Cách đây chưa đến 200 năm, Nicéphore Niépce tạo ra bức ảnh thủ công đầu tiên ghi lại thế giới tự nhiên. Các bức ảnh ban đầu dùng lưu giữ và trưng bày tại nhà trong các khung ảnh hoặc các album gia đình để chia sẻ cùng người thân, bạn bè.
Khi nhiếp ảnh chứng minh được khả năng của mình như một công cụ của nghệ thuật, các bản in nhiếp ảnh bắt đầu được trưng bày như các tác phẩm nghiêm túc trước công chúng trong các triển lãm. Ngày nay, vô số bức ảnh kỹ thuật số được tạo ra mỗi ngày và có thể lập tức được chia sẻ với bất cứ ai ở bất cứ đâu nhờ Internet – một lần nữa, giá trị sáng tạo và nghệ thuật của nhiếp ảnh dường như lại bị thách thức.
Hình ảnh và bức ảnh
Trong thời đại kỹ thuật số và mạng Internet chiếm ưu thế trong việc sáng tạo và trải nghiệm, có nhiều người bị nhầm giữa hình ảnh (image) và bức ảnh (photograph). Khi nhiếp ảnh hoàn toàn là thủ công, bạn bắt buộc phải tạo ra bức ảnh tức là một bản in hoàn thiện từ âm bản thì mới có thể nhìn được hình ảnh của nó.
Với kỹ thuật số, sau khi bạn ghi lại hình ảnh trên cảm biến điện tử và nó chuyển thông tin thành hình ảnh hiển thị, và thậm chí sau khi đã hoàn thiện toàn bộ phần hậu kỳ – đó mới chỉ là một hình ảnh.
Triển lãm tranh vẽ bằng iPad và iPhone được trưng bày bằng chính các thiết bị này – Những bông hoa tươi (Fleur fraîches) tại Fondation Pierre Bergé – Yves Saint Laurant, Paris năm 2010-2011 của David Hockney, một trong những họa sĩ còn sống có tranh đắt nhất thế giới. (Ảnh: Luc Castel) |
Tất nhiên, nhờ có mạng Internet, bạn lập tức có thể chia sẻ hình ảnh này trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram… và các trang web khác. Nhưng, lúc này, bức ảnh hay tác phẩm nhiếp ảnh thực chất vẫn chưa hoàn thiện. Nếu muốn thực hành nhiếp ảnh chuyên nghiệp, dù là nghệ thuật hay thương mại, báo chí, bạn cần phải nghĩ tới trình hiện tối hậu và hoàn thiện của sản phẩm sáng tạo, tức là bao gồm chất liệu.
Chất liệu đó có thể là màn hình điện tử, có thể là bản in, kỹ thuật số hoặc thủ công, thế nào cũng được – miễn là có ý định và lý do cụ thể từ tác giả. Bởi dù một tác phẩm được tạo ra “vì sao” hay cho mục đích gì, thì “như thế nào” cũng là một phần của tác phẩm, chứ không chỉ là “cái gì” - nghĩa là nội dung hình ảnh của tác phẩm ấy. Khi đã có đủ cả ba, hình ảnh mới thực sự trở thành bức ảnh.
Từ triển lãm nhiếp ảnh đầu tiên tới bùng nổ hình ảnh ngày nay
Năm 1852, triển lãm đầu tiên trên thế giới dành riêng cho nhiếp ảnh được Hội Nghệ thuật (Society of Arts) tổ chức tại London, Anh quốc với cái tên Triển lãm những mẫu vật nhiếp ảnh gần đây (Exhibition of Recent Specimens of Photography). Trưng bày này bao gồm 774 bức ảnh đủ thể loại, dẫn tới sự hình thành của Hội Nhiếp ảnh (Photographic Society) vào năm 1853.
Một triển lãm gây tranh cãi của Richard Prince – một nghệ sĩ còn sống đóng góp rất nhiều vào danh sách tác phẩm nhiếp ảnh đắt nhất thế giới. Ở đây, ông in các hình ảnh lấy từ Instagram của những người khác và trưng bày thành một sắp đặt mang tên Chân dung mới (New Portraits) (2014). Đã có tác phẩm từ triển lãm này được bán với giá 100.000 USD. |
Nhiếp ảnh nghệ thuật đã không ngừng phát triển từ đấy, cho ra đời những tác phẩm quan trọng và đắt giá ngày nay. Nhưng, có lẽ, chỉ tới vài thập kỷ cuối của thế kỷ 20, nhiếp ảnh mới đạt đến đỉnh cao ảnh hưởng trong khung cảnh chung của nghệ thuật, đặc biệt thể hiện qua các tác phẩm và các thành tựu của cặp nghệ sĩ/vợ chồng Bernd và Hilla Becher.
