Năm 2022 vẫn sẽ là năm đầy khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp bất động sản phía Nam

Năm 2022 vẫn sẽ là năm đầy khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp bất động sản phía Nam. Đó là chưa kể đến, trong năm qua chính bởi ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm mất cân bằng giữa cung – cầu, đẩy giá bất động sản lên cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì gia tăng tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại sẽ làm thị trường bị nhiễu loạn giống như câu chuyện của năm 2021.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản cuối năm 2021 không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu trong năm 2022 và thời gian tới dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.

Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn. Thị trường bất động sản phía Nam trong năm 2021 vẫn nhận thấy những cơ hội nhất định, như nhu cầu sở hữu bất động sản vẫn tăng cao, trong đó, nhu cầu sở hữu các sản phẩm có không gian “thở” ở những khu vực vùng ven, hay là sự đầu tư tập trung phát triển các dự án mang tính nâng cao sức khỏe và hệ thống tiện ích đa dạng của các chủ đầu tư, tạo nhiều sản phẩm chất lượng cho khách hàng.

chuyên gia, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn từ năm 2022 - 2023, các nước trên thế giới và Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng nhưng nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy, đầu tư chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong 2022 - 2023.

Tuy nhiên, TS. Sử Ngọc Khương cũng chỉ ra những rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý trong giai đoạn này. Cụ thể, trong trường hợp nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế, thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. “Riêng về thị trường bất động sản nhà ở thì khó có thể giảm, bởi vì nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua rất thiếu ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt là phân khúc giá trị vừa phải và trung cấp”, TS. Sử Ngọc Khương nhìn nhận.

Bên cạnh đó, để tận dụng những lợi thế của thị trường, cũng như tránh những rủi ro không đáng có, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đã đưa ra một số lời khuyên cho các nhà đầu tư có nhu cầu muốn đầu tư vào bất động sản trong thời gian tới, ông cho rằng, nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư cần cân nhắc lại phương án kinh doanh và giảm kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước. “Nhà đầu tư cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm sử dụng đòn bẩy tài chính, vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi quá lâu thì công việc lướt sóng của nhà đầu tư sẽ bị hạn chế bởi vì tiền lãi tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi”, TS. Sử Ngọc Khương nói.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Việt Nam nhìn nhận, thị trường bất động sản năm 2021 đã trải qua nhiều biến động, trong đó, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt của thị trường, từ nguồn cung mới đến sức mua đều suy giảm so với năm 2020. Điển hình, căn hộ tại TP.HCM năm 2021 ước khoảng 15.000 căn, giảm khoảng 15% so với năm 2020 (hơn 17.500 căn), sức mua trung bình trên nguồn cung mới năm 2021 cũng sụt giảm khoảng 60 - 70% mỗi quý.

Chưa kể, tỷ lệ phân hạng căn hộ vẫn còn nhiều bất ổn, khi thiếu vắng loại hình căn hộ vừa túi tiền, trong khi căn hộ hạng A và hạng sang vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Từ dịch bệnh COVID-19, có thể thấy cần phải tổ chức lại không gian đô thị và nhà ở cho người có thu nhập khiêm tốn (nhà ở vừa túi tiền).

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, ông Hoàng cho rằng, đây là phân khúc bước sang năm thứ 3 đối mặt với nhiều khó khăn thách thức (sức tiêu thụ rất thấp), trong khi các hoạt động du lịch chưa phục hồi do COVID-19 (đặc biệt là khả năng đón khách quốc tế). Hay vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM) mới đây với mức giá kỷ lục đã khiến giá đất tại khu vực này tăng đột biến, có sự bất ổn về mặt bằng giá đất trên thị trường.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng, về cơ bản, thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế nói chung. Với chủ trương của Nghị quyết 128/2021, mức độ phục hồi đang rất khả quan. “Dự báo trong năm 2022, nếu tình hình không có những biến động nghiêm trọng về dịch bệnh, thị trường sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2021 cả về nguồn cung mới lẫn sức mua. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức rất lớn như, dịch bệnh, giá đất tăng, mất cân bằng cung cầu,... sẽ đan xen với những lực đẩy của thị trường”, ông Nguyễn Hoàng chia sẻ.

Tổng Hợp