Chiều 7/1, Sở Y tế cho biết lực lượng quân y chi viện sẽ rời thành phố trước Tết âm lịch, các trạm y tế lưu động vẫn được duy trì bằng nhân sự địa phương. Theo Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai, kế hoạch rút quân được Bộ Quốc phòng và thành phố bàn bạc từ một tháng trước và "đã nằm trong kịch bản".
"Vai trò của lực lượng quân y được đánh giá rất cao, nhất là trong việc vận hành các trạm y tế lưu động, như chăm sóc, cấp phát thuốc, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, phát hiện nhiều trường hợp trở nặng để chuyển viện kịp thời", bà Mai cho hay.
Hiện nay, khi số F0 mới và số ca tử vong tại thành phố đã giảm, lực lượng quân y sẽ rút đi theo kế hoạch để hỗ trợ các tỉnh khác.
Sở Y tế đã tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương sắp xếp lại các trạm, trên tinh thần tận dụng tất các các nhân viên y tế trên địa bàn quận, huyện. Sở Y tế sẽ cử nhân viên y tế các bệnh viện, trung tâm y tế hỗ trợ duy trì các trạm y tế lưu động. Đồng thời kêu gọi sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân như các bệnh viện, phòng khám tư, nhà thuốc.
Đã có hơn 2.300 trong số 6.500 đơn vị trên toàn thành phố cùng tham gia phòng chống dịch, như hỗ trợ, giám sát các trạm y tế tư vấn hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo chống dịch TP HCM, cho biết thêm vì đã chủ động chuẩn bị trước nên thành phố giao ngay cho Bộ tư lệnh thành phố là lực lượng chủ lực, đề xuất cùng Quân khu 7 giúp vận hành trạm y tế lưu động.
Thành phố còn có 430 bác sĩ mới tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y dược TP HCM sẽ về thực tập tại các trạm y tế phường xã. Ngoài ra, hội Chữ thập đỏ, Đông y, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành sẽ cùng xây dựng thế trận y tế để sẵn sàng ứng phó với biến chủng Omicron cũng như tình huống dịch bệnh mới khi các lực lượng chi viện rút quân.
TP.HCM thêm 5 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron
Trước đó, TP.HCM đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, đều là các ca nhập cảnh.