Nhà đầu tư bỏ cọc tiền lệ cho các cuộc đấu giá phía sau

Giá đất tăng lên không phải là chỉ có ảnh hưởng từ đấu giá. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận đấu giá đất cao sẽ ảnh hưởng đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng sau này. Nhưng với việc nhà đầu tư bỏ cọc, thời gian tới, giá đất tại Thủ Thiêm cũng sẽ hạ nhiệt.

Việc tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc, tuyên bố đơn phương chấm hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm là một quyết định không được mong đợi vào thời điểm này, khi mà đông đảo người dân mong muốn chính quyền TP. HCM có những nguồn lực cần thiết, tức thời, đủ lớn để thực thi những chính sách an sinh xã hội sau những mất mát to lớn do dịch bệnh Covid để lại.

Mặt khác, tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng và bỏ cọc của tập đoàn Tân Hoàng Minh làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động đấu giá bất động sản tại Thủ Thiêm vừa qua, dấy lên những quan ngại sâu sắc về tính chính danh và uy tín của hoạt động đấu giá tài sản công, làm giảm tính hiệu lực của pháp luật, tạo ra tiền lệ xấu trong hoạt động đấu giá, đấu thầu.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định: thực tế cho thấy chỉ có giao đất thông qua hình thức đấu giá đất thì chúng ta mới có được thị trường bất động sản lành mạnh, có những dự án tuân thủ quy định pháp luật, hàng hoá đưa vào thị trường mới có chất lượng và sẽ không còn tình trạng lừa đảo hay dự án ma như Alibaba. Tuy nhiên, việc Tân Hoàng Minh tham gia trả mức giá cao kỷ lục tạo ra hệ lụy lớn, gây ra sự tăng giá cho toàn vùng Thủ Thiêm, TP.HCM và một số địa phương khác, tạo khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư chân chính.

Việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm đã được nhiều người dự báo trước do tính bất khả thi về lợi nhuận. Ngoài mất gần 600 tỷ đồng tiền đặt trước, cái mất lớn nhất của Tân Hoàng Minh là danh dự và uy tín. Song có thể nói đơn vị này bỏ cọc sẽ giúp thị trường tự điều chỉnh, điều tiết về đúng giá trị thực hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng nhìn nhận, hoàn thiện lại khung khổ pháp lý đối với đấu giá đất, hạn chế tác động tiêu cực lên thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

“Theo tôi, cần phải điều chỉnh quy định pháp luật để tránh những trường hợp bỏ giá như Tân Hoàng Minh, để chúng ta đạt được đúng mục đích của đấu giá. Phải đánh giá đạo đức, năng lực, hành vi của đơn vị tham gia đấu giá. Nếu gây ra hậu quả xấu, bắt buộc họ phải xử lý dứt điểm. Có thể kiên quyết không cho những đơn vị này tham gia đấu giá ở phạm vi toàn quốc để tạo sự công bằng, minh bạch trên thị trường…”, ông Đính nói.

Để việc đấu giá diễn ra với hiệu quả cao nhất, đạt được mục tiêu mong muốn, cần có những hoạt động kỹ lưỡng để cho mọi người, bao gồm cả người dân, nhà đầu tư và cả chính quyền các cấp hiểu rõ giá trị của bất động sản Thủ Thiêm. Nói về việc này, nhiều chuyên gia đánh giá việc đấu giá các lô đất được thành phố tiến hành chặt chẽ, đúng chủ trương, quy định của pháp luật. Quá trình tổ chức đấu giá cũng được thực hiện chặt chẽ theo quy định, công khai và minh bạch. Còn việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc là đáng buồn nhưng cũng nên vui.

Theo tâm thư của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và thông cáo báo chí của Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh thì đơn vị này đã tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm. Trước đó, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đã trúng đấu giá lô đất 3-12 (10.060 m2) sau khi trả giá 24.500 tỷ đồng (2,45 tỷ đồng/m2), cách đơn vị trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài (đặt giá 23.800 tỷ đồng) một bước giá là 700 tỷ đồng.

“Đây thực sự là mức giá cao bất ngờ mà ngay cả bản thân tôi trước khi tham gia đấu giá cũng không bao giờ nghĩ đến. Nhưng thực tế, trong quá trình tham gia đấu giá đã có rất nhiều nhà đầu tư trả giá cao đến mức 20.000 tỷ đồng rồi bỏ cuộc. Từ đó chỉ còn lại một nhà đầu tư nước ngoài và tôi tiếp tục tham gia đấu giá, nếu tôi bỏ cuộc thì ô đất 3-12 này là ô đất được đánh giá đẹp nhất bán đảo Thủ Thiêm sẽ thuộc về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó trào lên lòng tự hào dân tộc, danh dự của các tập đoàn đầu tư bất động sản trong nước mà tôi là một trong những số đó, nên tôi đã quyết tâm trả giá cao hơn 3% để giành quyền trúng đấu giá ô đất này”, tâm thư ông Dũng viết.

Trong tâm thư, ông Dũng xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật về việc đấu giá tài sản công. Lý giải về quyết định “bỏ cọc”, tại thông cáo báo chí, Tân Hoàng Minh cho biết: “Sau khi trúng đấu giá, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của Tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính để đảm bảo dòng tiền theo đúng tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký. Đồng thời đã lên phương án thiết kế - đầu tư - kinh doanh mới phù hợp nhất và có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp, không đúng như kỳ vọng ban đầu. Nhưng vẫn đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư và giữ gìn uy tín của Tập đoàn đã xây dựng trong 30 năm qua".

Từ trước đến nay, điều quan ngại nhất trong công tác đấu giá đất thường tập trung ở tình trạng thông đồng, móc nối giữa các bên, hay dùng “quân xanh, quân đỏ” để dìm giá, tìm mọi cách trúng đấu giá ở mức thấp rồi bán lại ăn chênh lệch… Trong khi đó, trường hợp của Tân Hoàng Minh thì ngược lại: trả giá lên cao bất thường… để rồi bỏ “khoản tiền đặt trước” lên tới gần 600 tỷ đồng.

Tổng Hợp