Lượng hàng hóa về TP.HCM bắt đầu tăng mạnh

Sở Công thương TP.HCM dự báo từ nay đến 23 tháng Chạp Âm lịch, lượng hàng hóa sẽ tăng gấp 1,5 lần và sau đó sẽ tăng nhiều hơn.

Thông tin được bà Nguyễn Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 17/1.

Theo bà Nguyễn Kim Ngọc, hiện cả 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức) đã hoạt động trở lại ổn định. Lượng hàng hóa về các chợ này hiện tương đối ổn định, gần như trở lại bình thường so với thời điểm trước dịch.

cho-tphcm.jpg
Đại diện Sở Công thương TP.HCM khẳng định, nguồn hàng cung ứng đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết, ngay cả trong tình huống nhu cầu tăng đột biến.

Sở Công thương cũng TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp bình ổn, chợ đầu mối, hệ thống phân phối hiện đại để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho người dân dịp Tết Nguyên đán 2022.

Theo thông tin mới nhất từ Sở Công Thương TP.HCM, chương trình bình ổn thị trường năm 2022-2023 sẽ không chỉ triển khai trên địa bàn TP.HCM mà còn hỗ trợ các tỉnh, thành Đông - Tây Nam.

Theo đó, các doanh nghiệp tham gia chường trình này tiếp tục nằm trong 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; sữa; các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang, nước súc họng, nước rửa tay sát khuẩn, găng tay, kính chống giọt bắn...

Những DN khi tham gia bình ổn thị trường sẽ được ưu tiên kết nối ngân hàng, tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi để vay vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường thành phố. Đồng thời, các DN này cũng sẽ được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa các mặt hàng bình ổn thị trường; hỗ trợ liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp… để ứng vốn, hợp tác sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tại TP.HCM và các tỉnh, thành.

Các DN được hỗ trợ kết nối, ưu tiên giới thiệu mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; được kết nối để cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến những nơi có nhu cầu như chợ truyền thống, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể...

Đ.KHẢI

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương