chùa Miên” (khóm 2 và 3, phường 1), có từ sau khi ngôi chùa Monivongsa Bopharam được xây dựng vào năm 1964. Mặc dù sau này được đặt tên chính thức là hẻm 132, nhưng theo thói quen dân gian vẫn gọi là hẻm Chùa Miên. Hẻm Chùa Miên còn là nơi đặt trụ sở của Ðoàn Nghệ thuật Khmer (còn gọi là Đoàn Samaki). Hằng năm, đoàn đều tổ chức các buổi lưu diễn ở tận vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, nhất là vào các dịp lễ hội của đồng bào dân tộc như: Tết Chôl-Chnam-Thmây, Sen-Đôlta, Ok-om-bok…

Đời hẻm, đời người

Hẻm bắp (khóm 2, phường 5) có hơn 30 hộ, phân nửa trong số đó đều bán bắp luộc. “Tổ nghề bán bắp” ở xóm bắp là bà Ba Mạo, bán từ sau năm 1975, rồi tới bà Huệ, ông Hồ. Xưa bán bắp cực, bắp lấy từ Cần Thơ, Vĩnh Long, về dọn lá sơ rồi luộc từ 2 giờ sáng tới 4 giờ sáng, sau đó bỏ vô bao, chất vô gánh lội giáp vòng Cà Mau không biết bao nhiêu cây số để bán. Giờ sướng hơn, bắp chất lên cái xe đẩy, hoặc trên xe đạp rao bán, cũng nhẹ nhõm đi nhiều. Nghề bán bắp thành “thương hiệu” của hẻm. Bà Huệ cười hiền, nói: “Không hiểu sao cái con hẻm vừa dơ vừa ồn, dây điện chằng chịt mà tui lại thương nó đến vậy. Nhất là lúc buổi chiều, ở cái khoảnh sân hẹp kia, cháu tui với mấy đứa nhỏ thường tụ tập chơi chọi lon”.

Có lần, tôi ăn bánh tằm cay ở hẻm Vĩnh Quang dưới chân cầu phường 2 gặp thầy Lâm Thanh Quyền (giáo viên trường Tiểu học Phú Hưng, Cái Nước) ngồi kí họa hẻm. “Mình người Cà Mau gốc, ba đời nhà mình sống trong hẻm Rạch Rập, cả tuổi thơ gắn bó với hẻm nên mình nảy sinh tình yêu với nó từ khi nào chẳng hay. Khi dự án LIA được thực hiện, các con hẻm dần biến mất, mừng vì đô thị Cà Mau ngày càng khang trang nhưng tự trong tâm khảm trỗi lên nỗi nhớ nhung tiếc nuối. Mình kí họa các con hẻm còn sót lại, như một cách lưu giữ từng có một Cà Mau như thế” – thầy Quyền bâng khuâng nói.

Năm trước tôi có viết một ký sự về món đá đậu ở hẻm ông Dú Đá Đậu (phường 2), gặp bà Láng má của hia Dú. Thương mãi dáng ngồi của bà hướng về phía bên kia sông. Lần này trở lại, bà Láng xuống đi nhiều, gầy và buồn. Hỏi dăm ba câu chuyện rồi hỏi về hẻm, bà nói: “Tôi ở cái hẻm này năm 1965, hẻm có từ trước đó chục năm ngoài nhưng không có tên. Hẻm chừng 10 mét nằm cặp Chùa Bà, phường 2, cũng là bến đò đưa rước khách sang Rạch Rập, hồi đó cũng 3,4 hộ, giờ còn mình tui ở đây bán đá đậu và bán thêm lu, khạp nung. Tính ra hẻm này cũng cả trăm năm, bằng tuổi chợ phường 2. Mấy nhà hồi xưa cũng bán đá đậu, dẹp tiệm kiếm sở khác làm, tôi giữ nghề cũ, truyền cho mấy đứa con, đá đậu thành tên hẻm. Ngoài 80 tuổi gần đất xa trời, giờ không tới lui đâu nữa, mới thấy cái hẻm này là cuộc đời của tôi, rồi món đá đậu được coi là một nét tâm hồn của Cà Mau. Tự nhiên nghĩ mai mốt mình không còn nữa, hẻm thì chắc còn nhưng đá đậu còn bán bao lâu?”.

