Ngân hàng trung ương Nga bất ngờ nâng lãi suất lên 12% sau khi đồng rúp lao dốc

Ngân hàng trung ương Nga (CBR) hôm nay (15/8) đã nâng lãi suất lên 12% trong một cuộc họp khẩn cấp, khi Moscow nỗ lực kìm hãm sự mất giá của đồng rúp.

Đồng rúp mất giá mạnh trong ngày 14/8, dao động gần 102 rúp đổi 1 USD. Trước đó, ông Maxim Oreshkin, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng đồng rúp giảm giá và lạm phát leo thang là vì "chính sách tiền tệ nới lỏng".

Sau đó, CBR lập tức thông báo họp khẩn để đánh giá lại lãi suất chuẩn. Trước đó, lãi suất chuẩn ở mức 8.5%.

Trong thông báo của mình, CBR cho biết quyết định này nhằm "hạn chế rủi ro ổn định giá cả" do "áp lực lạm phát đang gia tăng".

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga đứng ở mức 4,4% hàng năm trong 7 ngày đầu tiên của tháng 8 và CBR cho biết áp lực tăng giá vẫn tiếp tục gia tăng, với mức tăng giá hiện tại trong ba tháng qua trung bình là 7,6% hàng năm trên cơ sở điều chỉnh theo mùa. Lạm phát lõi so với cùng kỳ tăng lên 7,1%.

Ngân hàng trung ương Nga bất ngờ nâng lãi suất lên 12% sau khi đồng rúp lao dốc - Ảnh 1.

"Tăng trưởng ổn định của nhu cầu trong nước vượt quá khả năng mở rộng sản lượng sẽ đưa  áp lực lạm phát cơ bản và có tác động đến động lực tỷ giá hối đoái của đồng rúp thông qua nhu cầu nhập khẩu tăng cao", hội đồng quản trị của CBR cho biết.

"Do đó, sự truyền dẫn của sự mất giá của đồng rúp sang giá cả đang tăng lên và kỳ vọng lạm phát đang gia tăng".

Trước những rủi ro tăng giá này, CBR cho biết quyết định của họ nhằm mục đích "định hình các điều kiện tiền tệ và động lực tổng thể của nhu cầu trong nước cần thiết để đưa lạm phát trở lại mức 4% vào năm 2024 và ổn định nó ở mức gần 4% trong tương lai".

Ông Anatoly Aksakov, Chủ tịch Ủy ban Thị trường Tài chính, cho biết trên Telegram hôm 14/8 rằng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm dần dần sau khi tình hình đồng rúp ổn định và "tỷ giá hối đoái của đồng rúp nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước".

Đồng rúp đã tăng giá trở lại trong ngày 15/8 khi nhà đầu tư kỳ vọng CBR sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.

(Nguồn: CNBC)

NGỌC CHÂU