Nhà đinh đòi 10 tỷ và 2 căn hộ mới chịu dời đi: Chẳng nhận được đền bù, ngày ngày phải lội nước mới vào được nhà

Sau khi xung quanh toàn là biệt thự, gia đình có hối hận cũng chẳng thể làm được gì.

 Những ngôi nhà không chịu di dời là một trong những chủ đề được quan tâm tại Trung Quốc. Một số ít người dân từ chối hợp tác trong quá trình phá dỡ vì nhiều lý do. Cuối cùng tất cả những ngôi nhà cũ ở khu vực xung quanh đều bị phá bỏ để xây dựng dự án mới, chỉ còn lại ngôi nhà cũ của gia đình họ bị mắc kẹt ở đó. Đây được gọi là “ngôi nhà đinh”.

Tại Giang Tô (Trung Quốc), có gia đình nọ đã rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tòa nhà hai tầng và sân trong của họ được bao quanh bởi những biệt thự. Đáng nói, nếu muốn ra ngoài, thành viên của gia đình này phải chấp nhận lội nước.

Chê tiền đền bù không đủ nhiều

Bà Trang Long Đệ là chủ của "ngôi nhà đinh" này. Bà kiếm sống bằng nghề trồng rau. Dù con cái đã trưởng thành và có thể phụng dưỡng khi về già nhưng bà Trang vẫn trồng và bán rau để kiếm tiền. Bên cạnh đó, bà còn phải chăm sóc người chồng nằm liệt giường của mình.

Đối với bà Trang, khoảng sân nhỏ trồng rau là nguồn thu nhập quan trọng của gia đình. Bà cho rằng khoản bồi thường của chủ đầu tư cho việc phá dỡ sân là không hợp lý. Thêm vào đó, chồng của bà hiện nằm liệt giường nên gia đình không muốn di chuyển đến nơi khác.

Ngôi nhà của gia đình bà Trang Long Đệ. Ảnh: Sohu
Ngôi nhà của gia đình bà Trang Long Đệ. Ảnh: Sohu

Ngoài ra, con cái họ cũng hy vọng kiếm thêm tiền từ việc phá dỡ nên đưa ra những điều kiện mà chủ đầu tư không thể chấp nhận được. Chủ đầu tư đã tăng giá lên 1 triệu NDT (tương đương 3,4 tỷ đồng) nhưng “nhà đinh” vẫn không chịu thỏa hiệp. 

Gia đình bà Trang lập luận rằng sau nhà có sông, quanh nhà có đất trồng rau, trồng hoa, cộng thêm chi phí lắp đặt các tiện ích, điện nước, căn nhà này chắc chắn trị giá 3 triệu NDT (tương đương 10 tỷ đồng). 

Bên cạnh đó, bà và gia đình con trai cả đang chung sống trong ngôi nhà này, nên họ đòi bồi thường bằng 2 căn hộ và 3 triệu NDT.

Theo ChinaDaily, năm 2006, con trai và con dâu của bà Trang gặp tai nạn và không may qua đời. Trước đó, gia đình đã ký thỏa thuận phá dỡ với điều kiện sẽ nhận được hai mảnh đất để tái định cư. Tuy nhiên, sau khi con bà mất, họ không nhận được thông báo từ chủ đầu tư. Bà cho rằng đối phương đã lừa dối mình nên không chịu thỏa hiệp. 

Cái kết chẳng ai muốn

Do hai bên không đi đến thỏa thuận cuối cùng, chủ đầu tư đành thi công để kịp tiến độ. Hàng xóm đã chuyển đi hết, chỉ còn gia đình bà Trang Long Đệ ở lại, sống với tiếng gầm rú của máy móc. Điều này khiến hai cụ già ngủ không ngon.

Không những thế, ban ngày điện nước còn bị cắt, hai vợ chồng già kiếm sống bằng nghề bán rau bị bao vây giữa công trường, muốn ra ngoài phải lội qua con sông gần nhà. 

Cảnh quan xung quanh nhà bà cũng thay đổi chóng mặt. Trong khi đó, nội thất trong nhà lại càng đổ nát, mái nhà nứt nẻ, tường bắt đầu bong tróc. Vì nhà nằm cạnh sông nên khu vực xung quanh vô tình trở thành bãi rác.

Ngôi nhà nằm lọt giữa dự án sầm uất. Ảnh: Sohu
Ngôi nhà nằm lọt giữa dự án sầm uất. Ảnh: Sohu

 Từ trên cao nhìn xuống, nhà bà Trang như một hòn đảo biệt lập giữa đất xanh. Bà đã có tuổi, việc di chuyển ngày càng bất tiện.

Năm 2016, bức ảnh bà Trang đẩy xe qua sông để bán rau được đăng tải trên mạng. Sau khi phóng viên biết được chuyện này, họ đã đến phỏng vấn một người con của bà. Anh lại thản nhiên nói: “Việc này chỉ xảy ra vào mùa mưa thôi, những lúc khác thì không sao”.

Vào năm 2018, do hai vợ chồng già đã già, họ đành phải dọn đến nhà người con trai lớn. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của họ không được khả quan, gia đình 5 người sống trong một ngôi nhà vài chục mét vuông.

Đến nay, con trai của bà phải đi ra ngoài làm ăn. Về phần gia đình, họ chưa nhận được khoản tiền đền bù.

Nhiều người chỉ trích gia đình đòi hỏi quá cao. Trong khi đó, một bộ phận cho rằng dù vợ chồng già không đồng ý chuyển đi thì đó cũng là quyền tự do của họ.

Nguồn: ChinaDaily, Sohu

Thùy Anh