Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn báo cáo của Trung tâm Ứng phó Arsht-Rockefeller (Arsht-Rock) – đơn vị nghiên cứu các hành động giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu – cho biết sóng nhiệt có tác động rất nguy hiểm và gây thiệt hại không tương xứng cho phụ nữ, dù là những người nội trợ ở nhà hay ở nơi làm việc.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt độ cao kỷ lục ở Ấn Độ, Nigeria và Mỹ có thể khiến 204.000 phụ nữ ở mỗi quốc gia này tử vong mỗi năm trong những năm nắng nóng.
Bà Kathy Baughman McLeod, Giám đốc Trung tâm Arsht-Rock, cho biết nắng nóng khắc nghiệt diễn ra âm thầm nhưng có tác động sâu sắc đối với phụ nữ, tạo ra “gánh nặng kép” cho hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới.
Ở các quốc gia như Nigeria, các bà mẹ phải chịu “gánh nặng kép” vừa chăm sóc bản thân vừa chăm sóc những thành viên trong gia đình bị ốm. Ảnh: AP |
“Phụ nữ không chỉ dễ mắc bệnh về thể chất hơn do nắng nóng, mà họ còn phải chăm sóc cho những người thân bị bệnh liên quan đến sốc nhiệt một cách không tương xứng, cho dù việc đó có được trả lương hay không”, bà McLeod nói.
Các nhà khoa học cho biết các đợt nắng nóng thiêu đốt trên khắp thế giới đang xô đổ mọi kỷ lục và hành động thải khí làm nóng hành tinh - chủ yếu là do sử dụng than, dầu và khí đốt - sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng có trong những năm tới.
Báo cáo cho biết nắng nóng sẽ khiến phụ nữ bị kiệt sức vì họ phải làm việc nhiều giờ hơn - chẳng hạn ở ngoài trời trong trang trại, làm công việc nội trợ không được trả lương - như nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa.
“Phụ nữ nghèo đang bị đẩy sâu hơn vào nghèo đói, và phụ nữ thoát nghèo đang bị kéo trở lại cái nghèo”, bà McLeod nhận định.
Thiếu hệ thống làm mát
Một số báo cáo dự đoán số ngày nắng nóng trung bình sẽ tăng ít nhất gấp đôi vào năm 2050 ở Ấn Độ, Nigeria và Mỹ. Điều này khiến phụ nữ sống trong các cộng đồng nghèo và thiệt thòi nhất sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất.
Theo nghiên cứu, ngoài công việc nội trợ chiếm nhiều thời gian, việc thiếu khả năng tiếp cận thiết bị làm mát cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất làm việc của phụ nữ. Ước tính mỗi quốc gia Ấn Độ, Nigeria và Mỹ thiệt hại khoảng 120 tỷ USD/năm do năng suất lao động giảm.
Theo SEforALL, tổ chức hoạt động về tiếp cận năng lượng do Liên hợp quốc hậu thuẫn, khoảng 1,2 tỷ người nghèo ở nông thôn và thành thị trên toàn cầu dự kiến sẽ phải sống trong điều kiện không có hệ thống làm mát vào năm 2030. Trong đó, chỉ riêng ở Ấn Độ có 323 triệu người. Các giải pháp làm mát bao gồm điều hòa không khí và dây chuyền lạnh cho nông sản.
Báo cáo cũng cho thấy phụ nữ dành thời gian làm việc nhà gần gấp đôi thời gian so với nam giới, như chăm sóc con cái hoặc cha mẹ già, dọn dẹp nhà cửa. Và không có đủ kinh tế mua điều hòa sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến năng suất lao động của họ.
Ở các quốc gia như Nigeria, nắng nóng cũng làm nghiêm trọng thêm triệu chứng của các bệnh nhiệt đới – như sốt rét, sốt vàng da. Nhiều phụ nữ phải chịu “gánh nặng kép” khi vừa chăm sóc bản thân vừa chăm sóc các thành viên gia đình bị ốm, khiến họ phải làm việc không công trong nhiều giờ.
Các bác sĩ ở Nigeria, nơi thường xuyên bị cắt điện, đang kêu gọi các bệnh viện cải thiện hệ thống thông gió. Họ cũng nói rằng phụ nữ mang thai nên nghỉ ngơi ít nhất 3 tiếng nếu làm việc ngoài trời.