Các sắp đặt của loạt ảnh mang tính phân loại học với chủ thể được hai nghệ sĩ gọi là những “tác phẩm điêu khắc vô danh” đã giúp họ đạt giải thưởng Leone d’Oro (Sư tử Vàng) cho hạng mục… điêu khắc tại La Biennale di Venezia – triển lãm văn hóa quốc tế thường niên lâu đời nhất thế giới. Các hoạt động mua bán sưu tầm nhiếp ảnh cũng chỉ bắt đầu sôi nổi từ đầu những năm 2000.
Cặp Becher ghi lại hình ảnh của những tháp nước cũ tại Đức. |
Bước sang đầu thế kỷ 21, nhiếp ảnh kỹ thuật số và Internet đều bùng nổ. Nhờ công nghệ kỹ thuật số, các hình ảnh được tạo ra trên các cảm biến nhạy sáng thay cho phim phủ chất hóa học nhạy sáng. Những hình ảnh này lập tức có thể xem được mà không cần qua bước tráng phima và rửa ảnh (hay in ảnh thủ công). Thậm chí, những người chụp phim cũng dần dịch chuyển sang scan phim thành các tệp kỹ thuật số thay bằng in chúng ra như trước. Sau đó, nhờ Internet, các hình ảnh dễ dàng được chia sẻ, chiêm ngưỡng, và sao lưu.
Bùng nổ của kỹ thuật số và mạng máy tính đã dẫn tới bùng nổ hình ảnh. Các công cụ tạo và chỉnh sửa hình ảnh càng ngày càng dễ dàng truy cập và sử dụng với bất cứ ai. Thực hành nhiếp ảnh đã trở thành việc của mọi người mọi nhà, và hình ảnh dần tách khỏi bức ảnh.
Tác phẩm “Hoa uất kim hương” của Rosalind Hobley – ví dụ cho một quy trình lai với âm bản từ hình ảnh kỹ thuật số, in phun lên tấm phim, được dùng để in thủ công (cyanotype) thành tác phẩm hoàn thiện. Các quy trình lai kỹ thuật số và thủ công càng ngày càng phổ biến. |
Mọi công nghệ được tạo ra đều là vì mặt tốt của chúng và mặt trái của chúng là thứ đòi hỏi ta thích nghi. Các tác phẩm điện tử và thậm chí là các cuộc trưng bày ảo truy cập bằng Internet đã không còn quá xa lạ. Nhiếp ảnh hoàn toàn không gặp cản trở gì bởi công nghệ kỹ thuật số hay Internet.
Trái lại, các công nghệ này mở rộng khả thể sáng tạo và trưng bày nhiếp ảnh, nhưng đồng thời yêu cầu cả người thực hành và khán giả đều phải trau dồi và cập nhật nhận thức của mình về phương tiện này, để phù hợp với một bối cảnh xã hội phát triển cực kỳ nhanh chóng.
Tác giả: Lê Hương Mi
Hương Mi Lê (SN 1991) là một nhà giáo dục, một dịch giả, và một tác giả. Hiện cô đang giảng dạy Lịch sử Thiết kế Đồ họa và Ký tự pháp tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, và là chủ mục Lịch sử thiết kế đồ họa tại iDesign. Mi tham gia tổ chức các sự kiện nghệ thuật trong nhiều vai trò khác nhau như quản lý dự án, quản lý truyền thông, điều phối nội dung và diễn giả trong các buổi tọa đàm. Các đơn vị cô từng hợp tác là Thư viện CA’, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, Á Space, VCCA, viện Goethe TP HCM, Pencil Philosophy, Sunday Art Club, Thái Hà Books, Omega+, tạp chí Người đô thị…, và các nhà thực hành độc lập.
Trong khuôn khổ Photo Hanoi’23, biennale quốc tế đầu tiên về nhiếp ảnh tại Việt Nam do viện Pháp tổ chức, vừa qua, Mi đã tham gia làm điều phối và diễn giả cho nhiều tọa đàm và trò chuyện.
Ngoài ra, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.
Gen Z với trào lưu chụp ảnh máy phim sau đại dịch
Một làn sóng mới người trẻ chuộng những công nghệ cổ thay vì tính tiện lợi của những thiết bị kỹ thuật số.