"Tranh cướp" cổ phiếu FLC trước nghi vấn có mục đích thâu tóm. Lực cầu tăng mạnh khiến "họ" cổ phiếu FLC nhanh chóng tăng kịch biên độ.
Thanh khoản tại FLC cũng như các mã còn lại đều khiêm tốn hơn đáng kể so với phiên giao dịch "khủng" hôm thứ 6 tuần trước. Phiên này, FLC khớp lệnh xấp xỉ 13 triệu cổ phiếu; ROS khớp lệnh 14,5 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt bán ròng tại các mã này. Riêng tại FLC, khối ngoại bán ròng 231.000 đơn vị và bán ròng 124.200 đơn vị tại ROS.
Nhà đầu tư "tranh mua" cổ phiếu FLC trong bối cảnh lãnh đạo tập đoàn này cách đây vài ngày nói về diễn biến phiên giao dịch ngày 1/4.
Trước đó, vào chiều 1/4, Tập đoàn FLC bất ngờ có văn bản do ông Đặng Tất Thắng - tân Chủ tịch Hội đồng quản trị ký - gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Theo nội dung văn bản, phía doanh nghiệp cho biết phát sinh nhiều dấu hiệu bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC.
Cụ thể, trong phiên giao dịch, FLC được khớp lệnh với khối lượng đột biến hơn 100 triệu đơn vị. Còn trước phiên giao dịch, vào tối 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin giả về việc ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC.
Lãnh đạo FLC đặt vấn đề: "Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, làm mất an ninh, an toàn của thị trường, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin với TTCK của nhiều nhà đầu tư".
Theo đó, phía FLC đề nghị UBCKNN và HoSE ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019 (bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp) tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
FLC và ROS đạt được trạng thái tăng ngay đầu phiên, lần lượt tăng trần lên 11.600 đồng và 7.400 đồng/cổ phiếu. HAI tăng trần 7% lên 5.820 đồng; AMD tăng trần 7% lên 6.130 đồng; KLF tăng trần 9,1% lên 6.000 đồng và ART tăng trần 9,1% lên 9.600 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, các mã này đều được hấp thụ hết sạch lệnh bán, dư mua giá trần lớn. Dư mua giá trần tại FLC còn 10,6 triệu đơn vị, tại ROS là 4,4 triệu đơn vị; tại HAI là 1,3 triệu đơn vị; tại AMD là 1,4 triệu đơn vị…
Tổng Hợp