Kỳ lạ loài sâu bướm ăn thịt được mệnh danh là “kẻ sưu tập xương”

Loài sâu bướm quý hiếm này thường khoác xác côn trùng chết để xâm nhập và cướp mồi ngay dưới hàm của nhện.

Để tồn tại trong thế giới tự nhiên khắc nghiệt, một loài sâu bướm quý hiếm vừa khiến giới khoa học kinh ngạc với chiến lược sinh tồn độc nhất vô nhị khi khoác lên mình xác côn trùng chết nhằm đánh lừa và cướp mồi ngay trong lãnh thổ của nhện.

Kỳ lạ loài sâu bướm ăn thịt được mệnh danh là “kẻ sưu tập xương”

Loài sâu bướm mới này thuộc chi Hyposmocoma, chỉ được tìm thấy trên sườn núi hẻo lánh ở đảo O'ahu, Hawaii. Với hành vi chưa từng được ghi nhận ở bất kỳ loài sâu bướm nào khác, loài côn trùng này được các nhà khoa học đặt biệt danh là “Kẻ sưu tập xương”. Trong suốt 20 năm nghiên cứu thực địa, chỉ có 62 cá thể được phát hiện, cho thấy đây là một loài cực kỳ quý hiếm và dễ bị tổn thương.

Sâu bướm là giai đoạn ấu trùng của côn trùng thuộc bộ Cánh vảy (Lepidoptera) với đại diện thường thấy là bướm ngày và bướm đêm. Khi trưởng thành, hầu hết các loài côn trùng này chủ yếu ăn thực vật. Những con sâu bướm gặm lá cây cần mẫn là hình ảnh quen thuộc thường thấy.

Các loài ấu trùng ăn thịt rất hiếm. Chỉ 0,1 phần trăm các loài bướm ngày và bướm đêm đã biết có sâu bướm thích ăn các loài động vật khác. Sâu bướm không phải là loài nhanh nhẹn nhất, vì vậy thức ăn của các loài ăn thịt thường bao gồm con mồi di chuyển chậm hoặc cố định như côn trùng vảy bám trên cây, ấu trùng ong bắp cày và kiến, và trứng của các loài côn trùng khác.

Theo nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Daniel Rubinoff, nhà côn trùng học thuộc Đại học Hawaii tại Mānoa, dẫn đầu, loài sâu bướm này không những là loài ăn thịt mà còn ăn thịt chính đồng loại của chúng. Chiến lược của “kẻ sưu tập xương” này là sống gần các mạng nhện, thu thập các bộ phận xác côn trùng không ăn được như chân, cánh, hay lớp da nhện lột để tạo thành “lớp ngụy trang” gắn kết bằng tơ, giúp di chuyển một cách lén lút và an toàn.

Lợi dụng lớp ngụy trang kỳ dị này, loài sâu bướm này lặng lẽ phục kích bên trong mạng nhện để chờ con mồi bị mắc vào lưới. Chúng thậm chí cắn xuyên qua lớp tơ nhện để ăn trộm con mồi mà nhện đã bọc lại để dành. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào sâu bướm bị nhện tấn công, cho thấy chiến lược ngụy trang của chúng có thể rất hiệu quả.

Những
Những "lớp áo choàng" được hình thành nhờ quá trình thu thập của loài sâu bướm này

Trong môi trường phòng thí nghiệm, dù được các nhà nghiên cứu cung cấp nhiều loại mảnh vụn khác nhau để chúng xây tổ, nhưng “kẻ sưu tập xương” này vẫn chỉ lựa chọn các mảnh xác côn trùng hoặc da nhện để xây tổ, hoàn toàn phớt lờ các vật liệu tự nhiên như cành cây, lá hoặc vỏ cây. Khi không có vật liệu phù hợp, chúng từ chối xây tổ, khẳng định sự chọn lọc cao đối với chiến lược sinh tồn của mình.

Một điểm đáng sợ khác là tập tính ăn thịt đồng loại. Trong điều kiện bị nuôi nhốt, loài sâu bướm này sẽ ăn bất kỳ con mồi sống nào di chuyển chậm hoặc bất động. Thậm chí, một con sẵn sàng xé tổ của con kia và ăn thịt kẻ cư ngụ bên trong. Các nhà khoa học cho rằng điều này nhằm giảm sự cạnh tranh, đảm bảo mỗi mạng nhện chỉ có một cá thể sâu bướm xâm nhập.

Nghiên cứu bộ gen của loài sâu bướm, các nhà nghiên cứu phát hiện tổ tiên của loài này đã xuất hiện từ 9 đến 15 triệu năm trước, lâu đời hơn cả hòn đảo Hawaii cổ nhất. Điều này cho thấy “kẻ sưu tập xương” từng có phạm vi phân bố rộng hơn trước khi bị cô lập tại khu vực rừng núi chỉ rộng 15 km² ở O'ahu.

Sự tồn tại mong manh của loài sâu bướm độc nhất này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi quá trình biến đổi môi trường và sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Theo cảnh báo từ giới nghiên cứu, nếu không có hành động bảo tồn cụ thể, nhân loại có thể sẽ mất đi một trong những loài sâu bướm ăn thịt cuối cùng, loài sinh vật độc đáo đã tiến hóa để sống sót ngay giữa lòng mạng nhện.

“Nếu không có sự quan tâm bảo tồn, đại diện cuối cùng còn sót lại của dòng dõi sâu bướm ăn thịt, chuyên thu thập bộ phận cơ thể và đã thích nghi với sự tồn tại bấp bênh giữa các mạng nhện này sẽ biến mất”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trong công bố mới nhất.

TM (theo Science Alert)

Phát hiện hóa thạch loài kiến “địa ngục” 113 triệu năm tuổi

Phát hiện hóa thạch loài kiến “địa ngục” 113 triệu năm tuổi

Theo chuyên gia, hóa thạch này đại diện cho loài kiến cổ xưa nhất từng được biết đến, giúp kéo dài hồ sơ hóa thạch của kiến thêm khoảng 10 triệu năm.