Nghiệp vụ thị trường mở là gì? Chủ thể nào tham gia thị trường mở?

Nghiệp vụ thị trường mở (Open Market Operations) là gì? Các loại nghiệp vụ thị trường mở hiện nay.

1. Nghiệp vụ thị trường mở là gì?

Nghiệp vụ thị trường mở (Open Market Operations – OMO) là hoạt động mua bán các loại giấy tờ có giá của ngân hàng trung ương (NHTW), nhằm tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, qua đó tác động đến nguồn cung tiền và gián tiếp ảnh hưởng đến lãi suất thị trường.

Đây là một trong những công cụ quan trọng ở thị trường tiền tệ thứ cấp được NHTW các quốc gia sử dụng để điều hành chính sách tiền tệ.

Khi các tổ chức tín dụng thiếu vốn, NHTW sẽ đưa tiền ra để mua các giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng nắm giữ, và qua đó kéo giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Ngược lại, khi các tổ chức tín dụng thừa vốn, NHTW bán ra các giấy tờ có giá để rút tiền về và đẩy lãi suất thị trường tăng lên.

2. Đặc điểm của thị trường mở

Nghiệp vụ thị trường mở là công cụ quan trọng nhất của chính sách tiền tệ. Nghiệp vụ này là yếu tố quyết định quan trọng nhất đối với những thay đổi trong lượng tiền cơ sở. Việc mua hoặc bán trái phiếu trên thị trường mở làm tăng, giảm cơ số tiền tệ, do đó làm tăng hoặc giảm lượng cung ứng tiền tệ.

Khi mua chứng khoán từ bất kì người bán nào, ngân hàng trung ương trả tiền bằng cách phát hành séc. Khi người bán gửi séc trong tài khoản ngân hàng của mình, ngân hàng xuất trình séc cho NHTW để thanh toán.

Đến lượt mình, NHTW nhận séc bằng cách tăng tài khoản dự trữ cho ngân hàng của người bán tại ngân hàng trung ương. Dự trữ tại ngân hàng của người bán tăng mà không được bù đắp ở đâu đó.

Kết quả là, tổng lượng cơ sở tiền tăng lên. Điều hoàn toàn trái ngược xuất hiện khi ngân hàng trung ương bán chứng khoán. Việc thanh toán làm giảm dự trữ của người mua ở NHTW mà không được bù đắp ở đâu đó, và do đó cơ sở tiền giảm.

Đặc tính này – sự thay đổi trực tiếp cơ sở tiền khi NHTW mua hoặc bán chứng khoán – làm cho hoạt động thị trường mở trở thành công cụ chính xác, linh hoạt và hiệu quả nhất của chính sách tiền tệ.

Về mặt lí thuyết, NHTW có thể cung ứng hoặc thu về cơ sở tiền thông qua các giao dịch với bất kì loại tài sản nào trên thị trường mở. Tuy nhiên, trong thực tế hầu hết các loại tài sản không được sẵn sàng trao đổi để thích ứng với hoạt động thị trường mở.

Để các hoạt động này diễn ra một cách có hiệu quả, NHTW cần phải mua và bán một cách nhanh chóng, tiện lợi một khối lượng bất kì để giữ cung về cơ sở tiền phù hợp với những mục tiêu của chính sách tiền tệ trong mỗi thời kì.

Các điều kiện này đòi hỏi các công cụ mà ngân hàng trung ương mua hoặc bán được trao đổi trên một thị trường chung rất linh hoạt , đồng thời chúng có thể đáp ứng các giao dịch mà không làm bóp méo hay đổ vỡ thị trường.

Ở hầu hết các quốc gia, trái phiếu chính phủ thường được NHTW sử dụng để giao dịch trên thị trường mở.

Từ tháng 7/2000, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức khai trương nghiệp vụ thị trường mở. Thị trường mở cũng được xác định là một công cụ chủ yếu trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Doanh số giao dịch các giấy tờ có giá trên thị trường mở tăng nhanh qua các năm. Từ tháng 11/2004, giao dịch thị trường mở được thực hiện định kì 3 phiên/tuần.

3. Các chủ thể tham gia thị trường mở

Thị trường mở là một thị trường có tính chất mở nên các thành viên thị trường rất đa dạng và tham gia với các mục đích khác nhau. Nhìn chung, mọi nhà đầu tư đều có thể là đối tác giao dịch với NHTW trong các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở nếu thoả mãn những tiêu chuẩn cụ thể của NHTW ở các nước.

