Nói một cách khác là phụ nữ cần gì?
Phải nói ngay rằng phụ nữ trong khuôn khổ “cần gì” này là những người đã lập gia đình. Nghĩa là họ đã trưởng thành. Về tâm lý, người phụ nữ khi đã có chồng thì cơ bản họ cần một gia đình ổn định. Đương nhiên người chồng trong cái tổ từ “gia đình” ấy phải là một người có trách nhiệm với vợ con, có nghề nghiệp và không nghiện ngập. Chừng ấy là tương đối đủ.
Nhưng không, nếu sự đời đơn giản theo công thức chuẩn chỉ ấy thì có lẽ xã hội đã không có những bi kịch thời đại với tỷ lệ ly hôn khá cao trong các cặp đôi chồng vợ. Bởi đàn ông được nết này lại hỏng cái khác. Kể cả tính ngay từ các chuẩn kể trên đã là vô cùng.
Trách nhiệm ư? Đó là cả một bến bờ mênh mông chẳng biết thế nào mà lần. Có anh chồng làm ra tiền rất chu đáo khoản kinh tế với gia đình nhưng lại bị chị vợ ỉ eo về vô số thứ khác. Một tiến sĩ trí tuệ thông kim bác cổ nhưng lại cù lần chẳng kiếm chác được bằng anh, bằng em.
Chị có mọi thứ nhưng không có thời gian sống cho riêng mình (Ảnh minh họa). |
Riêng phạm trù nghiện ngập thì lại là cả một câu chuyện dài. Phàm đã là đàn ông thì không nghiện thứ này cũng mê thứ khác. Bó hẹp sự nghiện ngập thôi nhé kẻo lại quá tràn lan. Rượu, trà, thuốc lá, ba thứ ấy chỉ trừ cơ địa không uống được rượu, còn thì cánh đàn ông có lẽ ít người giữ được toàn vẹn không nghiện gì. Riêng tôi thì nghiện tất tần tật và không ít bạn tôi cũng thế.
Anh bạn tôi là một doanh nhân giỏi, ngoại ngữ tốt, đi nước ngoài xoành xoạch. Trên các diễn đàn kinh tế, hay chương trình ti-vi anh xuất hiện thường xuyên. Không trong giới showbiz nhưng anh thuộc loại “vua biết mặt, chúa biết tên”. Biệt thự anh ở, nhiều người mơ ước.
Vợ anh là một cô giáo. Họ có hai đứa con đủ nếp và tẻ, ngoan ngoãn. Anh cũng chẳng la cà trà, rượu, nghiện ngập như cánh tôi. Nhìn bên ngoài đó là một gia đình quá lý tưởng. Sáng, chiều tự anh lái xe đưa đón vợ con đến trường, về nhà. Khi nào đi công tác xa anh mới điều lái xe thay anh.
Thế nào mà đánh đùng một cái vợ anh ra tòa đâm đơn ly dị. Tất cả những người quen thân đều sửng sốt. Mãi sau này một người bạn thân của chị vợ mới tiết lộ: Chị ấy có tất cả mọi thứ từ chồng, từ bản thân… chỉ thiếu một thứ đó là không có một kẽ nào cho chị được sống riêng với cái Tôi của mình. Nếp sống gia đình ấy bị anh chồng lập trình khít khìn khịt. Ui giời....
Hàng xóm nhà tôi có một đôi là dân lao động. Họ thuê nhà. Anh chồng lái xe ôm còn chị vợ bán hoa quả ở chợ đầu mối. Con cái ở quê với ông bà. Tối mịt khi chị vợ về đến nhà lo cơm nước thì anh chồng đã say quoắc cần câu. Chả mấy hôm vợ chồng không cãi vã, điếc tai hàng xóm. Ai cũng ngán ngẩm. Nhưng lạ, là sáng sớm nào cũng thấy anh chồng đèo vợ ra chợ và mặt họ lúc đó hơn hớn tươi như hoa vừa cắt. Có người thắc mắc thì được chị vợ trả lời: “Nhà em nom thế nhưng tốt tính lắm. Mắc mỗi cái tật năm hào rượu là lảm nhảm, còn thì thương vợ thương con hết mực”.
Trường hợp này, tôi nghĩ có lẽ chị vợ dày sức chịu đựng chồng. Họ sống đơn giản. Còn nếu không phải thế thì có giời biết bí quyết bên trong của đôi vợ chồng ấy.
Hai trường hợp tôi biết ở trên thật sự lý do tan hợp của họ không đủ thuyết phục. Phụ nữ cần gì ở người bạn đời? Đó là một câu hỏi hóc búa ngay cả với chính tôi. Rất đơn giản đã cưới nhau hơn 30 năm nhưng thật sự tôi chưa bao giờ biết chính xác vợ tôi cần gì ở mình.
Thề đó là sự thật!
Xung đột sở thích trong hôn nhân: Những câu chuyện chưa bao giờ dứt!
Cuộc chiến tranh chồng vợ thực chất là những xung đột góp lại, trong đó sở thích là xung đột chủ đạo.