Khi nghĩ về những yếu tố có khả năng "bào mòn chiếc ví" của mình, phần lớn mọi người có xu hướng nghĩ đến những thứ như thói quen mua sắm vô tội vạ, tiền thuế, phân chia tài sản sau ly hôn hoặc những tai nạn không may xảy ra đột ngột. Những điều này có thể làm giảm đáng kể sự giàu có của bạn, đúng nhưng chưa đủ!
Còn có một yếu tố khác có thể khiến bạn ngày càng nghèo mà bản thân bạn không hề hay biết, chính là lạm phát lối sống.
Lạm phát lối sống là gì?
Lạm phát lối sống là hiện tượng chi phí sinh hoạt/chi tiêu tăng lên khi thu nhập tăng lên. Tiền vào càng nhiều thì tiền ra càng nhiều. Sau khi tăng lương, nếu tiêu dùng mù quáng và chạy theo xu hướng, bạn vẫn có thể "rỗng ví".
Có thể nói, lối sống lạm phát là "kẻ hủy diệt" sự giàu có trong âm thầm và đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều "người giàu" phá sản. Thu nhập cao không làm bạn giàu, thu nhập thấp không làm bạn nghèo. Điều quan trọng là bạn tiêu tiền như thế nào chứ không phải bạn kiếm được bao nhiêu.
Đến cuối cùng, thước đo của sự giàu có chính là việc liệu bạn có thể duy trì lối sống hiện tại trong bao lâu nếu như không còn thu nhập từ lương nữa?
Ví dụ thế này: Một gia đình kiếm được 180 triệu/năm (gia đình số 1) sẽ bị coi là nghèo hơn một gia đình kiếm được 240 triệu/năm (gia đình số 2),
Nếu gia đình số 1 chỉ chi tiêu hết 120 triệu/năm (mỗi tháng tiêu 10 triệu) và tiết kiệm 60 triệu/năm, họ có thể không nhận lương mà vẫn sinh sống được trong vòng 6 tháng. Trong khi đó, nếu gia đình số 2 tiêu hết 216 triệu/năm (mỗi tháng tiêu 18 triệu) và tiết kiệm 24 triệu/năm thì họ thậm chí không sống nổi 2 tháng trong trường hợp không nhận lương.
Như vậy, có thể thấy gia đình số 2 đã rơi vào bẫy lạm phát lối sống, kiếm nhiều tiêu nhiều. Dù thu nhập của gia đình số 2 cao hơn thu nhập của gia đình số 1, nhưng khả năng duy trì mức sống của họ lại chẳng bằng gia đình số 1 trong trường hợp cả hai gia đình đều không nhận được lương.
Lạm phát lối sống ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
Rất khó để cảm nhận được hậu quả của lạm phát lối sống nếu như bạn vẫn đang tận hưởng sự yên tâm vì có một nguồn thu nhập ổn định. Bạn có thể không có nhiều tiền tiết kiệm, nhưng vì nhận được tiền lương đều đặn hàng tháng, nên bạn vẫn có thể tiếp tục cải thiện mức sống của mình mà không cảm thấy khó khăn, hề hấn gì.
Nhưng một khi bạn không còn nguồn thu nhập ấy nữa, bạn sẽ thấy mọi thứ thay đổi.
Giả sử thế này: Bạn đang có mức thu nhập là 15 triệu/tháng. Bạn tiêu hết 13 triệu/tháng cho tất cả các chi phí từ ăn uống, vui chơi, mua sắm,... và chỉ tiết kiệm được 2 triệu/tháng. Duy trì việc này trong vòng 1 năm, số tiền bạn tiết kiệm được là 24 triệu.
Sau đó, không may, bạn rơi vào nhóm người thất nghiệp, loay hoay mãi chẳng xin được việc hoặc xin được nhưng việc mới chỉ mang lại cho bạn một nguồn thu là 8 triệu/tháng. Lúc này, bạn chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc là cắt giảm chi tiêu tối đa hoặc là dùng tiền tiết kiệm để duy trì mức sống như cũ.