Ông Samuel Adebayo, bác sĩ phụ khoa ở Lagos, cho biết: “Phụ nữ mang thai có nguy cơ tử vong do sốc nhiệt cao hơn vì nhiệt độ cao ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và gây thêm rủi ro cho sức khỏe tổng thể của người mẹ trong tương lai”.
Arsht-Rock trích dẫn dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Nigeria chiếm 20% số ca sản phụ tử vong trên toàn cầu (khoảng 58.000 ca mỗi năm) và nắng nóng sẽ làm gia tăng thêm các biến chứng khác.
Bác sĩ Selvaseelan Selvarajah ở phía đông London, ở Anh, nơi phụ nữ da màu có nguy cơ tử vong khi sinh con cao gần gấp 4 lần so với phụ nữ da trắng, cho biết biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức mà họ phải đối mặt.
Ông Selvarajah cho biết trong khi người giàu có thể mua máy điều hòa không khí và trang trải tiền điện thì người nghèo không thể.
“Trong những khu nhà xập xệ, ngay cả khi có máy điều hòa, các gia đình vẫn phải trả hàng trăm USD tiền điện mỗi tháng. Do đó, nhiều gia đình không muốn bật điều hòa”, bác sĩ Selvarajah nói.
Nắng nóng làm giảm thu nhập
Bà Savitri Devi, 40 tuổi, đã trải qua mùa hè khắc nghiệt ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Bà Devi vẫn phải xuống đồng làm việc khi nhiệt độ cao tới 44 độ C, dù đã được cảnh báo có rất nhiều người tử vong trong đợt nắng nóng tháng 6.
Báo cáo cho thấy phụ nữ ở Ấn Độ mất gần 1/5 số giờ làm việc được trả lương vì nắng nóng. Thời tiết cực đoan đang đẩy tiền lương của phụ nữ xuống dưới mức nghèo khổ, đặc biệt là ngành nông nghiệp, vốn chiếm 70% tổng số việc làm của phụ nữ.
“Rõ ràng là tôi phải chịu đựng khi làm việc ngoài trời nắng nóng. Tôi bị ốm và tiền lương của tôi đã bị giảm đi do nắng nóng. Nhưng tôi phải làm gì? Tôi vẫn phải làm việc để kiếm tiền”, Devi nói và cho biết bà kiếm được 250 rupee (70.000 đồng) cho 8 giờ làm việc mỗi ngày.
Các chuyên gia cho biết nhiệt độ tăng cao đã làm trầm trọng thêm vấn đề, đặc biệt là đối với người nghèo ở nông thôn. Khi hạn hán ảnh hưởng đến mùa màng, đàn ông phải rời làng quê để tìm kiếm công việc thay thế và phụ nữ bị bỏ lại phía sau để chăm sóc gia đình, lo việc đồng áng.
Ông Benoy Peter - Giám đốc điều hành của Trung tâm Di cư và Phát triển Toàn diện, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Kerala - cho biết ở vùng nông thôn Ấn Độ, hầu hết phụ nữ phải đảm nhiệm các công việc đồng áng khi đàn ông di cư đến các thành phố.
“Vì vậy, phụ nữ vừa phải làm việc đồng áng, chăm sóc người già và trẻ em. Nếu họ đổ bệnh, không có ai đưa họ đến cơ sở y tế,” ông nói.
Bà McLeod cho biết mọi người bắt đầu cảm nhận được những tác động của nắng nóng - từ góc độ tài chính đến sức khỏe. Bà kêu gọi cần phải hành động khẩn cấp để đối phó với vấn đề này.
“Cuộc khủng hoảng này ngày càng tồi tệ hơn. Không ai phải tử vong vì nắng nóng. Tất cả những cái ca tử vong và mắc bệnh liên quan đến nắng nóng đều có thể ngăn chặn được. Chúng tôi mong rằng mọi người nên cẩn trọng”, bà nói.
Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới
Với dân số gần 100 triệu, số ca đột quỵ sẽ vào khoảng trên 200.000/ năm song số đơn vị điều trị tại Việt Nam còn quá ít.