“Ngày xửa ngày xưa” qua góc nhìn của các nghệ sĩ tạo hình đương đại

Triển lãm mỹ thuật “Ngày xửa ngày xưa” thuộc dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” vừa khai mạc chiều 23/8/2024 tại Hà Nội.

“Ngày xửa ngày xưa” là cuộc ra mắt đầu tiên của nhóm Heritage and Art (H&A), gồm 16 nghệ sĩ tạo hình thuộc các thế hệ 7X, 8X và 9X: Lê Thế Anh, Trần Cường (Kuolg Trần), Chu Viết Cường, Nguyễn Tiến Dũng, Khổng Đỗ Duy, Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường), Vương Lê Mỹ Học, Nguyễn Thế Hùng, Hồ Hưng, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Long (Longnguyenkj), Vũ Thùy Mai, Nguyễn Minh (Minh Phố), Cao Phương Thảo, Trần Thược và Lê Đức Tùng. Đó là các nghệ sĩ có phong cách sáng tác riêng biệt, độc đáo và có vị trí trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Các thành viên nhóm nghệ sĩ H&A. Ảnh: L.Q.V
Các thành viên nhóm nghệ sĩ H&A. Ảnh: L.Q.V

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại”, được triển khai từ đầu năm 2024. Triển lãm giới thiệu 39 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, với đa dạng chất liệu như kim loại, sơn dầu, sơn mài, lụa, trúc chỉ, gốm - tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội).

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: L.Q.V
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: L.Q.V

Theo họa sĩ Nguyễn Minh - người khởi xướng dự án: “Di sản văn hóa Việt là kho tàng đồ sộ những tầng giá trị vật thể và phi vật thể, được kế thừa, gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ lịch sử. Các giá trị văn hóa đó không chỉ thể hiện rõ trong đời sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của các thế hệ và tầng lớp nhân dân trong trong mỗi triều đại lịch sử của dân tộc, mà còn thể hiện ở niềm tự hào trong việc quảng bá nét văn hóa Việt đến với thế giới.

Với thông điệp “Kế thừa, gìn giữ, phát triển và lan tỏa di sản văn hóa Việt là thể hiện sự tôn trọng quá khứ - hướng đến tương lai”, cùng mong muốn quảng bá di sản văn hóa Việt đến người dân trong nước và quốc tế, nhóm nghệ sĩ H&A đã chung tay thực hiện dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại”. Theo đó, các nghệ sĩ sẽ tổ chức những chuyến điền dã lấy tư liệu, những chuyến đi trực họa, những cuộc gặp gỡ các nhân vật có liên quan để tìm hiểu sâu rộng hơn về giá trị của di sản văn hóa Việt. Từ đó, nghiên cứu, xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đương đại theo các chủ đề, theo các nhóm di sản một cách có hệ thống…”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao dự án nghệ thuật của nhóm H&A. Ảnh: L.Q.V
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao dự án nghệ thuật của nhóm H&A. Ảnh: L.Q.V

Với ý nghĩa nói trên, dự án đã được sự ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Công ty Cổ phần đầu tư nghệ thuật Thảo Nguyên, PGS.TS Phạm Thái Việt - giảng viên Học viện Ngoại giao… Ngay tại lễ khai mạc triển lãm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - và nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã có nhiều đánh giá cao hoạt động này.

Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của các du khách nước ngoài. Ảnh: L.Q.V
Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của các du khách nước ngoài. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Ngày xửa ngày xưa 12” của họa sĩ Nguyễn Minh, chất liệu tổng hợp trên toan. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Ngày xửa ngày xưa 12” của họa sĩ Nguyễn Minh, chất liệu tổng hợp trên toan. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Áo dài 1” của họa sĩ Hoàng Phương Liên, chất liệu xé giấy. Ảnh: L.Q.V 
Tác phẩm “Áo dài 1” của họa sĩ Hoàng Phương Liên, chất liệu xé giấy. Ảnh: L.Q.V 
“Hoài cổ 1” - tác phẩm của Trần Cường, chất liệu tổng hợp trên gỗ. Ảnh: L.Q.V
“Hoài cổ 1” - tác phẩm của Trần Cường, chất liệu tổng hợp trên gỗ. Ảnh: L.Q.V
“Hà Nội 12 mùa hoa” - tác phẩm của họa sĩ Vũ Thùy Mai, chất liệu lụa. Ảnh: L.Q.V
Hà Nội 12 mùa hoa” - tác phẩm của họa sĩ Vũ Thùy Mai, chất liệu lụa. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Kết tổ”, chất liệu gốm, của tác giả Trần Thược. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Kết tổ”, chất liệu gốm, của tác giả Trần Thược. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Kinnaras dâng hoa”, đồ họa trúc chỉ, của họa sĩ Cao Phương Thảo. Ảnh: L.Q.V  
Tác phẩm “Kinnaras dâng hoa”, đồ họa trúc chỉ, của họa sĩ Cao Phương Thảo. Ảnh: L.Q.V  
Bộ tác phẩm “Vô lượng tâm” của họa sĩ Nguyễn Thế Long. Ảnh: L.Q.V
Bộ tác phẩm “Vô lượng tâm” của họa sĩ Nguyễn Thế Long. Ảnh: L.Q.V

Được biết, tiếp sau triển lãm “Ngày xửa ngày xưa”, nhóm H&A sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật thông qua di sản văn hóa của các vùng miền trên khắp đất nước, nhằm lan tỏa sâu rộng nét đẹp của di sản văn hóa Việt và những sắc màu nghệ thuật đương đại vào cuộc sống.

Chỉ tiếc một điều, triển lãm “Ngày xửa ngày xưa” với nhiều tác phẩm chất lượng cao như thế, nhưng chỉ diễn ra quá ít ngày: Từ 23 đến 27/8/2024. Hy vọng, hoạt động văn hóa nghệ thuật này sẽ có thêm nhiều dịp lan tỏa ở nhiều vùng đất trong nước và quốc tế.

Lê Quang Vinh

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận tác phẩm âm nhạc 'Little Thuy’s Minuet' của nhạc sĩ Anh quốc

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận tác phẩm âm nhạc "Little Thuy’s Minuet" của nhạc sĩ Anh quốc

Việc tiếp nhận tổ chức trong lễ ra mắt sách “Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” diễn ra ngày 8/8/2024