Gen Z với trào lưu chụp ảnh máy phim sau đại dịch

Một làn sóng mới người trẻ chuộng những công nghệ cổ thay vì tính tiện lợi của những thiết bị kỹ thuật số.

Indi Shields lần đầu phát hiện ra cuốn phim trong ngăn kéo tại nhà cô khi còn nhỏ. “Máy ảnh phim đầu tiên tôi cầm trên tay là của cụ tôi. Cảm giác thật đặc biệt khi cầm và dùng nó như cách mà cụ đã từng sử dụng, dù tôi chưa từng được gặp mặt”, cô nói.

Indi Sheilds là một cô gái thế hệ GenZ đang sống tại Sydney (Úc). Cô đã từng chụp ảnh máy phim trước đại dịch, nhưng chỉ thi thoảng trong một vài sự kiện. Còn bây giờ, cô thay đổi thói quen của mình, cô hay chụp “những thứ đời thường như bạn tôi ngồi xem TV trên ghế sofa, hay đường hầm tôi hay qua trên đường ra tàu, chỉ bởi đó là những khoảnh khắc ngọt ngào tôi muốn nhìn lại hay nhớ về sau 5 – 10 năm nữa”.

Trở lại sử dụng máy ảnh phim đang trở thành xu hướng ở giới trẻ (Ảnh: Guardian)
Trở lại sử dụng máy ảnh phim đang trở thành xu hướng ở giới trẻ (Ảnh: Guardian)

Những tấm hình hoá ra lại mang đến cho cô nhiều điều bất ngờ thú vị. “Trong đợt phong tỏa, một thú vui của tôi là gửi những thước phim đi rửa. Đó là điều đáng mong đợi trong giai đoạn buồn tẻ ấy, cho dù tôi không biết bản thân đã chụp những gì bởi tôi chả làm gì cả”, cô nói.

Để lại cuộc sống phong tỏa phía sau, Shields giờ trở thành một khách hàng thường xuyên tại cửa hàng Sydney Super8, một trong những cửa hàng lớn chuyên dòng ảnh máy phim tại Sydney (Úc).

Cửa hàng chuyên về các máy ảnh cổ, phụ kiện phim và xử lý ảnh phim. Chủ cửa hàng, ông Nick Vlahadamis, nói ông đã chứng kiến những người trẻ dùng ống kính của họ để “quay ngược thời gian”.

“Hai năm qua, doanh thu bán phim tăng gấp 20 lần và quá trình xử lý thì gấp 4 lần. Năm 2013, chúng tôi mở cửa và bán những chiếc máy ảnh cũ như những món đồ trang trí. Rồi càng ngày càng có nhiều người muốn mua những chiếc máy ảnh còn hoạt động, nên chúng tôi nhanh chóng đáp ứng nhu cầu này. Tới khoảng năm 2015, chúng tôi rửa khoảng 100 cuộn phim một tuần”, ông nói.

Dù ông Vlahadamis quả quyết rằng máy phim không phổ biến như những năm 90, nhưng xu hướng này sẽ không sớm biến mất. Ông lấy dẫn chứng về sự hồi sinh của Kodak. Tuyên bố phá sản năm 2012, gã khổng lồ phim chụp ảnh đã kết thúc năm 2020 với số tiền 196 triệu đô – một con số khổng lồ đối với một công ty đang tìm cách quay lại bằng làn sóng hoài cổ. “Có một thứ gì đó về phim đang diễn ra trên toàn cầu”, ông nói.

Vật dụng liên quan tới máy phim đều tăng giá. Riana Jayaraj cho biết cô đã mua chiếc máy ảnh cũ Olympus Stylus với giá 30 đô vài năm trước, và ngày nay, nó được bán trên mạng với cái giá trung bình gấp mười lần. Thế nên Kodak đạt được doanh thu lớn cũng không có gì khó hiểu. 

Sự trở lại của Kodak cho thấy xu hướng ảnh film dần trở lại (Ảnh: Guardian).
Sự trở lại của Kodak cho thấy xu hướng ảnh film dần trở lại (Ảnh: Guardian).

Đối với cô gái đến từ Melbourne (Úc) này, tình yêu của cô dành cho máy phim không chỉ là một xu hướng mới nổi sau đại dịch. Cô gái 25 tuổi đã yêu công nghệ cổ điển này khoảng 5 năm trước, và giờ cô mang theo máy tới các sự kiện quan trọng. Đó là cách để cô tận hưởng những khoảnh khắc.

