Từ thành phố Kon Tum, rẽ về hướng Kon Rẫy, vượt đường đèo chừng dăm chục cây số, chúng tôi nhắm chạy đến thị trấn Măng Đen.
Tháng chạp mùa khô, mùa dã quỳ Tây Nguyên nay chỉ còn trong sách vở. Thảm dã quỳ vàng xưa đã bị đóng khung, chỉ viền quanh ký ức đường xa ngày cũ. Dã quỳ nay loáng thoáng vài vạt vàng tươi trên lối xe qua, như lời chào quen mà nhát gừng, bởi con đường 24 đã san mở ra hết cỡ.
Cứ thế con đèo ngược nguồn sông Đắk Bla về Đăk Rve. Cung đường uốn lượn, lúc cao lúc thấp. Núi đồi trải dài, nhấp nhô loang lổ đậm nhạt màu đất bazan, dưới những bóng mây vùn vụt trôi không tiền khoáng hậu.
Không còn bị mây mù cùng những đám hơi nước quẩn quanh dưới thung lũng khống chế, trên vùng đất cao Kon Tum có mặt trời thống trị. Mặt trời vuông, tối giản họa tiết. Mặt trời tám cánh kỷ hà, đã ghi danh trên chiêng ché, trên ghè rượu cần xa xưa đang chói lói trên đầu. Mặt trời quăng lên bề mặt cao nguyên những mảng màu bạo dạn tương phản. Quá đã với nắng Tây Nguyên. Mùa khô đang trải khắp những mảng màu nhìn không biết chán, như bức tranh rộng dài phi kích thước, dưới những nhát cọ một tay hoạ sỹ điên khùng.
Độ cao tuyệt đối tăng dần. Con đường như bị hút ngược lên bầu trời không một bóng mây. Xe chạy chậm. Tất cả các cửa kính được hạ xuống cho bầu không khí tươi trên cao ùa vào mát lạnh từng chân tóc. Phố núi im lìm ngủ trưa giữa rừng thông, dưới đáy trời xanh thắm. Có thể nhận ra mùi nhựa thơm dịu hắc của loài thông hai lá đang tràn ngập lá phổi, khiến người ta liên tưởng đến các khu rừng lá kim phương Bắc xa xôi trong thơ Êxênhin hay bút ký đi săn của Tuocgheniev. Thông bao bọc, chiếm lĩnh hầu như toàn bộ bên trong và vùng ngoại vi thị trấn. Thông từ Măng Đen trải dài xanh ngặt, tiếp nối với rừng quốc gia Kon Chưrăng.
Xe chạy chầm chậm qua những ngôi biệt thự bỏ hoang. Những biệt thự mọc lên, được chính quyền khuyến khích bằng chính sách cấp đất ưu đãi, nhằm biến Măng Đen thành một thị trấn du lịch nghỉ mát. Hiệu quả chưa như mong muốn, nhiều chủ đầu tư không đủ lực, chỉ xây thô giữ đất mà không đủ kinh phí hoàn thiện. Dãy biệt thự phủ rêu ẩn hiện giữa lòng phố thị vắng vẻ, mang đến một vẻ liêu trai khá hấp dẫn đối với những kẻ thích phiêu du lãng mạn.
Tới khách sạn Hoa Sim thấy một đám khách đông, ông chủ đã chuẩn bị một đống củi chụm để đốt lửa trại ban đêm nhảy múa. Mấy anh lính già vốn không thích ồn ào đành lui xe tìm nơi nghỉ khác. Vào trại Thực nghiệm nông nghiệp thăm mấy đứa cháu như đã hẹn.
Con hổ mang chúa đen sì dài cỡ 2m đang trườn qua đường. Phanh gấp! Con rắn quăng sang vệ đường, bạnh cổ phì lại cái xe quấy rối rồi biến mất. Một con chồn lớn với chiếc đuôi bông trắng vụt qua như ảo ảnh trên các cành thông. Thật thú vị và may mắn khi gặp các chủ nhân đích thực của núi rừng Kon Plong vẫn còn hiện diện.
Trời đổ lạnh. Gió lùa thông thống dọc đường vọng tiếng thông reo. Xuống xe đi bộ dưới tán rừng, biết thấm thía câu miền xa lời gió vang thông ngàn. Trại Thực nghiệm, bây giờ đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Kon Tum. Vài ngôi nhà đúc beton nhỏ sơn trắng làm phòng thí nghiệm, thêm mấy lán mái tôn xanh bên hàng cây hông.
