Có thời gian tôi đùng đùng mở quán cà phê, bỏ cả đống tiền ra để ngồi lau bàn thu bạc cắc. Nhưng mà vui, học được bao nhiêu điều.
Ngay bên cạnh quán là một cửa hàng quần áo Made in Vietnam. Thương hiệu này đã được định dạng rồi, là quần áo xuất khẩu “lỗi”, hoặc thừa size thiếu size, hoặc hàng “tuồn” (tức là hàng hiệu được sản xuất ở các nhà máy Việt Nam, công nhân tuồn ra ngoài bán giá rẻ). Nghĩa là chất lượng tốt, giá bình dân.
Đều đặn cuối tuần, quán tôi tiếp chỉ một đối tượng khách: Những ông bố trông con.
Một gia đình, sau khi ăn sáng đâu đó, sẽ ghé quán tôi, gọi một cốc cà phê cho bố, đôi món sinh tố hoặc nước ép hoa quả cho bọn trẻ. Rồi bố ngồi đọc sách, hoặc lướt facebook. Bọn trẻ lôi sách ra đọc, vẽ, tô màu, hay đơn giản là được quẳng cho cái ipad ngồi cắm cúi chơi game.
Trong lúc đó, những bà mẹ sẽ lượn sang hàng quần áo Made in Vietnam. Chừng non tiếng sau, bà mẹ trở về, với túi lớn túi nhỏ, lôi ra nào áo nào quần, nào giầy dép, mũ nón. Bà sẽ ướm thử, hoặc bắt chồng con mặc thử. Rồi xuýt xoa khen vừa, khen đẹp, và nhất là khen rẻ. Một cái áo khoác dày, giá chỉ có dăm trăm nghìn, hay một chiếc quần bò, hơi lỗi một tí ở khuy hay gấu, giá rẻ bằng một nửa.
Tôi không thấy những ông bố và đàn con vui vẻ là mấy những khi ấy, dù họ được mua đồ mới. Họ thử đồ uể oải, không bao giờ chê, không bao giờ phản đối. Sau đó, ông bố tính tiền nước, và cả nhà đi về, trong tiếng xuýt xoa của bà mẹ.
Tuần nào cũng thế, thành quen. Tôi gọi vui, đó là những cuộc mua sắm Tổng-động-viên.
Và tôi nhận ra một điều, gần như không bao giờ các bà mẹ mua đồ cho mình ở cửa hàng Made in Vietnam cả. Nếu có, chỉ là vài món rất lặt vặt. Ban đầu, tôi cho đó là sự tần tảo, cần kiệm, vun vén thường có của người phụ nữ nước mình. Nhưng sau mới biết mình nhầm, Made in Vietnam không phải là nơi mà phụ nữ có thể mua đồ.
Phụ nữ hiện đại, đồ công sở nếu không phải những thương hiệu ngoại nhập đắt tiền, thì mèng ra cũng phải là thương hiệu có đẳng cấp ở trong nước. Nhất là giày dép, túi xách, thì càng không thể là hàng “tuồn”, hàng “lỗi”. Mà những món đó, không bao giờ mua được ở Made in Vietnam. Phải là những shop trên phố, trong các trung tâm thương mại sáng choang, nơi mà mỗi cuộc shopping trị giá nhiều triệu đồng.
Đấy là một câu chuyện thực tế, không nên phân tích đúng sai tốt xấu làm gì. Shopping - gần như là thứ duy nhất khiến phụ nữ móc hầu bao không mấy đắn đo, cũng có thể nói là góc duy nhất trong cuộc sống họ dám ưu tiên chính bản thân mình. Nên xét ở góc độ nào đó, nên khuyến khích.
Chỉ có điều, ngoài những phút vung tay cho thời trang, thì các chị em lại chặt chẽ nhiều khi quá lắm, với xã hội.
