Ngoại trưởng Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc sau vụ khinh khí cầu 'bay lạc' vào không phận nước Mỹ

Ngoại trưởng Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm ngoại giao tới Trung Quốc sau khi một khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc được phát hiện trên bầu trời nước Mỹ.

Quyết định được ông Blinken đưa ra vào thứ Sáu (3/2) chỉ vài giờ trước khi ông dự địnhrời Washington để đến Bắc Kinh.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết vụ khinh khí cầu bay vào không phận nước Mỹ đã tạo ra những điều kiện có thể làm suy yếu mục đích của chuyến thăm Trung Quốc và việc để xảy ra sự cố vào đêm trước chuyến đi là "thậm chí còn vô trách nhiệm hơn".

Một quan chức Mỹ cho biết, ông Blinken và Tổng thống Joe Biden đã xác định tốt nhất là không nên tiến hành chuyến đi vào thời điểm này.

Ngoại trưởng Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc sau vụ khinh khí cầu 'bay lạc' vào không phận nước Mỹ   - Ảnh 1.

Một khinh khí cầu Trung Quốc "bay lạc" vào không phận Mỹ khiến căng thẳng ngoại giao tăng cao.

"Chúng tôi đã ghi nhận tuyên bố lấy làm tiếc, sự hiện diện của khinh khí cầu này trong không phận của chúng tôi là sự vi phạm rõ ràng chủ quyền cũng như luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được điều này đã xảy ra", một quan chức chính phủ cho biết.

"Sau khi tham khảo ý kiến với các đối tác cũng như với Quốc hội, chúng tôi đã kết luận rằng các điều kiện hiện tại không phù hợp để Bộ trưởng Blinken tới Trung Quốc", quan chức này nói thêm.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, họ tin rằng khinh khí cầu được sử dụng "để giám sát". Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nó được sử dụng cho mục đích "chủ yếu là khí tượng".

Quyết định hoãn chuyến đi của Blinken được đưa ra khi chính quyền của ông Biden cân nhắc phản ứng rộng rãi hơn đối với việc phát hiện khinh khí cầu bay qua các địa điểm nhạy cảm.

Việc phát hiện ra khinh khí cầu đã báo động nhiều người ở Washington, đặc biệt là các thành viên Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa, những người ủng hộ việc có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump và Nikki Haley, cựu Thống đốc Nam Carolina và đại sứ Liên Hợp Quốc, cho biết Hoa Kỳ nên bắn hạ quả bóng bay ngay lập tức.

Chuyến đi hai ngày của ông Blinken tới Bắc Kinh sẽ là chuyến đi đầu tiên của một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ kể từ tháng 10 năm 2018.

Ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý vào tháng 11 tại một hội nghị thượng đỉnh ở Indonesia rằng ông Blinken sẽ tới Bắc Kinh.

Mỹ và Trung Quốc đang bất hòa về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), nhân quyền, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Triều Tiên, cuộc chiến của Nga ở Ukraina, chính sách thương mại và biến đổi khí hậu.

Nhưng ông Blinken cho biết hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao, ông Blinken đã nói với người Trung Quốc rằng ông sẽ sẵn sàng đến Trung Quốc "ngay khi có cơ hội sớm nhất khi điều kiện cho phép".

Khinh khí cầu bay qua Quần đảo Aleutian của Alaska và qua Canada trước khi xuất hiện trên bang Montana của Mỹ, nơi có một trong ba bãi chứa tên lửa hạt nhân ở nước này.

Washington cho biết họ đã theo dõi chiếc khinh khí cầu bị tình nghi do thám này trong vài ngày kể từ khi nó đi vào không phận Mỹ.

Quan chức này cho biết các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ đã cân nhắc việc bắn hạ khinh khí cầu bằng máy bay chiến đấu F-22 nhưng cuối cùng quyết định không làm vì nguy cơ an toàn tiềm ẩn do mảnh vỡ gây ra.

Mỹ cũng đánh giá rằng khinh khí cầu có giá trị "hạn chế" về mặt cung cấp thông tin tình báo.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Tướng Patrick Ryder cho biết thêm khinh khí cầu đang bay "ở độ cao cao hơn nhiều so với giao thông hàng không thương mại và không gây ra mối đe dọa quân sự hay sự mất an toàn nào đối với những người trên mặt đất".

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đây là khinh khí cầu dân sự được sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu khí tượng.

"Khí cầu đến từ Trung Quốc và có tính chất dân sự, được sử dụng cho nghiên cứu khí tượng và khoa học khác. Do ảnh hưởng của gió Tây và khả năng điều khiển hạn chế, khí cầu đã đi chệch hướng dự định", thông báo cho biết.

"Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu đi lạc vào nước Mỹ do sự cố bất khả kháng. Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với phía Mỹ để xử lý thỏa đáng vụ việc này", thông cáo viết thêm.

(AP, AFP, Reuters)

PV