Lê Minh Hà từng nói: “Tôi không thích Hà Nội bởi hồi ấy, tôi thấy mình như con gà nằm trong một chiếc chuồng chật hẹp”. Ừ thì chị có cảm giác mình như con gà, nếu đọc qua, chắc ai yêu Hà Nội sẽ có cảm giác chạnh lòng, sao lại có thể ví Hà Nội với chuồng gà thế, nhưng nếu hiểu, đó là những con gà muốn xổng chuồng để bay xa, thoát khỏi sự chật hẹp, nhưng lúc thả ra rồi, chúng lại chỉ biết quẩn quanh bên chuồng ngày rồi lại qua ngày thì sẽ hiểu được cảm giác của người trẻ Lê Minh Hà lúc ấy.
Lê Minh Hà viết đều và khá khỏe, chị không in thì thôi, in thì một lúc 3 cuốn (vừa tái bản có bổ sung, vừa in mới). Đó là 3 cuốn: “Phố vẫn gió”, “Gió tự thời khuất mặt”, “Những ta” mà chị vừa cho ra mắt trong tháng 1/2024 tại Hà Nội, một trận gió đa chiều, mang phong vị riêng không lẫn vào đâu được của Lê Minh Hà.
Hà từng bảo: “Đừng gọi tôi là nhà văn, cứ Hà không là được rồi”. Ừ thì không gọi là nhà văn. Ấy thế mà buổi ra mắt lại được tổ chức ngay ở Hội Nhà văn Việt Nam. Nói gì thì nói, 3 cuốn sách bìa tim tím mang phong cách tối giản của họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ, cũng là một dấu ấn đặc biệt trong ngày Hà Nội mưa phùn gió bấc lê thê cố hữu của vụ đông xuân Hà Nội.
Nhà văn Lê Minh Hà |
Ngân trong “Gió tự thời khuất mặt”, đến Ngân trong “Những ta” hình như chưa có một sự gián đoạn hoặc dị biến nào. Vẫn như một sự liên văn bản giữa các tác phẩm viết của Lê Minh Hà. Các nhân vật của Lê Minh Hà có một bản gia hệ khá nhằng nhịt và sự miên man trong ý thức hệ của chị từ nhân vật này nhảy sang nhân vật khác, bắt rẽ sang cả một mạng lưới siêu nhiều bao quanh khiến cho các văn bản trở thành một trường thiên tiểu thuyết mà nếu vẽ sơ đồ các mối quan hệ của các nhân vật cũng khá phức tạp như các nhân vật trong “Trăm năm cô đơn” của Market.
Những người đàn bà lớn lên ở khu tập thể, sau hậu chiến, họ chơi vơi với cuộc sống lúc đó nhốn nháo khi người ta tìm phương cách mưu sinh bằng cách đi nước ngoài, tìm cách tồn tại bằng mọi phương tiện, hình thức, và chọn cả sự bấu víu ở những nơi sẫm màu nhất. Một Ngân luôn tự hiểu chính mình, dằn vặt “sẽ tự rủi ro khi cố phân tích bản thân, cố tìm mình trong bóng đời… Chữ nghĩa không phải là nơi ẩn giấu con người khi trốn chạy chính mình”. Ẩn sau những trang chữ là những độc thoại nội tâm của một người đàn bà thông minh vốn nhiều chiều suy tư. Các nhân vật nữ trong tác phẩm của Lê Minh Hà, hình như hiếm có người nào thực sự hạnh phúc trọn vẹn.
3 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lê Minh Hà |
Ngân trong “Những ta”, một nhân vật tuyến tính trong số các nhân vật sống trong đô thị, một đô thị là và buồn như Hà Nội với những mối tơ vò, những ký ức về thời mới lớn cho tới khi cô theo chồng ra xứ người. Tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật qua 3 điểm nhìn của tôi 1- tôi 2- tôi 3 với sự quán chiếu nội tâm từ 3 tôi ấy mà ra cả tôi của một thế hệ - một lớp người ở giữa, lớp người trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa với sự lầm lụi, đớn đau, và cả tẻ nhạt nhưng đầy yêu thương và nghĩa tình. Tồn tại như thế nào, làm gì, đi đâu, sống thế nào, con người đối đãi với nhau ra sao… Tất cả cứ dịu dàng mà phơi bày trong từng trang sách của Lê Minh Hà.
