Olympus Corp: 'Lột xác' từ đế chế máy ảnh sang kinh doanh công nghệ y tế

CEO Yasuo Takeuchi đang dẫn dắt Olympus chuyển đổi thành một công ty công nghệ y tế, sau khi bán đi mảng kinh doanh máy ảnh của mình.

Olympus Corp đã từng nổi tiếng với những chiếc máy ảnh. Từ những chiếc máy ảnh đầu tiên vào năm 1936, Olympus đã tạo dựng được danh tiếng về chất lượng và sự đổi mới, chẳng hạn như mẫu 35DC năm 1971, chiếc máy ảnh đầu tiên trên thế giới có đèn flash tự động.

Tuy nhiên, thời hưng thịnh của đế chế máy ảnh đã không còn.

Cú lột xác táo bạo từ đế chế máy ảnh sang công nghệ y tế

Vào tháng Giêng, Olympus đã hoàn thành việc bán mảng kinh doanh máy ảnh và máy ghi âm cho công ty cổ phần tư nhân Japan Industrial Partners với số tiền không được tiết lộ. 

“Tôi có tham vọng lâu dài là thay đổi công ty này”, Chủ tịch kiêm CEO của Olympus, ông Yasuo Takeuchi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở chính của công ty ở Tokyo.

Có thể nói, đây là một sự lột xác táo bạo của một doanh nghiệp đã được định hình và xây dựng trong hơn tám thập kỷ. Không có máy ảnh, điều gì sẽ xảy ra với Olympus?

ceo-yasuo-takeuchi-olympus.png
Chủ tịch kiêm CEO của Olympus, ông Yasuo Takeuchi. Ảnh: Forbes

Câu trả lời của Takeuchi là: "Chúng tôi kinh doanh rất tốt về mặt y tế". Ông đang theo dõi sự chuyển mình lớn nhất của Olympus trong 102 năm qua, với mục đích tạo ra một gã khổng lồ về công nghệ y tế (medtech) thuần túy.

Sự thay đổi này đưa Olympus trở về khởi nguồn của nó. Mặc dù nổi tiếng với máy ảnh, song Olympus cũng có một lịch sử lâu dài và song song trong công nghệ y tế, sử dụng chuyên môn quang học để chế tạo kính hiển vi và nội soi.

Trên thực tế, sản phẩm đầu tiên được Olympus ra mắt là một chiếc kính hiển vi, ra mắt chỉ 6 tháng sau khi thành lập công ty vào năm 1919. Sau đó là ống nội soi. Olympus tạo ra nó vào năm 1950 và gọi nó là “dạ dày”, một thiết bị tuy thô sơ nhưng đã đặt nền tảng cho máy nội soi hiện đại. 

Dựa trên kiến ​​thức chuyên môn đó, Olympus cho biết họ là nhà sản xuất ống nội soi tiêu hóa lớn nhất thế giới, chiếm lĩnh 70% thị trường toàn cầu trị giá 3,3 tỷ USD cho công nghệ này. 

Trong năm tài chính gần đây nhất bao gồm máy ảnh (kết thúc vào tháng 3/2020), hai bộ phận công nghệ y tế của công ty đã đóng góp 80% trong tổng doanh thu 797 tỷ yên (7,3 tỷ USD). Trong khi đó, bộ phận hình ảnh, bao gồm những chiếc máy ảnh, chỉ chiếm 6% doanh thu và lỗ hơn 1 tỷ USD trong thập kỷ trước. 

Hiện tại, Takeuchi đã loại bỏ máy ảnh và tiếp theo có thể là bộ phận kính hiển vi, vì nó sẽ được chuyển thành một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn vào năm 2022.

may-noi-soi-olympus.png
Olympus có lịch sử lâu đời trong công nghệ y tế, sử dụng chuyên môn quang học của mình để chế tạo kính hiển vi và nội soi. Ảnh: Olympus

Tất cả nói lên rằng, Takeuchi đang trên đường hoàn thành việc chuyển nhượng lại Olympus và tập trung cho một công ty về nội soi, phương pháp điều trị và công nghệ phẫu thuật vào cuối năm sau.

Lý do cho sự chuyển đổi này rất đơn giản, vì máy ảnh điện thoại thông minh đã tiêu diệt thị trường máy ảnh tiêu dùng, làm giảm nhu cầu về máy ảnh độc lập. Đối với kính hiển vi, bộ phận này đã trở thành mảng kinh doanh nhỏ nhất của công ty, chiếm 13% tổng doanh thu 731 tỷ yên trong năm tài chính gần nhất (kết thúc vào ngày 31/3).

