Một lò đốt rác được đầu hơn 2 tỷ đồng ở Hà Tĩnh nhưng vận hành được một tháng thì nằm đắp chiếu và hiện đang đứng trước nguy cơ thành phế thải, theo Dân trí.
Lò đốt rác 2,5 tỷ đồng hoạt động được 1 tháng rồi đắp chiếu đã hơn 2 năm. |
Năm 2017, UBND huyện Đức Thọ làm chủ đầu tư dự án xây dựng lò đốt xử lý rác thải ở bãi Phượng Thành (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) với tổng nguồn vốn đầu tư 6 tỷ đồng, trong đó phí xây lắp chiếm 2,5 tỷ. Theo thiết kế, lò đốt khi đi vào hoạt động sẽ xử lý 24 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày.
Đến cuối tháng 3/2018, lò xử lý rác thải được hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. Công trình sau đó được chủ đầu giao cho Công ty TNHH- Dịch vụ xây dựng Sông La có trụ sở tại huyện Đức Thọ vận hành.
Tuy nhiên, xét theo Quy chuẩn 01/2008 của Bộ Xây dựng, vị trí lò đốt rác này lại không đảm bảo yêu cầu do quá gần khu dân cư (quy định khoảng cách tối thiểu là 500m), cũng như nằm đầu nguồn nước nên người dân không đồng thuận. Do vậy, dự án đi vào hoạt động được một tháng rồi dừng lại cho đến nay.
Ông Đăng Ninh Sành (61 tuổi, trú thôn Đông Xá, xã Đức Hòa) cho rằng, vị trí bãi rác chỉ cách nhà ông khoảng chừng hơn 300m. Năm 2018, hàng chục hộ dân trong thôn đã ra đường chặn xe không cho chở rác vào bãi tập kết vì ô nhiễm quá nghiêm trọng, ruồi muỗi tấn công vào nhà khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, theo Tiền Phong.
Đến nay ruồi giảm do được phun thuốc, nhưng rác thải ngày càng nhiều, chất thành núi, mùi hôi thối nồng nặc.
Tại bãi rác Phượng Thành khối lượng rác khổng lồ chất đống như núi, ngổn ngang, bừa bãi. Riêng dàn máy móc bỏ không đã bong tróc… Việc quy hoạch, xây dựng lò đốt rác tiền tỷ nhưng không mang tính bền vững, lâu dài, chỉ chạy thử nghiệm gây lãng phí.
Đặc biệt, trong những năm qua, lượng rác thải tồn đọng nhiều, chính quyền địa phương phải chi hàng tỷ đồng để thuê vận chuyển rác đi xử lý.
Qua tính toán, trung bình mỗi ngày, toàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thải ra hàng chục tấn rác sinh hoạt. Từ ngày lò đốt ngừng hoạt động, tất cả lượng rác thải trên địa bàn đều được thu gom, vận chuyển tập trung đến tại bãi rác Phượng Thành để chờ xử lý. Giá hợp đồng xử lý và vận chuyển rác thải như hiện nay là gần 1,5 triệu đồng/tấn.
Người dân lo lắng lò đốt rác không được bảo quản sẽ bị hư hỏng và biến thành phế thải. |
Phó trưởng phòng TN&MT cho hay, hiện tại ở bãi rác Phượng Thành còn tồn đọng khoảng 2.000 tấn rác thải từ năm 2018 đến nay. Đối với lượng rác tồn đọng từ nhiều năm vẫn chưa thể xử lý, bà Bình cho rằng nguyên nhân là do mấy năm qua lò rác không hoạt động mà thuê vận chuyển đi xử lý rất xa.
“Dù đã có hợp đồng nhưng thuê được đơn vị vận chuyển cũng rất khó. Nhiều lúc có kinh phí nhưng phải nài nỉ họ mới đến chở đi xử lý. Riêng trong tháng 6-7, chúng tôi đã thuê xe chở đi xử lý 250 tấn”, bà Bình nói.
Bà Bình lý giải việc lò đốt chỉ mới đưa vào vận hành thử nghiệm đã bỏ không là do công suất, thiết kế của lò đốt không phù hợp với lượng rác thải của huyện, vị trí lò rác không đảm bảo khoảng cách tối tiểu 500m đến nhà dân.
(Tổng hợp)