Lợi thế và khủng hoảng của người viết mang bản sắc kép

“Những ngày Văn học Châu Âu 2024 xuyên (thế) giới” đặt trọng tâm vào văn học giới

Tối 8.5.2024, tại Viện Goethe Hà Nội, đã diễn ra buổi tọa đàm đầy thú vị với một nữ nhà văn người Đức gốc Iran và một nam nhà thơ Mỹ gốc Việt - những người “mang bản sắc kép”.

Buổi tọa đàm có tiêu đề “Văn chương Di dân từ góc nhìn queer & sự hóc búa của bản sắc kép”, là hoạt động trong khuôn khổ “Những ngày Văn học Châu Âu 2024 xuyên (thế) giới” - diễn ra tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh từ ngày 4 - 19.5, được khởi xướng bởi Hiệp hội các tổ chức về văn hóa Châu Âu (EUNIC), với sự tham gia của: Viện Goethe tại Việt Nam, Hội đồng Anh, Viện Cervantes Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Czech cùng các Đại sứ quán: Tây Ban Nha, Italia, Thụy Sĩ, Czech, Ba Lan.

“Những ngày Văn học Châu Âu 2024 xuyên (thế) giới” đặt trọng tâm vào văn học giới, trong đó sẽ giới thiệu những tác phẩm nữ quyền và queer của các nhà văn trẻ, cũng như gợi mở những hướng tiếp cận với các tác phẩm kinh điển của văn chương Châu Âu. Đặc biệt, trong năm nay, “Những ngày Văn học Châu Âu” cũng sẽ khởi xướng những diễn đàn đối thoại cho những nhà văn thuộc dòng ngoại biên của văn chương ở các nước Châu Âu và Việt Nam.

Tại buổi trò chuyện  Viện Goethe Hà Nội tối 8.5, độc giả Việt Nam đã được giới thiệu tới tiểu thuyết đầu tay của Nilufar Karkhiran Khozani - nữ nhà văn người Đức gốc Iran, đồng thời cùng lắng nghe câu chuyện của nhà thơ Mỹ gốc Việt Cát Nguyên - người đã từng làm thơ về những lời chỉ trích “mày là người Việt, mà sao còn không biết tiếng Việt?”. Buổi trò chuyện tạo không gian cho các thảo luận về văn chương di dân từ góc nhìn queer, cũng như những lợi thế và khủng hoảng của người viết mang trong mình bản sắc kép.

Tại tọa đàm “Văn chương Di dân từ góc nhìn queer & sự hóc búa của bản sắc kép”: Từ trái sang: TS Quyên Nguyễn, nhà văn Nilufar Karkhiran Khozani và nhà thơ Cát Nguyên. Ảnh: L.Q.V
Tại tọa đàm “Văn chương Di dân từ góc nhìn queer & sự hóc búa của bản sắc kép”: Từ trái sang: TS Quyên Nguyễn, nhà văn Nilufar Karkhiran Khozani và nhà thơ Cát Nguyên. Ảnh: L.Q.V

Buổi tọa đàm được điều phối bởi Quyên Nguyễn (sinh năm 1984) - Tiến sĩ văn học Anh và là một nhà nghiên cứu và phê bình độc lập, đồng thời là dịch giả từ tiếng Anh sang tiếng Việt với các tác phẩm đã chuyển ngữ, gồm: “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” của Raymond Carver (đồng dịch giả), “Chuộc tội” của Ian McEwan, “Middlesex” của Jeffrey Eugenides. Quyên Nguyễn cũng là người đồng sáng lập trang web văn chương Zzz Review phi lợi nhuận ở Việt Nam.

Nilufar Karkhiran Khozani sinh năm 1983 tại Giessen (Đức), có bố mẹ là người gốc Iran, đã theo học ngành Văn học so sánh và Tâm lý học, đồng thời hoàn thành khóa đào tạo nhà trị liệu nhận thức hành vi. Vào năm 2020, tác phẩm thơ “Romance Would Be a Very Fine Bonus Indeed” của Nilufar đã được NXB Resonar xuất bản. Cùng năm đó, cô là nghệ sĩ lưu trú tại festival Prosanova và dịch kịch bản “Town Bloody Hall” cho bộ phim “Als Susan Sontag im Publikum saß” (Khi Susan Sontag ngồi trong khán giả) của RP Kahl sang tiếng Đức.