Kế hoạch tái cấu trúc “Transform Olympus”

Takeuchi, 64 tuổi, đã tiếp nối truyền thống của nhiều người Nhật là theo đuổi công việc trọn đời trong một công ty duy nhất. Ông gia nhập Olympus năm 1980, khi đó ông 23 tuổi và mới tốt nghiệp ngành kinh doanh tại Đại học Chuo của Nhật Bản. 

Sự nghiệp của ông thăng tiến vượt bậc sau 16 năm "chinh chiến" bên ngoài Nhật Bản, giúp điều hành các hoạt động của Olympus ở châu Âu và Mỹ. Sau đó, ông trở lại Nhật Bản vào năm 2015 và đứng đầu văn phòng quản lý công ty. Một năm sau, ông trở thành CFO.

Sau đó, trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập công ty vào tháng 10/1919, ông chuyển sang vị trí CEO và vẫn tiếp quản công ty đến hiện tại.

olympus.png
Sơ lược về các cột mốc của Olympus và các sản phẩm đáng chú ý của công ty. Nguồn: Olympus

Giờ đây, thách thức của ông là dẫn dắt Olympus bước sang trang mới, khác hơn rất nhiều so với những gì ông đã trải qua bốn thập kỷ trước.

Cuối cùng những nỗ lực của ông đã có kết quả. Kể từ khi Takeuchi công bố kế hoạch tái cấu trúc “Transform Olympus” vào tháng 1/2019, cổ phiếu niêm yết tại Tokyo của công ty đã tăng gấp đôi lên mức gần đây khoảng 2.200 yên. 

Trong quý đầu tiên của năm tài chính 2021, bắt đầu từ ngày 1/4, doanh thu của công ty đã tăng 40% so với một năm trước đó, lên 191,5 tỷ yên (1,8 tỷ USD). Cụ thể, Olympus thu được lợi nhuận ròng 18,7 tỷ yên so với khoản lỗ 2,7 tỷ yên một năm trước đó.

Bước khởi đầu thành công này đã giúp ban lãnh đạo công ty tự tin dự báo lợi nhuận cả năm là 101 tỷ yên. Nếu đạt được, đây sẽ là con số lớn nhất trong lịch sử.

Mặc dù đại dịch không ảnh hưởng nhiều đến quá trình tái cấu trúc của Olympus, nhưng nó đã làm giảm nhu cầu đối với thiết bị y tế của công ty. Vì các sản phẩm này không được sử dụng để điều trị COVID-19.

Tuy nhiên, Olympus đang có dấu hiệu phục hồi. Trong năm tài chính đến tháng 3, “chúng tôi phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do COVID-19 gây ra. Mặc dù vậy, doanh thu đã phục hồi đáng kể vào nửa cuối năm”, Takeuchi cho biết trong một cuộc gọi hội nghị vào tháng 5 với các nhà phân tích. 

Bước chuyển mình tạo ra kỳ tích

Người xúc tác cho việc tái cấu trúc Olympus được cho là đến từ quỹ hoạt động ValueAct Capital của Mỹ, một công ty có trụ sở tại San Francisco với số vốn quản lý lên đến 16 tỷ USD và đã khởi xướng các hành động chống lại các công ty như Microsoft và Rolls-Royce. 

Khi ValueAct sở hữu 5% cổ phần của Olympus vào năm 2018, nhiều nhà quản lý tỏ ra lo lắng cho tương lai của Olympus. Họ thuê các nhà tư vấn khuyên Takeuchi, khi đó là CFO, không nói chuyện với quỹ đầu cơ. Tuy nhiên, Takeuchi từ chối lời khuyên này. 

“Theo bản năng, tôi cảm thấy rằng họ có thể trở thành một đối tác rất tốt”, ông nói. 

Bỏ qua các lời khuyên, Takeuchi trở thành liên lạc viên của công ty với ValueAct. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, vào tháng 12/2018, ValueAct đã đe dọa sẽ triệu tập một cuộc họp cổ đông bất thường để thay thế các giám đốc, trừ khi công ty đưa 3 người không phải là người Nhật vào hội đồng quản trị. 

Quỹ đầu tư phủ nhận việc đưa ra lời đe dọa này, nhưng vào tháng 1/2019, Olympus thông báo đối tác của ValueAct - Robert Hale và cố vấn Jimmy Beasley sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của mình. Hiện tại, họ là hai trong số ba giám đốc Olympus không mang quốc tịch Nhật Bản.