Dù lựa chọn của bạn có là gì đi chăng nữa, cảm giác lo lắng, bất an và khổ sở là những điều không thể tránh khỏi. Bạn có thể hờn trách ông trời dồn vào đời mình toàn chuyện đen đủi không đâu, nhưng người có lỗi thực ra không ai khác, chính là bạn, khi đã chi tiêu quá thoải mái mà không nghĩ tới một ngày nguồn tiền đổ vào tài khoản bỗng dưng biến mất.
Làm sao để không rơi vào bẫy lạm phát lối sống?
Để tránh rơi vào bẫy lạm phát lối sống, chúng ta cần hiểu nguyên nhân sâu xa khiến điều đó xảy ra. Người ta viện ra vô số lý do để biện minh cho việc chi tiêu quá mức nhưng thực sự, chỉ có một lý do duy nhất: Thể hiện địa vị xã hội của bản thân thông qua việc tiêu dùng.
Những khoản chi lớn mà mọi người chi tiêu quá mức thường là những khoản chi có thể nhìn thấy được, chẳng hạn như: Một căn biệt thự, chiếc "xế hộp" hạng sang, những chuyến du lịch xa hoa, quần áo/túi xách/trang sức hàng hiệu,...
Tất cả những món đồ ấy dường như thay bạn hét lên với cả thế giới: "Nhìn xem, tôi giàu có quá đây này!".
Nếu hàng xóm của bạn mua một chiếc BMW mới toanh, bạn có thể nhìn vào chiếc cà tàng đã gần 20 năm tuổi của mình và thở dài. Việc hàng xóm có chiếc xe mới có thể sẽ thôi thúc bạn mua một chiếc ô tô mới tốt bằng hoặc thậm chí tốt hơn chiếc BMW của hàng xóm.
Vậy là bạn đã rơi vào cái bẫy lạm phát lối sống rồi đấy.
Lạm phát lối sống thực chất là một vấn đề tâm lý, nên để tránh được nó, chúng ta cần có giải pháp tâm lý. Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết được bằng bảng tính Excel.
Sự cám dỗ lạm phát trong lối sống luôn tồn tại, vì vậy bạn phải kháng cự. Đồng thời, bạn cần có một tư duy mạnh mẽ, tự tin để vượt qua lối sống lạm phát. Bước đầu tiên trong việc xây dựng một tư duy mạnh mẽ về tiền bạc là phải có động lực đủ mạnh để chống lại sự cám dỗ của lối sống lạm phát.
Với tôi, động lực đó luôn là gia đình hay cụ thể hơn là con trai của tôi. Tôi biết rằng những quyết định về tiền bạc mà tôi đưa ra ngày hôm nay sẽ có thể đặt nền móng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai của con tôi, hoặc cũng có thể khiến cả gia đình lao đao, rơi vào trạng thái nghèo khổ, nợ nần. Vì muốn con trai được học trong môi trường giáo dục tốt nhất, tân tiến nhất ngay từ mẫu giáo, suốt 4 năm qua, tôi thậm chí đã không mua bất cứ chiếc quần, chiếc áo nào dù thu nhập cứ 6 tháng lại tăng 1 lần.
Kể chuyện bản thân như vậy để bản hiểu rằng tìm được nguồn động lực đủ mãnh liệt là cách gần như duy nhất để chống lại sự cám dỗ của lạm phát lối sống. Thời còn son rỗi, chưa lập gia đình, tôi cũng trong nhóm người "kiếm bao nhiêu, tiêu từng ấy".
Cách cô nàng 29 tuổi tiết kiệm được 2/3 thu nhập hàng tháng: Trung thành tuyệt đối với 4 nguyên tắc chi tiêu này
“Không cần phải tiêu quá nhiều tiền mới có thể sống tốt” là lời khẳng định của cô bạn này sau nhiều năm theo đuổi lối sống tối giản.