Người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình là ai?

Năm 2004, bà trở thành người phụ nữ châu Phi đầu tiên được trao Giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình.

Năm 2004, Giải Nobel Hòa bình được trao cho bà Wangari Maathai, người Kenya. Bà Wangari Maathai là người phụ nữ đầu tiên của châu Phi nhận giải Nobel hòa bình. Không chỉ vậy bà còn là người phụ nữ châu Phi đầu tiên lãnh đạo một khoa tại một trường đại học, là người đi tiên phong trong bảo vệ môi trường...

Bà Maathai được nhận trợ cấp từ chương trình giáo dục mang tên "Airlift Africa" của Mỹ dành cho châu Phi. Bà là môt trong những được chọn để tham gia học tại các trường đại học ở Mỹ năm 1960. Bà từng học tại Cao đẳng Mount St. Scholastica (nay là Cao đẳng Benedictine) ở quận Atchison, bang Kansas, Mỹ, với chuyên ngành sinh học.

Bà Wangari Maathai 
Bà Wangari Maathai 

Bà học thạc sĩ sinh học tại Đại học Pittsburgh và tốt nghiệp năm 1966. Năm 1971, bà Wangari Maathai lấy bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Nairobi và trở thành người phụ nữ đầu tiên ở khu vực Đông và Trung Phi đạt học vị tiến sĩ với bằng chuyên ngành giải phẫu thú y. Bà từng là thành viên của Nghị viện Kenya và trợ lý của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nước này. Tên tuổi của bà gây chú ý từ thời điểm khai sinh phong trào mang tên “Phong trào vành đai xanh" năm 1977 với mục địch phát động toàn xã hội trồng cây xanh, tổ chức ươm cây con để rồi trao chúng miễn phí cho tất cả những ai muốn trồng cây.

Tại Kenya, đây là một việc làm vô cùng cấp thiết giúp bảo vệ dòng chảy của nước, ngăn chặn nạn xói mòn đất đai. bảo đảm củi đun cho người dân. Năm 1986 phong trào của bà đã vượt ra khỏi biên giới Kenya, trở thành một mạng lưới trồng cây trên khắp châu Phi.

Bà từng tham gia các phong trào bảo vệ môi trường và quyền phụ nữ và là thành viên của nhiều tổ chức nhân quyền và môi trường như: Hội Chữ thập đỏ Kenya, Hiệp hội Phụ nữ Đại học Kenya, Trung tâm Môi trường thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc… 

Với phong trào  "Vành đai xanh" (Green Belt Movement - GBM), tính cho đến nay đã có hơn 51 triệu cây xanh đã được trồng trên khắp châu Phi, hơn 30.000 phụ nữ được đào tạo về lâm nghiệp, chế biến, nuôi trồng, giúp họ kiếm thêm thu nhập, đồng thời bảo tồn đất đai và tài nguyên của mình. 

Năm 1977, bà tham gia tranh chức tổng thống Kenya, nhưng đảng đề cử bà đột nhiên rút lại lời tiến cử. Trong giai đoạn cầm quyền của tổng thống Daniel Arap Moi, Wangari Maathai đã nhiều lần bị bắt vì phê phán chế độ. 

Năm 2002, Maathai được bầu vào Quốc hội Kenya. Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2003 của Mwai Kibaki (người tuyên bố sẽ nhổ tận gốc nạn tham nhũng ở Kenya), Maathai được bổ nhiệm làm Thứ trưởng bảo vệ môi trường. Bà đã thông báo kế hoạch trong năm năm tới sẽ tăng diện tích rừng trong nước từ 2% lên tới 10% (mức các nhà khoa học đề nghị để Kenya có thể phát triển bền vững). Bà đã từng có những quyết định nhằm ngăn bớt nạn phá rừng. Bà cũng dành nhiều sự chú ý cho việc bảo vệ hệ động thực vật Kenya. Bà đã đặt việc bảo vệ các loài hoang dã làm một trong những nhiệm vụ ưu tiên cho công tác môi trường của Kenya. 

Bà còn đóng vai trò là người hậu thuẫn cho Tổ chức Cứu lấy đàn voi (Save elephants) của Chính phủ Kenya thực hiện các đề án cứu voi (đề án này bao gồm việc gắn các bộ cảm biến vào voi để có thể theo dõi mọi sự dịch chuyển của chúng).

Trước Nobel hòa bình, bà Maathai từng nhận được rất nhiều giải thưởng giá trị, trong đó có giải thưởng Goldman tương đương giải thưởng Nobel của châu Phi. Bà qua đời năm 2011, để lại niềm tiếc thương cho nhiều người.

Thanh Mai/Tổng hợp