Cụ thể, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2023 quy định phải đảm bảo điều kiện có mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận; thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo quy định hiện hành, điều kiện để hưởng chính sách về nhà ở xã hội là mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện thường xuyên không phải nộp thuế thu nhập cá nhân - tức không quá 11 triệu đồng một tháng. Mức này được đánh giá không còn phù hợp với hiện nay vì giá nhà ở xã hội cũng đã tăng mạnh so với trước đây.
Lãnh đạo một số địa phương có tình trạng "ế" nhà ở xã hội cũng từng cho biết công nhân thu nhập 9-10 triệu - đủ kiện mua nhà ở xã hội, nhưng khó đáp ứng khả năng tài chính bởi còn phải dành dụm gửi tiền về quê cho gia đình, trang trải sinh hoạt phí.
Ngoài ra, dự thảo cũng bỏ tiêu chí về điều kiện cư trú. Cụ thể, đối với điều kiện về nhà ở, dự thảo nghị định quy định: Trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của người đó chưa có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó.
Trong khi theo quy định hiện hành, người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.
Ngoài ra, tiêu chuẩn về diện tích nhà ở bình quân theo quy định hiện hành là dưới 10m² thì theo dự thảo nghị định được tăng lên mức dưới 15m².
Ngoài những thay đổi đáng chú ý nêu trên, dự thảo nghị định còn đề xuất loạt thay đổi về quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; về ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; về xác định giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội; về trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội,..., theo TPO.
Mới đây, liên quan đến tương quan giữa thu nhập người dân và việc mua nhà ở xã hội, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng với chính sách nhà ở xã hội hiện nay, người dân nếu thuộc diện được mua cũng khó có thể mua được nhà ở xã hội dù được vay vốn với lãi suất 0% do thu nhập của họ chỉ đang đủ sống.
Theo đó, TS. Vũ Đình Ánh nhận định, với thu nhập bình quân của người lao động hiện nay lại được đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao kéo chi phí cuộc sống từ học phí, điện, nước, xăng dầu,… đến dịch vụ y tế đều tăng cao hiện nay thì bài toán nhà ở cho những người đang thuộc diện được mua nhà ở xã hội hiện nay lo cuộc sống thường nhật còn khó huống chi là có tích lũy đủ để mua được nhà, theo Markettimes.
Thực tế cho thấy, những năm qua, khoảng cách giữa thu nhập bình quân người dân và giá nhà liên tục được nới rộng khiến giấc mơ “an cư” của không ít bộ phận người lao động ngày càng trở nên xa vời.
Theo một khảo sát của trang batdongsan.com.vn vào khoảng giữa năm 2023, giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội hiện nay là 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố, 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự, 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng và 3,1 tỷ đồng/căn đối với căn hộ chung cư.
Theo mức giá trên, ước tính thu nhập bình quân của người dân tại Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Nếu dùng toàn bộ thu nhập nói trên (không chi phí ăn uống, sinh hoạt, học tập, y tế,…) để mua nhà thì để sở hữu một căn nhà mặt phố tại Hà Nội, người dân cần làm việc 169 năm, sở hữu biệt thự thì cần 132 năm, mua nhà riêng sẽ mất 47 năm, còn mua căn hộ chung cư mất 23 năm.