Các tiêu chuẩn này gồm các đối tác phải đảm bảo độ tin cậy nhất định và việc giao dịch với các đối tác phải có hiệu quả xét trên khía cạnh can thiệp của NHTW. Thông thường, thành viên ngân hàng trung ương bao gồm:

- Ngân hàng Trung ương

NHTW là người tổ chức, xây dựng và vận hành hoạt động của thị trường mở theo các mục tiêu CSTT. NHTW là người quyết định lựa chọn sử dụng các loại nghiệp vụ thị trường mở và tần suất sử dụng nghiệp vụ thị trường mở.

NHTW tham gia thị trường thông qua việc mua bán các GTCG nhằm tác động đến dự trữ của hệ thống ngân hàng để đảm bảo khả năng thanh toán và gián tiếp tác động đến các lãi suất thị trường theo mục tiêu CSTT.

NHTW cũng là người can thiệp thị trường khi cần thiết thông qua thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng nhằm kiểm soát tiền tệ, đảm bảo đủ phương tiện thanh toán cho các tổ chức tín dụng cũng như nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.

Như vậy, NHTW tham gia thị trường mở không phải vì mục tiêu kinh doanh mà để quản lý, chi phối, điều tiết thị trường làm cho CSTT được thực hiện theo các mục tiêu xác định của nó.

- Các đối tác của NHTW

+ Các ngân hàng thương mại

Các NHTW là thành viên chủ yếu tham gia nghiệp vụ thị trường mở của ngân hàng trung ương và là đối tác quan trọng của ngân hàng trung ương xét trên 2 phương diện độ tin cậy và tính hiệu quả.

Các ngân hàng thương mại tham gia thị trường nhằm điều hoà vốn khả dụng để đảm bảo khả năng thanh toán và đầu tư các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để hưởng lãi.

Sự tham gia của các ngân hàng thương mại trong các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở có ý nghĩa quan trọng xét trên góc độ hiệu quả CSTT do: (i) ngân hàng thương mại là trung gian tài chính lớn nhất, có mạng lưới hoạt động rộng.

Ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là ở các nước đang phát triển; ngân hàng thương mại vừa là người đi vay, vừa là người cho vay trên thị trường tiền tệ.

+ Các tổ chức tài chính phi ngân hàng

Tại một số quốc gia, các tổ chức tài chính phi ngân hàng cũng được tham gia nghiệp vụ thị trường mở. Các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, quỹ đầu tư, hội tiết kiệm… coi thị trường mở như là nơi kiếm thu nhập thông qua việc sử dụng vốn nhàn rỗi để mua bán các GTCG.

+ Các nhà giao dịch trung gian

Các nhà giao dịch sơ cấp tham gia vào nghiệp vụ thị trường mở với tư cách là người trung gian trong việc mua bán các GTCG giữa ngân hàng trung ương và các đối tác khác.

Các nhà giao dịch sơ cấp có thể là các ngân hàng trung ương, công ty chứng khoán, công ty tài chính. Thực tế ở nhiều nước, 70% giao dịch can thiệp của ngân hàng trung ương trên thị trường mở được thực hiện thông qua các nhà giao dịch sơ cấp.

Khi đó, ngân hàng trung ương chỉ thực hiện mua bán GTCG với các nhà giao dịch sơ cấp. Và để thực hiện được vai trò này, các nhà giao dịch sơ cấp phải có nguồn vốn đủ mạnh đáp ứng yêu cầu quy định của ngân hàng trung ương và phải sẵn sàng thực hiện vai trò người tạo lập thị trường trong tất cả các phiên đấu thầu tín phiếu kho bạc.

Đối với những nước hoạt động nghiệp vụ thị trường mở chưa phát triển thì chưa có sự tham gia của các nhà giao dịch trung gian. Các thành viên tham gia trên thị trường mở phải đáp ứng đủ điều kiện quy định của ngân hàng trung ương như: Có tiền gửi tại ngân hàng trung ương có mạng kết nối với ngân hàng trung ương để thực hiện giao dịch.

Như vậy theo như bài đọc chúng ta thấy được điểm chính của nghiệp vụ thị trường mở lđây là một yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược kinh doanh trên thị trường.

(Nguồn: Tổng hợp)

TRUNG HIẾU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương