Theo dữ liệu của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC), tiền mặt ký gửi tăng vọt kỷ lục lên đến 2.000 tỷ USD đã khiến các ngân hàng Mỹ phải “bơi trong đồng tiền” kể từ khi COVID-19 tấn công nước này vào tháng 1.
CNBC nhận định, dòng chảy tiền mặt vào hệ thống ngân hàng hiện nay là chưa có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ. Chỉ riêng trong tháng 4, tiền gửi đã tăng 865 tỷ USD, nhiều hơn kỷ lục trước đó trong cả năm.
Hơn 2/3 số tiền kiếm được đã thuộc về 25 tổ chức tài chính lớn nhất, theo FDIC. JPMorgan Chase, Bank of America và Citigroup, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ tính theo tài sản, có lượng tiền được gửi tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của ngành trong quý đầu tiên,.
Brian Foran, một nhà phân tích tại Autonomous Research cho biết: “Dù nhìn ở mặt nào, sự tăng trưởng này là hoàn toàn phi thường. Các ngân hàng đang tràn ngập trong tiền mặt, họ giống như đang 'bơi trong tiền'”.
Gửi tiền cho ngân hàng đang là cách trú ẩn an toàn trong đại dịch. Ảnh: Getty |
Ông cho biết các đại ngân hàng Mỹ đã sống sót sau cuộc khủng hoảng năm 2008 đều là những kẻ được hưởng lợi chính từ các khoản tiền gửi. Khi các bang bắt đầu ngừng hoạt động vào tháng 3, các tập đoàn bao gồm Boeing và Ford đã ngay lập tức thu được hàng chục tỷ USD từ các khoản tín dụng, và số tiền đó ban đầu được gửi vào các ngân hàng thực hiện các khoản vay đó.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang là tổ chức được tín nhiệm giữ số tiền từ Chương trình Bảo vệ Tiền lương, sáng kiến trị giá 660 tỷ USD của chính phủ Mỹ nhằm cho vay doanh nghiệp nhỏ. Vì nhóm này là khách hàng hiện hữu của các ngân hàng lớn, nên khoản tiền đó cũng rơi vào ngân khố của họ.
Các đại ngân hàng cũng có nhiều khách hàng cá nhân, những người bình thường đang ở yên trong nhà và đưa tiền vào nơi mà họ cho là chốn trú ẩn an toàn - ngân hàng. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đạt mức kỷ lục 33% trong tháng 4, Cục phân tích kinh tế Mỹ cho biết hồi tháng trước. Giám đốc điều hành của Bank of America Brian Moynihan tiết lộ, vào tháng trước, các tài khoản dưới 5.000 USD có số dư thực tế cao hơn tới 40% so với trước đại dịch.
Khi tiền ở yên trong ngân hàng, nhiều tài sản xa xỉ phải chịu cảnh ở yên trong kho bãi. CNBC dẫn số liệu của đơn vị tư vấn Gemdax ước tính, 5 hãng sản xuất kim cương lớn nhất thế giới đang ùn ứ khối kim cương trị giá 3,5 tỷ USD. Con số này có thể chạm 4,5 tỷ USD cuối năm nay, tương đương 1/3 sản lượng khai thác hàng năm.
Hãng kim cương De Beers thừa nhận với Bloomberg, hãng hầu như không có đơn hàng nào kể từ tháng 2. Hãng đối thủ Alrosa PJSC của Nga cũng lâm vào tình trạng không khá khẩm hơn là bao.
De Beers và Alrosa đang tìm mọi cách để lấy lại sức mua của thị trường. Không chọn giảm giá, hai hãng này “dùng chiêu” cho phép khách hàng tự do hủy bỏ hợp đồng và chủ động giảm sản xuất để hạn chế hàng tồn kho.
Kim cương hầu như không bán được từ khi có COVID-19. Ảnh: Bloomberg |
Sau khi buộc phải hủy bỏ đợt bán hàng vào tháng 3 vì dịch bệnh, De Beers tiếp tục tổ chức một đợt bán khác vào tháng 5, nhưng doanh số chỉ đạt khoảng 35 triệu USD, trong khi năm ngoái, con số này đạt 416 triệu USD.
Hồi đầu tháng 6, Alrosa cho hay tồn kho kim cương của hãng có thể lên đến 30 triệu carat vào cuối năm nay, gần bằng sản lượng một năm của hãng, nhưng lại không công bố giá trị hàng tồn kho. Hãng cũng kì vọng con số này sẽ giảm còn 15 triệu carat trong ba năm.
Chuyên gia phân tích Serge Donskoy của Hiệp hội Genere Generale, cho rằng: “Các nhà khai thác kim cương đang cùng lúc phải đối mặt với việc giá cả tụt dốc và doanh số giảm mạnh trên quy mô gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng 2008-2009”.