Trong nhiều năm qua, Nilufar đã thường xuyên đi lại giữa nước Đức - nơi cô sinh ra và lớn lên, và Iran - quê gốc xa xôi. Việc đứng giữa hai nền văn hóa đóng vai trò quan trọng hình thành nên con người và sáng tác của Nilufar, do vậy, các sáng tác của cô thường đề cập tới những vấn đề về căn tính, xung đột gia đình trong bối cảnh đa văn hóa. Năm 2023, tiểu thuyết đầu tay của cô, “Terafik”, được NXB Blessing xuất bản. “Terakif” đặt ra những suy ngẫm về sự xung đột này.

Nữ nhà văn Nilufar Karkhiran Khozani giới thiệu cuốn tiểu thuyết đầu tay “Terafik”. Ảnh: L.Q.V 
Nữ nhà văn Nilufar Karkhiran Khozani giới thiệu cuốn tiểu thuyết đầu tay “Terafik”. Ảnh: L.Q.V 

Bàn về văn chương di dân, nhà văn nổi tiếng Salman Rushdie từng chiêm nghiệm: “Hành động di cư đặt mọi thứ về cá nhân hoặc nhóm di cư, mọi thứ về bản sắc, cá tính và văn hóa cùng niềm tin vào tình trạng khủng hoảng”. Đó cũng chính là trải nghiệm của nhân vật chính Nilufar trong cuốn tiểu thuyết hư cấu “Terafik”, kể về chuyến đi Iran để thăm gia đình và những người họ hàng mà cô không hề quen biết. Do lớn lên ở Đức với mẹ, sau khi bị người bố bỏ lại và không hề biết tiếng Ba Tư, nên Nilufar luôn cảm thấy sự tồn tại của mình khá lạc lõng và tạm thời - như thể cô không hẳn thuộc về Berlin, mà cũng không thuộc về Tehran.

Trong năm tiếp theo, bài tiểu luận của cô về các cuộc biểu tình tại Iran, "In Schatten gebannt", đã được đề cử giải thưởng văn học Wortmeldungen Ulrike Crespo. Nilufar hiện sinh sống tại Berlin.

Lưu Cát Nguyên có ba mẹ là người gốc Sài Gòn, sinh năm 1996, và lớn lên ở Hoa Kỳ, là một người kể chuyện queer và phi nhị nguyên giới, đồng thời là một hiện thân sống của những gì chiến tranh để lại. Anh là nhà thơ thể nghiệm, nghệ sĩ trình diễn. Sau đó, Cát Nguyên đã dành nhiều năm ngắm lá vàng khô giòn rơi rụng ở hai thành phố Paris (Pháp) và Berlin (Đức), rồi bắt đầu khám phá nguồn gốc cũ, và gieo những gốc rễ mới của mình ở Việt Nam. Sau một thời gian ngắn sống tại Hà Nội, sắp tới, Cát Nguyên sẽ chuyển vào ở TP.Hồ Chí Minh.

Diễn giả Cát Nguyên trình diễn thơ, trong đó có đoạn “Việt Nam là thuốc của tôi. Tôi có nền tảng để trưởng thành…”. Ảnh: L.Q.V   
Diễn giả Cát Nguyên trình diễn thơ, trong đó có đoạn Việt Nam là thuốc của tôi. Tôi có nền tảng để trưởng thành…”. Ảnh: L.Q.V   

Vào năm 2023, cát nguyên đã ra mắt cuốn zine đầu tay “returning to where i’ve never been” (tên tác giả và tên tác phẩm ghi như vậy trên cuốn sách). Anh còn đồng sáng lập nhóm chữ cháy - một không gian phi vật lý để tưởng tượng và thử nghiệm với thơ và chữ, đồng thời hỗ trợ các cây viết Việt Nam và hải ngoại để kết nối họ cùng nhau trải nghiệm chữ viết và nuôi giữ ngọn lửa viết thông qua các chương trình.