Hãy theo chân một người phụ nữ đi chợ (phải là đi chợ nhé, bởi vì đi siêu thị thì giá luôn cao hơn, và không thể mặc cả), bạn sẽ thấy rằng, sự mặc cả vốn là một kỹ năng thần thánh, mà Thượng đế đã hoặc là ưu ái hoặc là trừng phạt, chọn trao cho phụ nữ.
Một cân thịt sẽ phải được mặc cả đến từng nghìn, rồi lại quy ra gram, sau đó là quy ra nghìn (người buôn bán thường gọi là “giá”, mỗi 1.000 đồng là một giá). Sau đó cái một nghìn mặc cả được từ hàng thịt, sẽ được quy ra rau. Tất nhiên, rau cũng cần được mặc cả, và trong trường hợp xấu nhất, thì sẽ được quy ra những món bốc thêm. Thêm một quả chanh, thêm vài quả ớt, thêm mớ rau mùi…
Một cuộc đi chợ, có thể kéo dài đến đôi giờ đồng hồ, chủ yếu cho việc nâng lên đặt xuống, vòng đi vòng lại, và bớt một thêm hai.
Hãy tin tôi, mặc cả là một khoái cảm, và giá trị hoàn toàn không nằm ở việc cuối cùng bà nội trợ sẽ bớt được bao nhiêu tiền. Vấn đề là bà đã bớt được, vậy thôi.
À và rồi, những nhãn hàng đánh vào tâm lý đó, với những chiêu khuyến mãi cao thủ. Mua hai chai nước mắm thì được tặng một bát ăn cơm. Mua một cây lau nhà được tặng một lọ nước rửa bát. Mua trên 500 nghìn sẽ được quyền... mua thêm 1 lô nước ngọt với giá giảm một nửa. Cứ như vậy, rất nhiều gia đình trở thành nhà kho của các siêu thị, với những món đồ không biết khi nào mới dùng đến. Nhưng đó chính là hệ quả của tâm lý mặc cả: phải được lợi hơn giá niêm yết.
Và cuối cùng thì, sự mặc cả ăn mòn cả những suy tính logic đơn giản nhất, đó là khi sự tiện lợi hay tính hữu ích được xếp sau những phần trăm giảm giá.
Đầu xuân năm ngoái, anh bạn cùng cơ quan tôi bỗng xin nghỉ phép, đưa cả nhà đi... Sầm Sơn nghỉ dưỡng. Biển vẫn lạnh, thậm chí không thể tắm trong bể bơi của resort. Nhưng vấn đề là vợ anh nằng nặc đòi đi, bởi vì chị mua được coupon giảm giá 50% của resort đó. Vậy là kỳ nghỉ lẽ ra vào mùa hè, được đổi lên mùa xuân, sau Tết. Cả nhà co ro cúm rúm trong phòng hạng sang, ăn mỳ gói, và xem TV.
Sau đận đó, cả gia đình bốn người đã phải ngồi lại và cùng đưa ra nghị quyết. Mẹ vẫn sẽ được shopping, nhưng một năm chỉ hai lần thôi, vào hai thời gian chuyển mùa nóng - lạnh. Quần áo của bố và các con thì cứ Made in Vietnam mà mua, không sao cả. Nhưng nghỉ hè, thì nhất định là sẽ đi biển, hoặc ngược lại - chỉ đi biển vào mùa hè mà thôi.
Em vẫn sẽ được mặc cả khi đi chợ - bạn tôi cười bảo vợ - nhưng mỗi 30 phút em về sớm hơn, em sẽ được anh khuyến mãi cho một cái hôn.
Tất nhiên là chị vợ đồng ý. Sau đấy, hình như là họ hôn nhau nhiều hơn.
Bao giờ đàn bà bớt khổ?
Xuất phát từ bản năng lo toan, ý thức sở hữu, phụ nữ đôi khi chẳng dành cho mình nhưng phải là của con khi chả may mình về cõi khác.