Takeuchi từ chối các câu hỏi về áp lực bên ngoài, nói rằng lời khuyên của ValueAct bổ sung cho kế hoạch mà ông đã bắt đầu xây dựng khoảng 5 năm trước với các CEO khác, bao gồm cả cựu CEO Hiroyuki Sasa.

Vào tháng 1/2021, hai năm sau khi Olympus công bố kế hoạch chuyển đổi của mình, quỹ đã bán bớt khoản đầu tư của mình. Hiện nó nắm giữ 4% cổ phần. 

olympus-corp.png
Kaufmann (trái) nói về việc tái cơ cấu dưới thời Takeuchi: “Giờ đây, chúng tôi có cơ hội tập trung nhiều hơn vào việc trở thành công ty công nghệ hàng đầu toàn cầu mà chúng tôi muốn trở thành". Ảnh: Forbes

Masahiro Nakanomyo, một nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Jefferies của Mỹ, cho rằng sự chuyển mình của Olympus vẫn sẽ xảy ra ngay cả khi không có ValueAct, vì Takeuchi đã quyết định tập trung vào kinh doanh y tế. Ông không giống những quản lý tiền nhiệm của công ty, những người thận trọng hơn trong việc từ bỏ mảng kinh doanh máy ảnh cũ.

Hơn nữa, Takeuchi cũng tiến hành thay đổi hội đồng quản trị, tăng số lượng giám đốc bên ngoài và thành lập các ủy ban đề cử, lương thưởng, do một giám đốc bên ngoài quản lý. 

Cuộc vận động “Transform Olympus” cũng dẫn đến việc thành lập một ủy ban điều hành toàn cầu gồm 5 thành viên, do Takeuchi đứng đầu và bao gồm cả Stefan Kaufmann, giám đốc hành chính của Olympus. Là một công dân Đức làm việc tại Olympus từ năm 2003, Kaufmann đã được giao trách nhiệm giám sát việc thực hiện kế hoạch. 

Takeuchi cũng sắp xếp hợp lý việc ra quyết định. Trước đây, bất kỳ quyết định lớn nào của công ty đều phải thông qua 15 người, bao gồm cả giám đốc và CEO cấp cao, gây ra tắc nghẽn và chậm trễ trong việc hoàn thành công việc. 

Olympus cho biết họ là nhà sản xuất ống nội soi tiêu hóa lớn nhất thế giới, chiếm 70% thị trường toàn cầu trị giá 3,3 tỷ USD.

Giờ đây, những người đứng đầu các bộ phận được trao nhiều quyền hạn hơn, theo Takeuchi. Thay vì các CEO ở nước ngoài phải đưa ra các quyết định thông qua một đối tác ở Nhật Bản, các bộ phận hiện được tổ chức theo chức năng thay vì khu vực. 

Giám đốc hành chính Kaufmann nói: “Điều này đã cải thiện sự nhanh nhẹn lên nhiều lần". 

Olympus cũng khuyến khích quy trình ra quyết định “hai trong một”, tức một người Nhật Bản và một người nước ngoài, CEO Nacho Abia, người đến từ Tây Ban Nha, cho biết. Ông không sống ở Tokyo mà là Marlborough, Massachusetts. Ông nói: “Các quyết định đã có hiệu quả hơn nhiều so với trước đây". 

Một thay đổi khác là trong quá trình nghiên cứu và phát triển. Kaufmann cho biết, thay vì chỉ tập trung vào nghiên cứu nội bộ, công ty cởi mở hơn với việc mua lại để tăng tốc độ phát triển. Cụ thể, Olympus đã thực hiện một loạt giao dịch mua lại trong vài năm qua, bao gồm các công ty ở Pháp, Israel và Mỹ. 

Với việc tái cơ cấu, nhiều nhà phân tích đã nâng cấp xếp hạng của Olympus. Nhà phân tích Tomoko Yoshihara của Daiwa Securities viết trong một ghi chú hồi tháng 5 rằng, lợi nhuận ròng dự kiến của Olympus sẽ tăng lên 143 tỷ yên trong năm kết thúc vào tháng 3/2025, tăng 42% so với dự báo của công ty cho năm tài chính 2021, với doanh thu gần 959 tỷ yên. 

“Khi tiếp tục theo đuổi các cải tiến thông qua kế hoạch 'Transform Olympus', công ty sẽ có thể đạt được sự cải thiện bền vững về lợi nhuận trong tương lai", bà viết.

AN DI