Một con hẻm ở Cà Mau
Một con hẻm ở Cà Mau

Ở khóm 2, phường 8 có hẻm xóm kiếp (bây giờ là hẻm Bình Minh) là con hẻm khiến bất kỳ ai đặt chân vào đều cảm thấy khiếp sợ và khép nép bởi không khí “đe dọa” của nó. Đó là câu chuyện của những năm 90, hầu hết cư dân trong hẻm là dân “anh chị” sống bằng nghề cờ bạc, ma túy. Điểm đặc biệt của các căn hộ trong hẻm đều… thông nhau để khi công an “lùa” trốn cho dễ. Thời đó, dám “ngang hàng” với hẻm xóm kiếp họa chăng chỉ có hẻm “Chùa Miên” “nhờ” tệ nạn xã hội. Hơn hai mươi năm trước, những tay anh chị lừng lẫy trong “giới” trộm cắp, đá gà, đánh bài, ma túy, mại dâm… như: Cà Vệ, Ma Siêu, Đường A Muối, Lâm đầu bò, Hùng sáu ngón… đều tập trung tại con hẻm này. Hẻm không quá dài, chỉ gần 1km, đầu hẻm có một thầy bói, cuối hẻm một thầy bói và giữa hẻm có một ông thầu số đề, hoạt động nhộn nhịp công khai như một nghề hợp pháp. Dân cư trong hẻm hầu hết nghèo khó, cuộc sống ngột ngạt. Khi ấy, chỉ cần nhắc đến cái hẻm “Chùa Miên” thôi thì ai nấy cũng lắc đầu lè lưỡi.

Có những con hẻm ở nội ô Cà Mau đậm đặc chất lam lũ, buồn buồn, khó tả.

Đó là con hẻm “nổi tiếng” từ thời bao cấp mang tên hẻm heo nọc (phường 8). Cái tên được đặt cho hẻm bắt nguồn từ việc vài hộ dân ở hẻm này chuyên nghề phối giống cho heo. Mỗi buổi sáng, người ta lại nhìn thấy cảnh chú heo đực thủng thẳng đi phía trước, người chủ cầm cây roi đi phía sau, thỉnh thoảng lại vút roi vào mông để hối chú ta đi mau. Người trong hẻm kể do đầu hẻm có cái bảng đề “Heo Nọc” nên người ta gọi riết “chết danh” chứ hẻm đó hầu hết là cán bộ viên chức, đa số đời sống còn nghèo khó nên nuôi heo để cải thiện thu nhập.

Xe đá đậu gần 50 năm của ông Dú
Xe đá đậu gần 50 năm của ông Dú "đá đậu" làm nên tên gọi con hẻm

Dự án LIA mang lại gương mặt, hơi thở mới cho đô thị Cà Mau. Hầu hết các con hẻm trong nội ô thành phố Cà Mau đều đã nâng cao, mở rộng. Còn lại số ít hẻm như: hẻm Vĩnh Quang, hẻm Ông Dú Đá Đậu, hẻm Bông Hồng… Các hẻm này không được mở rộng vì… không mở rộng được, bởi đầu hẻm vướng nhà dân không thể giải tỏa và hẻm cũng rất ngắn, độ vài mươi mét.

Người ta đã quên đi kí ức buồn về hẻm xóm kiếp, hẻm “Chùa Miên”, hẻm heo nọc. Bằng rất nhiều nỗ lực, chính quyền địa phương một mặt hỗ trợ vốn vay, tạo công ăn việc làm cho dân cư trong hẻm, mặt khác mở rộng hẻm, cải tạo cảnh quan môi trường, dẹp bỏ tệ nạn xã hội. Giờ vô hẻm Bình Minh sẽ thấy dân cư của hẻm hiền khô, lương thiện, ai cũng siêng làm ăn kiếm sống, lỡ ai nhắc chuyện hồi xưa là bị rầy liền. Bữa có cô gái bị giựt đồ đầu hẻm, dân trong hẻm thấy chạy túa ra chặn bắt rồi giao kẻ cướp cho công an.

Những con hẻm rồi sẽ theo mật độ đô thị hóa của Cà Mau, có lẽ sẽ dần dà thay đổi hoặc có thể mất đi nhưng tôi biết có một người yêu hẻm đến vô cùng, anh Huỳnh Hoài Hãn (BTV Đài phát thanh truyền hình Cà Mau) đã lang thang tất cả các con hẻm quay, chụp, ghi chép từ trước khi có dự án LIA, anh kể chuyện trên trang facebook tự lập có tên “Cà Mau xưa & nay” (có trên 15 ngàn người theo dõi) bằng hồi ức của hẻm. “Tôi sống trong một con hẻm nhỏ, cả thời ấu thơ, thanh xuân và cho đến bây giờ cuộc đời tôi gắn liền với hẻm, tôi thuộc về những kí ức rất xưa cũ của thành phố. Cà Mau phát triển nhanh quá, mừng lắm và tôi cũng vội lắm, vội để nắm níu ghi lại Cà Mau xưa cho thế hệ sau tôi hình dung đầy đủ về linh hồn thành phố mà những con hẻm ở Cà Mau là điều không thể bỏ qua, tôi vội vì sợ những dấu vết xưa của Cà Mau sẽ dần biết mất rồi mất hẳn. Tôi giữ nó lại cho những thế hệ sau tôi và cho chính cả tôi nữa. Không có điều gì lớn lao cả, chỉ là tôi muốn cảm ơn thành phố của tôi”.

Nguyễn Thị Việt Hà

Tết xa xứ

Tết xa xứ

Một mùa đông tuyết bay mù trời trắng xóa bồng bềnh hình như cứ mỗi năm lại một hiếm hoi xa vắng dần.