“Tôi mang nó tới những sự kiện như đám cưới bạn thân. Tôi không mang đi khắp nơi, nhưng nếu có gì đó, tôi sẽ chụp, bởi sau đó, tôi có thể tận hưởng những trải nghiệm. Nó giúp tôi lưu giữ những điều nhỏ nhặt mà sau này tôi có thể nhìn lại, hơn là lo lắng về việc chụp những bức hình trên điện thoại”, cô cho biết.

Việc không thể xem lại những bức ảnh ngay lập tức hoá ra lại là điều hay. “Khi chụp ảnh trên điện thoại, nó giống như bạn bị đứt kết nối với những việc bạn đang làm – bạn cứ đứng ấn suốt nút chụp hình, bạn như có thể thao túng khung cảnh hay tình hình quanh bạn… bạn có thể chụp liên tiếp tới khi bản thân hài lòng”.

“Nhưng đối với máy chụp phim, bạn chỉ có một cơ hội – bạn chụp và hy vọng bức ảnh đó tốt. Bạn không thể chụp liên tiếp 50 triệu tấm ảnh, bởi bạn chỉ có khoảng 35 cơ hội trên cuốn phim, và nó tốn tiền khi mang đi rửa”.

Jayaraj không phải là thành viên Gen Z duy nhất dùng máy phim như liều thuốc giải cho hội chứng uể oải vì kỹ thuật số. Từ khi tìm đến máy phim, cô phát hiện quanh mình có khá nhiều đồng minh.  “Tôi cảm thấy mọi người giờ đây đều dùng ảnh phim. Thậm chí một vài người bạn của tôi có trang Instagrams về những bức ảnh chụp từ máy phim của họ”, cô nói.

Những chiếc máy ảnh film đang được giới trẻ ưa chuộng (Ảnh: Guardian)
Những chiếc máy ảnh film đang được giới trẻ ưa chuộng (Ảnh: Guardian)

Những chiếc máy ảnh dùng một lần cũng đang được khai mở trong thời đại mới, khi các thương hiệu như 35mm Co kết hợp với công nghệ nguyên thủy cùng độ bền thiên niên kỷ.

Thương hiệu Reloader là một dạng máy ảnh phim dùng một lần có thể tái chế, là do một sinh viên Melbourne 21 tuổi có tên Madi Stefanis thiết kế. “Tôi muốn cho ra một sản phẩm phù hợp với mọi lứa tuổi cũng như kỹ năng sử dụng, đồng thời giảm đi nhu cầu sử dụng máy ảnh một lần”, cô nói.

Từ khi The Reloader ra đời, hơn 11.000 chiếc máy đã được bán, trong đó hầu hết khách hàng đều là phụ nữ và người trẻ (trong độ tuổi từ 18-34).

Thế nhưng tại sao lại phải lướt qua những ký ức bằng những tấm ảnh in ra cầm trên tay, khi mà chúng ta có thể ghi lại những khoảnh khắc ấy với một ống kính góc rộng 12 megapixel với những tấm ảnh thấy ngay trên màn hình?

Đối với Shields, nó là niềm an ủi khi “ở trong hiện tại” và một tương lai bất định sau đại dịch, mà đối với cô “thấy như có phép màu” – không như khi cô dùng điện thoại hay máy kỹ thuật số.

“Tôi thực không biết chiếc máy kỹ thuật số của tôi ở đâu. Có lẽ nó ở dưới gầm giường, bám đầy bụi và ẩm mốc. Thế nhưng những chiếc máy ảnh phim của tôi thì ở trên bệ lò sưởi, là thứ đầu tiên bạn nhìn thấy khi bước vào phòng ngủ của tôi. Tôi thấy bản thân bị thu hút bởi phim nhiều hơn bởi nó thú vị hơn nhiều. Chúng có yếu tố gây ngạc nhiên, có những ẩn số và tính sáng tạo”, cô cho biết.

Minh Nguyễn (theo Guardian)

Trào lưu điện thoại hướng đến mạng xã hội

Trào lưu điện thoại hướng đến mạng xã hội

Nut Pro 3 - smartphone dành riêng cho mạng xã hội TikTok ra mắt cho thấy các hãng điện thoại đều nhanh nhạy với trào lưu mạng xã hội.