Đèn hành lang đã bật sáng trong buổi chiều xuống nhanh. Trại Thực nghiệm giống như một hiện thân của nông trường XHCN, lẻ loi lọt thỏm giữa hoang vu.
Các cháu công nhân, kỹ sư sinh học nông trường đón khách quen bằng món gà nướng tiêu rừng truyền thống. Tiêu rừng là loại cây thân mộc, không phải thân leo. Những trái tiêu rừng xanh ngắt đâm muối, thơm cay thấm trong từng miếng gà nướng than hoa nóng, dịu lại qua hơi rượu ngâm củ sâm dây đắng ngọt. Một bàn ăn ngoài trời bên đống lửa đượm than hổng, giữa những người trẻ tuổi vô tư và cống hiến, trong một chiều lạnh có màn sương sữa la đà, hỏi đời còn gì thú hơn?
Hôm sau, chúng tôi đi viếng tượng Đức Mẹ sầu bi Măng Đen dưới tán rừng dẻ già. Không gian vắng vì không phải ngày Vọng. Thông tin cũng vắng teo. Về "sợt Gúc", thấy nghe kể rằng tượng Đức Mẹ bằng bê tông cốt thép, được dựng ở đây năm 1971 do trực thăng cẩu lên. Trong những trận giao tranh, bức tượng bị hư hại do hỏa lực đôi bên. Quân tới quân lui, rồi sau năm 1975, bức tượng bị bỏ hoang phế giữa rừng thẳm.
Một người bên lương phát hiện bức tượng bị cụt đầu, cụt đôi tay năm 1987. Một người công giáo tên Hoàng bỏ công làm lại và gắn phần đầu cho bức tượng. Nhưng đôi tay không thể nào gắn được. Từ đó người ta lấy vải quấn vào đôi tay Mẹ cụt, như băng cho người bị thương, mỗi lúc một màu. Và bây giờ "Các con là tay của Mẹ".
Tôi là kẻ ngoại đạo, đi viếng Đức Mẹ như một điểm du lịch, nhưng lòng bỗng khá ngậm ngùi. Người lính cũ nhớ bài hát cũ Hoa cài mái tóc: "Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc. Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình. Lệ nhạt nhòa đôi mắt long lanh. Nghe tin con vẫn còn ngày xanh..."
Có một chú em người Sài Gòn đi phượt một mình, gặp chúng tôi dưới chân Đức Mẹ. Em xòe tay khoe một nắm hạt dẻ nhặt được dưới tán rừng. Trong một trải nghiệm buồn, anh lính bỗng nhìn thấy nắm hạt dẻ kia như một nắm đầu đạn carbine.
Chiều nay sẽ rang một ít đầu đạn, chia cho mấy anh lính già hội bia Quan Thánh cùng gặm nhấm.
Một rừng thông, một bức tượng, và một lớp trẻ trí thức trong rừng không vụ lợi, có khi nào lại quan hệ với nhau trong một xã hội không màu dù được định danh, khi chúng tôi quay lại Kon Plong lần thứ hai?
Người ta chặt hạ rừng xà nu nguyên sinh để làm gì? Để làm sân vận động, tất nhiên là theo đúng quy trình.
Huyện Kon P'long có 9 xã với hơn 2 vạn đồng bào. Riêng thị trấn ma Kon P'long chỉ có hơn 2000 dân, chủ yếu là cán bộ người Kinh trong các sở ban ngành và dân buôn bán nhỏ, làm dịch vụ.
Người ta đã làm một sân vận động bỏ không.
Một cách tổng quát: Sân vận động này thừa sức chứa dân số của cả huyện, nếu họ bỏ nương rẫy, trâu bò, chịu khó vượt hàng chục km đường rừng núi lên huyện đi mít tinh, bầu cử quốc hội hay xem bóng đá.
Rừng thông, rừng “xà nu” không nằm trong tầm đại bác của giặc như câu chuyện cũ, nhưng rừng vẫn ngã xuống trong tầm quy hoạch mới, những quy hoạch trí tuệ cao tầm hơn đại bác.
Dĩ nhiên, kèm theo bài viết là những tấm hình.
Hãy giữ lại thiên nhiên, hãy giữ lại rừng “xà nu” Măng Đen, hỡi các quý ông quý bà có trách nhiệm!
Bộ ảnh du lịch "Hành trình nhuộm da" của gia đình trẻ thu hút cư dân mạng
Những bức ảnh lấy bối cảnh ở vùng đất đầy nắng và gió Ninh Thuận khá bình dị, đơn sơ nhưng lại rất cuốn hút.