“Khi còn muốn hát ca về những điều giản dị và lẽ ra phải có như là niềm yêu, nỗi hoài nhớ, khoảng đường quen một chiều ngang qua ngạc nhiên thấy chính mình bỗng lạ, sự cô độc, hay niềm khát khao kiêu hãnh về một cái gì đó đẹp đẽ lắm mà con người đã đánh mất… thì có nghĩa là người ta còn trẻ, và tuổi trẻ nhọc nhằn ấy có thể là vô tích sự, có thể là rồi vô tăm tích trong cả cuộc đời nhạt toẹt về sau, nhưng làm ta yên tâm về mình…”.
3 tập với hơn ngàn trang in, với số ít nhân vật nhưng lại vô số nhân vật vệ tinh, Lê Minh Hà đã xây cho tác phẩm của mình một hệ thống về lớp người thời ấy, yêu cũng miên man, giận cũng miên man và buồn cũng miên man… Nhân vật của họ ra đi, mang theo cuốn sách “Mây đầu ô”, “Hà Nội 36 phố phường”, và “Thơ say” bởi họ chẳng biết bao giờ mới trở về. Chữ, làm cho họ nhớ…
Đọc Hà, phải đọc chậm, và thích hợp với người ưa lối sống chậm. Ai ưa nhanh, tốc độ, sẽ khó có thể thẩm được, nhặt được những trang viết tinh tế đầy nội tâm của Lê Minh Hà. Đọc, mà đôi khi nhức nhối trong tim.
“Bây giờ ngồi nghĩ tôi cũng không biết có những thế hệ người Việt chúng ta ai khổ hơn ai”. Họ đã đi qua những hiện thực đủ đầy và tàn khốc để nhớ về một tuổi trẻ “thảm hại thế, mà sao vẫn đẹp”. Nhớ làm cho chúng tôi hiểu mình vẫn sống. Sống, cho dù vì một quá khứ co hẹp dần y như ký ức của những người mắc chứng Alzheimer. Sống, cho dù vì một tương lai cứ đọc và nghe cho lắm vào, sẽ thấy chưa có đã tàn suy mất rồi!
Lê Minh Hà trong lễ ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết |
Và phố của Hà, vẫn những mùi lá đốt những chiều thu muộn pha lẫn sương mù và hương sữa rớt lan vào trong, “Đi, đi, đi. Để thoát ra khỏi cái cảm giác thấy tất cả nhưng đọng lại giữa thành phố đang sống. Để kiếm tìm. Ngay cả nỗi cô đơn”.
Tôi đã hỏi chị Lê Minh Hà về sự tha hương và những con chữ đau đáu, chị đã chia sẻ: “Khi tôi qua Đức, vừa trải qua một cú shock vì những điều trông thấy, không bao giờ hình dung thấy khi ở quê nhà, và tuyệt vọng, và cái làm cho tôi vẫn cảm thấy mình là mình chính là nỗi nhớ. Nỗi nhớ bảo vệ mình không bị vong thân. Thiếu nó thì y như đang ở trạng thái chân không vậy. Nếu sống từng ngày với nhịp cũ, sẽ khó biết được hình thù lớn lao của nỗi nhớ, cũng như khó nhận ra phom dáng của những đổi thay, nói thật là nhiều lúc cũng cấn - mắt - cấn - lòng phết!”.
Đọc Hà. Để thấy mỗi ngọn gió là một triền xưa ai đi, một triền cô đơn giữa biển người sôi động.
Vào những ngày đầu tiên của năm 2024, Lê Minh Hà in 03 cuốn tiểu thuyết cùng lúc là “Phố vẫn gió”, “Gió tự thời khuất mặt và “Những ta”. Trong đó, cuốn “Gió tự thời khuất mặt” đã từng được in 18 năm trước và bản in năm 2024 là “nguyên bản”, không có sửa chữa biên tập.
“Gió tự thời khuất mặt” là tiểu thuyết đầu tiên của Lê Minh Hà. Tiếp sau đó là “Phố vẫn gió”, “Những ta”. Lê Minh Hà mô tả lao động văn chương của mình là “viết từng từ một, phải nói là viết rất khó nhọc”.
Sự đối lập của Hà Nội cũ và Hà Nội hậu chiến là bức tranh đầy cảm xúc mà Lê Minh Hà dựng lên. Có cảm giác sự đau đớn của nhân vật Ngân khi chứng kiến những đổi thay của Hà Nội phải chăng cũng có bóng dáng của chính chị, một người Hà Nội sống xa Hà Nội đã nhiều năm?!
Những bộ tiểu thuyết đồ sộ bước lên màn ảnh với thành công rực rỡ
Thành công trên những kệ sách với các danh hiệu bán chạy nhất, nhiều bộ tiểu thuyết đã xuất hiện trên màn ảnh rộng.