Để bảo đảm an toàn hoạt động, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; thực hiện nghiêm các chỉ đạo về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm như rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm tại đơn vị; xử lý nghiêm những trường hợp ép khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định. "Phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm, cần đặc biệt lưu ý về các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm" – Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nêu rõ.
Thời gian qua, không ít vụ khách hàng tố bị ngân hàng ép mua bảo hiểm khi vay vốn. Ngay cả khách gửi tiết kiệm cũng được nhân viên chào mời mua bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng rà soát lại quy trình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng “đua nhau” ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với các công ty bảo hiểm lớn, nhằm gia tăng nguồn thu phí bán chéo sản phẩm bảo hiểm, bù đắp cho tín dụng tăng thấp trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp. Liên quan đến việc phải mua bảo hiểm mới được giải ngân vay vốn, thời gian qua, một số doanh nghiệp, khách hàng cá nhân cho biết nếu không mua bảo hiểm nhân thọ thì thường bị "làm khó" hoặc điểm xếp hạng tín nhiệm thấp và không đủ điều kiện giải ngân.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh là các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Nói cách khác là "ép" khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn. Ngoài ra việc chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền và lợi ích của mình cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm. Với nhân viên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm.
Giám đốc một công ty trong lĩnh vực sản xuất đồ bảo hộ, thiết bị y tế ở TP HCM phản ánh ông đã phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân vay vốn. "Ngân hàng nói không ép nhưng nếu không mua bảo hiểm nhân thọ thì điểm xếp hàng tín nhiệm thấp, không được ưu tiên thẩm định hồ sơ. Thậm chí, nhu cầu vốn của công ty 50 tỉ đồng nhưng chỉ được duyệt vay khoảng 20 tỉ đồng" – ông kể. Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần ở TP HCM cho biết theo quy định là không ép cán bộ, nhân viên phải bán bảo hiểm cho khách hàng vay vốn. Tuy nhiên, có thực tế là hạn mức tăng trưởng tín dụng không cao, nhu cầu vay vốn của khách hàng nhiều nên mỗi ngày, hội đồng thẩm định tín dụng của ngân hàng phải xem xét, cân nhắc từng hồ sơ vay. Hồ sơ nào đủ yêu cầu, lại đồng ý mua bảo hiểm nhân thọ thì sẽ được chấm điểm xét duyệt cao, đồng nghĩa đủ điều kiện giải ngân…
Tĩnh Kiên