Người dân ở Dải Gaza phải dùng nước biển trong sinh hoạt

Người dân ở miền nam Gaza đã buộc phải sử dụng nước biển để giặt quần áo và bát đĩa khi nước sạch chảy tràn khắp khu vực.

Theo Al Jazeera, do cuộc bao vây, phong tỏa của Israel ngày càng siết chặt, người dân Gaza sắp cạn kiệt nguồn nước ngọt để dùng trong sinh hoạt. 

Thống kê từ Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, hiện mỗi người ở dải Gaza chỉ có 3 lít nước cho mọi nhu cầu cơ bản về sức khỏe bao gồm uống, giặt, nấu ăn và vệ sinh hằng ngày. Con số đó ở mức quá thấp so với 50-100 lít nước/ngày mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị.

Tuy nhiên, nước do những nhà cung cấp tư nhân điều hành các cơ sở khử muối quy mô nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời đã tăng giá gấp đôi kể từ ngày 7-10, khi Israel bắt đầu chiến dịch không kích dải Gaza để trả đũa cuộc tấn công bất ngờ mà Hamas thực hiện.

Người dân Gaza phải đối mặt với tình trạng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng khi điện, thực phẩm và nước sạch ngày càng cạn kiệt.

"Tôi tạm dừng những gì đang xảy ra ở Gaza và xuống biển để có thể thở", Ibrahim Sulieman, một người dân đến từ thành phố Gaza cho biết.

Người dân ở Dải Gaza phải dùng nước biển trong sinh hoạt - Ảnh 1.

Người dân Palestine tập trung tại bãi biển ở Deir Al Balah, miền trung Gaza để tắm và giặt quần áo. Ảnh: AP

Bất chấp nhiệt độ lạnh, mọi người vẫn tắm rửa và giặt quần áo trên biển.

"Đó là cách duy nhất để tắm rửa sạch sẽ và cầu nguyện", ông Sulieman nói tại bãi biển Deir Al Balah, trung tâm Gaza.

Ông và 37 thành viên trong gia đình đã trú ẩn trong các trường học do cơ quan Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine điều hành.

Theo hãng tin Reuters, quân đội Israel tuyên bố tấn công khoảng 600 mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza trong vài ngày qua khi tiếp tục mở rộng chiến dịch trên bộ tại vùng lãnh thổ này. 

Phía Palestine đã báo cáo các cuộc không kích và pháo kích dữ dội ở Gaza vào sáng 30/10, khi quân đội Israel dùng xe tăng yểm trợ tiến vào khu vực này.

Các cuộc không kích trong đêm nhằm vào các khu vực gần bệnh viện, nơi hàng chục nghìn người Palestine đang tìm nơi trú ẩn cùng với hàng nghìn người bị thương.

Trước khi xung đột nổ ra, Israel đã sử dụng ba đường ống để cung cấp cho Dải Gaza 18 triệu mét khối nước uống mỗi năm, tương đương khoảng 9% nhu cầu sử dụng hàng năm của khu vực này.

Phần còn lại – khoảng 200 triệu mét khối nước mỗi năm, được sản xuất tại khu vực này.

Nhiều người dân ở Gaza đang dựa vào nước máy mặn từ tầng ngậm nước duy nhất, vốn đã ô nhiễm bởi nước thải, hoặc thậm chí phải dùng nước mặn trong sinh hoạt hằng ngày. Hầu hết 65 trạm bơm nước thải và tất cả 5 cơ sở xử lý nước thải tại dải Gaza buộc phải đóng cửa.

Người dân ở Dải Gaza phải dùng nước biển trong sinh hoạt - Ảnh 2.

Người Palestine tập trung trên bãi biển để tắm, giặt giũ và rửa đồ dùng bằng nước biển do thiếu nước ngọt và điện ở phía nam Dải Gaza ngày 29/10/2023. Ảnh: AFP

Nước thải chưa qua xử lý đang đổ trực tiếp ra biển trong khi chất thải rắn cũng bắt đầu tràn ra đường phố. Cùng lúc, các sản phẩm vệ sinh đã biến mất hoàn toàn trên kệ của số ít siêu thị còn mở cửa ở dải Gaza.

Một số hàng cứu trợ đã được đưa vào dải đất từ Ai Cập tại cửa khẩu Rafah, nhưng các cơ quan nhân đạo cho biết cần phải cho phép thêm nhiều hàng viện trợ hơn nữa.

Yasmin Ataar, một bà mẹ ba con, nói rằng ba2 đã giặt quần áo cho con mình bằng nước biển.

"Tôi không có nơi nào để giặt hoặc phơi những bộ quần áo này. Tôi đang bắt các con tôi mặc quần áo ẩm ướt", bà nói.

Con gái của bà có vấn đề về thận nên bà cần nước uống sạch. "Chỉ có Chúa mới biết nỗi đau khổ của chúng tôi và những gì chúng tôi đang trải qua", bà Ataar nói.

Maryam Lawa, 42 tuổi, cho biết biển là nguồn nước duy nhất mà gia đình bà có.

Bà nói: "Tôi muốn thế giới biết những gì chúng tôi đang trải qua. Chúng tôi cần sự giúp đỡ".

Các nhóm viện trợ đã cảnh báo việc thiếu nước sạch có thể dẫn đến sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng bao gồm bệnh tả và kiết lỵ.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tình trạng thiếu nước khiến tính mạng gặp nguy hiểm, khiến các bệnh viện trên khắp Gaza phải vật lộn để điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân.

"Nước cần thiết để đảm bảo điều kiện vệ sinh tại các khu điều trị nội trú, phòng mổ và khoa cấp cứu. Điều cần thiết là ngăn ngừa nhiễm trùng liên quan đến bệnh viện và ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh trong bệnh viện", WHO cho biết.

(Nguồn: The National/ Al Jazeera)

NGỌC CHÂU