Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa có báo cáo phân tích mới về hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Vinhomes . Trong đó, báo cáo dành kỳ vọng lớn cho các dự án trong tương lai của công ty tỷ phú Phạm Nhật Vượng .
Vinhomes còn 12 dự án trọng điểm
BSC cho rằng, Vinhomes sẽ tiếp tục duy trì việc triển khai các dự án thuộc mảng bất động sản thương mại. Nhóm này vốn chiếm cơ cấu cao trong doanh thu từ lâu, trong đó năm 2019 chiếm đến 93,3% tổng doanh thu. Ngoài ra, Vinhomes vẫn sẽ tích luỹ được doanh thu từ dịch vụ quản lý bất động sản, cho thuê và cung cấp các dịch vụ liên quan; cung cấp các dịch vụ tổng thầu xây dựng thiết kế.
Trước đó, ở báo cáo vào cuối tháng 11, BSC dự phóng doanh thu từ các dự án đại đô thị như Vinhomes Ocean Park (Hà Nội), Vinhomes Smart City (Hà Nội), Vinhomes Grand Park (TP.HCM)… sẽ giúp doanh nghiêp đạt trên 73.900 tỷ đồng trong năm nay. Sang năm 2021, Vinhomes có thêm ba dự án mới gồm Vinhomes Wonder Park (Hà Nội), Vinhomes Symphony (Hà Nội), Vinhomes Vũ Yên (Hải Phòng). Doanh thu dự kiến theo đó đạt trên 95.000 tỷ đồng.
Về dài hạn, trong giai đoạn 2020 - 2025, BSC cho rằng Vinhomes sẽ tiếp tục triển khai tổng cộng khoảng 12 dự án. Các dự án trọng điểm nổi bật của doanh nghiệp bất động sản hàng đầu cả nước này gồm Vinhomes Wonder Park (132 ha), Vinhomes Green Hạ Long (Quảng Ninh, rộng 4.109 ha) và Vinhomes Long Beach Cần Giờ (TP.HCM, rộng 2.870 ha),...
Theo Chứng khoán BIDV, Vinhomes đang sở hữu khoảng 155 triệu m2 sàn (đã bao gồm căn hộ, shophouse, villa,…). Riêng hai thị trường tầm cỡ là TP.HCM và Hà Nội đang chiếm khoảng 51% tổng quỹ đất của công ty tỷ phú Phạm Nhật Vượng. BSC cho rằng: “Đều này có thể đảm bảo tính liên tục trong quá trình triển khai dự án đến năm 2038 của Vinhomes”.
Phối cảnh Vinhomes Long Beach Cần Giờ, một trong những dự án trọng điểm. |
Tuy quỹ đất lớn nhưng cùng với việc nguồn cung bất động sản đang bị thắt chặt từ các chính sách pháp lý và một số yếu tố khách quan, kế hoạch triển khai các dự án của Vinhomes được BSC cho là có thể bị gián đoạn. Thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kế hoạch triển khai một số dự án trong năm nay đang bị trì hoãn. Các dự án Vinhomes Dream City (Hưng Yên), Vinhomes Woder Park và Vinhomes Mễ Trì (Hà Nội) lần lượt được lùi sang năm 2021 và năm 2022.
Quỹ đất khu công nghiệp hơn 2.900 ha
Ngoài bất động sản thương mại, mảng địa ốc khu công nghiệp được BSC nhận định là “phân khúc mang đến nhiều triển vọng cho Vinhomes trong tương lai”. Theo đó, tổng quỹ đất khu công nghiệp dự kiến triển khai của doanh nghiệp này ước tính đạt khoảng 2.901 ha, tập trung chính tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Diện tích trên đủ để Vinhomes duy trì hoạt động đến năm 2023.
Theo kế hoạch của ban lãnh đạo, Khu công nghiệp chế xuất VinFast và Khu công nghiệp chế biến phụ tùng mở rộng (25 ha) của công ty sẽ được triển khai từ năm 2021 và bắt đầu đóng góp vào doanh thu của Vinhomes.
Tổ hợp Vinfast Hải Phòng có diện tích tổng cộng 335 ha. Ảnh: Vingroup |
Chi phí đầu tư cho mảng bất động sản khu công nghiệp trong năm 2021 dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinhomes cũng có hai khu công nghiệp tại Hải Phòng với tổng diện tích cho thuê ước tính 348 ha dự kiến sẽ được đưa vào triển khai từ năm 2022.
Còn theo Savills Việt Nam, trong năm 2021 thị trường sẽ đón nhận ít nhất 6 khu công nghiệp mới ra mắt. Tại Hải Phòng, Vinhomes sẽ góp mặt vào thị trường hai khu công nghiệp mới là Khu công nghiệp Nam Tràng Cát quy mô 200 ha và Khu công nghiệp Thủ Nguyên quy mô 319 ha.
Hướng đi này vốn dĩ được lãnh đạo Vingroup và Vinhomes xác định là tận dụng cơ hội từ điều kiện vĩ mô và xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính tỷ phú Vượng khẳng định: ”Vingroup xác định bất động sản công nghiệp sẽ là mảng kinh doanh chính và quan trọng trong tương lai bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên”.
11 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đón được hơn 26 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Đồ hoạ: VnEconomy |
Quyết định phát triển bất động sản khu công nghiệp của Vinhomes còn được xem như một hướng mở rộng hệ sinh thái cho mảng sản xuất với tham vọng đi nhanh hơn. Bà Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, những khách hàng mục tiêu ban đầu của mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ là các đơn vị trong chuỗi cung ứng linh kiện ô tô, mục đích nhằm tạo ra một hệ sinh thái xung quanh VinFast cả về yếu tố sản xuất và địa lý.
Đóng góp 2/3 lợi nhuận toàn ngành
Cũng đưa ra báo cáo liên quan đến Vinhomes, FiinGroup đưa ra nhận định ngành bất động sản sẽ dẫn dắt sự hồi phục trong quý IV năm nay với tăng trưởng doanh thu dự kiến 22,4% do quý cuối năm thường là cao điểm bán hàng và bàn giao dự án.
Trong đó, Vinhomes được dự đoán sẽ đóng góp 28,4% doanh thu và 66,5% lợi nhuận của nhóm bất động sản nhà ở. Động lực tăng trưởng trong năm 2021 của Vinhomes sẽ đến từ việc tiếp tục bàn giao tại ba đại đô thị gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park.
Theo báo cáo tài chính quý III/2020, luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vinhomes ghi nhận 49.378 tỷ đồng doanh thu và 17.207 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hai chỉ số này lần lượt tăng 31% và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. So với kế hoạch cả năm, công ty này mới hoàn thành được một nửa chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận.
Tổng cộng trong quý III/2020, 3 đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park đã bàn giao gần 10.400 căn hộ, biệt thự và nhà liền kề cho cư dân theo đúng tiến độ. Đại diện Vinhomes khẳng định, tiến độ bàn giao này dự kiến sẽ được duy trì trong quý IV/2020.
Sức bật của Vinhomes được đặt trong bối cảnh FiinGroup cho rằng ngành bất động sản sẽ duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức gần 3% nhưng thấp hơn bình quân tăng trưởng kép 5 năm gần nhất. Ngược lại, lợi nhuận cả năm của nhóm này được dự báo giảm gần 16%.
Trong đó, bất động sản nhà ở duy trì tăng trưởng doanh thu khoảng 5,6% và lợi nhuận sau thuế giảm 14,5%. Đối với bất động sản công nghiệp, kết quả kinh doanh của nhóm này được dự báo giảm 16,7% về doanh thu và giảm 20,2% về lợi nhuận sau thuế.