Nam Bộ từ vốn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, phong phú về lịch sử, đa dạng về tộc người và tôn giáo. Trải những thăng trầm, biến thiên của lịch sử suốt quá trình hình thành và phát triển hơn 300 năm qua nơi đây đã trở thành một vùng đất giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược trọng yếu. Chính vì vậy, từ lâu, vùng đất này đã trở thành đề tài của nhiều nhà nghiên cứu.
Mới đây, “Vùng đất Nam Bộ quá trình hình thành và phát triển” - một bộ sách được đánh giá là có những nghiên cứu đầy đủ, chi tiết về vùng đất đầy này vừa nhận được giải A Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2019.
Là bộ sách đồ sộ gồm 2 tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo, là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu bao gồm 11 công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước kéo dài 10 năm với sự tham gia của hàng trăm nhà kho học có uy tín và chuyên gia hàng đầu về nhiều lĩnh vực. Bộ sách do Nhà xuất Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2017, giúp người đọc có cái nhìn toàn cảnh trên mọi phương diện về vùng đất Nam Bộ.
Trên thực tế, vùng đất Nam Bộ trù phú từ lâu đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước dành sự quan tâm nghiên cứu. Từ nghìn năm trước, vùng đất này đã xuất hiện trong các ghi chép tại những thư tịch cổ của Trung Hoa như “Lương thư”, “Tùy thư”, “Đường thư”… Châu Đạt Quan - một sứ thần Trung Hoa trong chuyến du hành phương Nam đã có những ghi chép tương đối tỉ mỉ về cảnh vật, con người cũng như văn hóa vùng đất Nam Bộ lúc bấy giờ trong cuốn “Chân Lạp phong thổ ký”. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cũng dành thời gian và tâm sức để tìm hiểu về vùng đất này, tiêu biểu như các cuốn: “Cochinchine” của H. Aurillac, “ Visage et images du Sud Vietnam” của A. M. Savani, “L’Empire Khmer, Histoire et Documents” của G. Maspero, “Histoire ancienne des États Hindousés d’Extrême - Orient” của G. Coedès, “L’Archéologie du Delta du Mékong” của L. Malleret...
Những năm đầu thế kỷ 19, Trịnh Hoài Đức cũng đã ghi chép về núi sông, khí hậu, hành chính, thành trì, phong tục tập quán tính cách, sinh hoạt của cư dân vùng đất này từ thời Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Cảnh “mang gươm đi mở cõi” về đất phương Nam (năm 1698) đến những năm đầu thế kỷ XIX qua cuốn “Gia định thành thông chí”. Vùng đất này được nhiều nhà nghiên cứu hiện đại đầu tư nghiên cứu, nhiều cuốn sách của các tác giả với những góc nhìn đa dạng về Nam Bộ đã ra đời như “Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ” do PGS Huỳnh Lứa chủ biên, “Nam Bộ vài nét lịch sử văn hóa” của Trần Thuận, “Đất và người Nam Bộ” của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, “Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ” của Trần Thuận… Tuy nhiên, chưa có tác phẩm nào công phu và tầm vóc, có quy mô lớn, liên ngành và toàn diện, tổng thể như bộ sách “Nam Bộ quá trình hình thành và phát triển”.
Với 2 tập tổng quan do cố GS.NGNN Phan Huy Lê chủ biên, người đọc sẽ được cung cấp những thông tin đầy đủ về vùng đất đất Nam Bộ với không gian địa lý, địa bàn hành chính với quá trình hình thành phát triển lâu dài. Lịch sử vùng đất, nơi từng tồn tại, phát tích nền văn hóa Óc Eo, nơi các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp từng phát triển huy hoàng rồi suy tàn cho đến quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Đi cùng 2 tập tổng quan là bộ chuyên khảo của tập thể các tác giả bao gồm 10 tập đi vào nghiên cứu chuyên sâu từng nhóm nội dung, cung cấp cho độc giả cái nhìn đầy đủ về điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này từ cội nguồn phát triển qua từng thời kỳ đến ngày nay, những đặc trưng văn hoá, sinh hoạt, tín ngưỡng của cư dân, quản lý xã hội… nơi đây.
10 tập trong bộ sách này bao gồm: Tập 1 - Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái; Tập 2- Từ cội nguồn đến thế kỷ VII; Tập 3 - Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI; Tập 4 - Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX; Tập 5 - Từ năm 1859 đến năm 1945; Tập 6 - Từ năm 1945 đến năm 2010; Tập 7 - Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa; Tập 8 - Thiết chế quản lý xã hội; Tập 9 - Tộc người và quan hệ tộc người; Tập 10 - Tiến trình hội nhập khu vực và thế giới.
Với lượng tri thức đồ sộ, với sự trình bày và lý giải một cách tổng thể, tương đối đầy đủ, toàn diện và chân xác về vùng đất Nam Bộ, tác phẩm này có thể là tài liệu phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu của học viên, sinh viên tại các học viện, trường đại học. Đồng thời, tác phẩm “Vùng đất Nam Bộ” còn phục vụ cho công tác hoạch định chính sách của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý ở vùng đất vốn được coi là phát triển năng động của đất nước này.
Chính vì vậy, năm 2011, công trình này đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm. Bộ sách còn được tặng giải thưởng Trần Văn Giàu cho các công trình nghiên cứu về lịch sử và tư tưởng tại Nam Bộ. Và trong Lễ trao giải Sách Quốc gia năm 2019, tác phẩm này đã được Hội đồng Sách Quốc gia đánh giá xuất sắc trao giải A.
Đại diện tập thể tác giả nhận giải thưởng tại Lễ trao giải Sách Quốc gia năm 2019. |
Không chỉ có giá trị như một cuốn sách giáo khoa với những kiến thức đồ sộ, “Vùng đất Nam Bộ” còn “cung cấp cơ sở lịch sử - pháp lý vững chắc phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị” - như lời giới thiệu của nhà xuất bản. Những tư liệu các tác giả sưu tầm được đã góp phần to lớn vào việc khẳng định chủ quyền, cương vực lãnh thổ của Việt Nam.
Dù các tác giả và nhà xuất bản cho rằng, “ở một vài chương trong bộ tổng quan hoặc từng đề tài, chất lượng nghiên cứu và hàm lượng khoa học không giống nhau, có chương, có tập chưa được như kỳ vọng và yêu cầu nghiên cứu đặt ra” nhưng có thể khẳng định “Vùng đất Nam Bộ quá trình hình thành và phát triển là một công trình khoa học có hàm lượng tri thức cao, kết tinh những thành tựu nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, công phu, tỉ mỉ.
Thông qua tác phẩm, độc giả có cơ hội hiểu hơn về vùng đất phương Nam yêu quý, thiêng liêng, đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam nhưng còn rất nhiều bí ẩn cần khám phá này.
Sách giáo khoa lớp 1 mới: Chú trọng giáo dục biển đảo, thầy cô ít cần tập huấn
Sách giáo khoa “Cánh diều” có nhiều thay đổi so với các chương trình tước đó bao gồm việc phát triển kỹ năng và giáo dục biển đảo.