Tại buổi tọa đàm, với tâm trạng của người con trong một gia đình nhập cư, Nilufar đã giãi bày: “Tại Đức, tôi thấy nhiều sự trái khoáy trong xã hội, đồng thời phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc, nên luôn tự nhủ phải tự câm lặng để sống. Tôi luôn cảm thấy thiếu cảm giác, khái niệm về quê hương, vì thấy nhiều nét lạ lẫm nơi quê nhà. Nhưng khi về tới Iran, lại thấy lóe lên ý nghĩ, rằng hình như mình cũng có chút liên quan nào đó đến Iran. Dù vậy, khi về quê, tôi thấy mình như một đứa trẻ con và nghĩ rằng, sẽ không thể sống đúng với bản năng của mình. Tôi luôn chỉ mong sống một cuộc sống không bị kỳ thị, không bị tống ra khỏi xã hội này. Ở Berlin, tôi thấy sống thoải mái hơn…”.

Còn với Cát Nguyên - người sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tới lúc 23 tuổi thì đến Pháp và Đức - chia sẻ: “Hồi ở Mỹ, đã có lần tôi bị một nhóm người da trắng dè bỉu, ném chai lọ vào mình, nên khi tới Pháp, vẫn rất lo sợ vì sự an toàn cho bản thân. Ở phương Tây, dù đã có luật chống kỳ thị, nhưng thực tế lại khác. Với những người di cư, điều bất an là việc liệu người bản địa có chấp nhận mình? Tôi thấy ngạc nhiên vì sự phân biệt chủng tộc ở nhiều nơi với người Châu Á, nên đã quyết định về Việt Nam.

Ban đầu về Việt Nam, tôi cũng thấy hơi lo nhiều điều, sau thấy bình thường. Việc ở Mỹ trước đây đã bị một số người dè bỉu “là người Việt, sao không biết nói tiếng Việt?”, tôi cũng cảm thấy xấu hổ. Nay thì tôi vui hơn, vì sau hơn một năm ở Việt Nam, đã tương đối nói sõi được tiếng Việt. Theo tôi, ở đâu thấy ấm cúng, thì ở đó là quê hương…”.

Cũng trong khuôn khổ “Những ngày Văn học Châu Âu 2024 xuyên (thế) giới”, tại Viện Goethe Hà Nội trong ngày 11.5 còn có 2 hoạt động: Lúc 9h là workshop “Kết truyện - Tìm kiếm các cách kết truyện cho nhân vật queer” (workshop Viết sáng tạo với Nilufar Karkhiran Khozani - nữ nhà văn người Đức gốc Iran - cho tác giả trẻ, do Viện Goethe Hà Nội và Zzz Review tổ chức). Tiếp đó, vào lúc 18h, là tọa đàm “Sức mạnh của lời: Tiếng nói queer xuyên biên giới”, với sự góp mặt của 3 diễn giả: Nilufar Karkhiran Khozani - nhà văn người Đức gốc Iran, Jayrôme Robinet - nhà văn, dịch giả, nghệ sĩ diễn đọc người Pháp và Nhung Dinh - nghệ sĩ, giám tuyển và nhà làm phim queer. Điều phối chương trình là anh Chu Thanh Hà - sáng lập viên kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức cộng đồng IT'S T TIME (đơn vị hiện hỗ trợ kỹ thuật và tham vấn cho Ban Soạn thảo Luật trong tiến trình soạn thảo Luật Chuyển đổi giới tính).

Lê Quang Vinh

Toạ đàm “Kết nối Văn hoá Ấn Độ và Việt Nam”

Toạ đàm “Kết nối Văn hoá Ấn Độ và Việt Nam”

Ngày 18/10/2022, Toạ đàm “Kết nối Văn hoá Ấn Độ và Việt Nam” vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hoá Swami Vivekananda.